Sau khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều nước bắt đầu cuộc chạy đua cứu vãn hiệp định này. Lúc này, chính sách thương mại cứng rắn của nước Mỹ dưới thời tân Tổng thống Donald Trump đang tạo nên những phản ứng khác nhau từ nhiều nước trên thế giới và cả trong lòng nước Mỹ.

Mỹ rút khỏi TPP: Úc lo, Nga mừng

Sài Gòn Giải Phóng | 25/01/2017, 18:40

Sau khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều nước bắt đầu cuộc chạy đua cứu vãn hiệp định này. Lúc này, chính sách thương mại cứng rắn của nước Mỹ dưới thời tân Tổng thống Donald Trump đang tạo nên những phản ứng khác nhau từ nhiều nước trên thế giới và cả trong lòng nước Mỹ.

Kế hoạch B

Ngày 24.1, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull khẳng định cam kết của Australia thúc đẩy hiệp định TPP có hiệu lực, đồng thời để ngỏ khả năng mời Trung Quốc, Indonesia tham gia hiệp địnhnày.Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo đã lên tiếng kêu gọi các nước tiếp tục thúc đẩy hiệp định “TPP 12-1”, đồng thời khẳng định hiệp định này sẽ mở cửa cho các nước khác muốn tham gia để bù vào khoảng trống do Mỹ để lại. Australia đã có các cuộc thảo luận với Canada, Mexico, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Malaysia, Chile và Peru để cứu vãn thỏa thuận này mà không cần sự tham gia của Mỹ.

Cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay cho biết ông đã tiến hành hội đàm với một số thành viên khác của TPP bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 47 tại Davos (Thụy Sĩ) hồi tuần trước và bộ trưởng các nước này sẽ nhóm họp trong vài tháng tới để thảo luận cách cứu vãn TPP.

Trước đó, Thủ tướng New Zealand Bill English cũng cho biết nước này đang nghiên cứu “Kế hoạch B” cho TPP và đề cập khả năng có sự tham gia của Trung Quốc. Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz ngày 24.1 thông báo nước này sẽ mời bộ trưởng các nước tham gia TPP nhóm họp vào tháng 3 tới sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định này. Chile cũng sẽ mời các nước không tham gia TPP như Trung Quốc và Hàn Quốc tham dự cuộc họp nhằm tìm kiếm một khuôn khổ thương mại mới không có Mỹ.

Trong khi đó, giới chức Malaysia ngày 24.1 cho biết Malaysia sẽ tập trung vào hội nhập kinh tế khu vực và hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong bối cảnh TPP có thể không thành hiện thực. Theo Bộ trưởng Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia Mustapa Mohamed, Malaysia sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế với 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), kịp thời hoàn tất RCEP vốn bao gồm ASEAN và 6 đối tác thương mại chủ chốt của khối này, trong đó có Trung Quốc.

Những phản ứng trái chiều

Trong khi đó, các nghị sĩ Nga cho rằng việc Mỹ rút khỏi TPP là một tin tốt đối với nước này vì một số điều khoản trong TPP sẽ đặt thỏa thuận này lên trên luật pháp quốc gia. Nga đồng thời hy vọng tiếp sau động thái này sẽ là việc Mỹ ngừng tham gia TTIP mà theo Nga vốn cũng “thiết lập các luật lệ mới trong thương mại toàn cầu dựa trên những nguyên tắc đáp ứng lợi ích của các tập đoàn xuyên quốc gia hơn là những nền kinh tế quốc gia”.

Cũng như Nga, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức Sigmar Gabriel nhận định cơ hội cho kinh tế Đức đã mở ra sau khi Mỹ nói “không” với TPP. Các doanh nghiệp Đức có thể nắm bắt những cơ hội kinh doanh tại châu Á và Nam Mỹ sau khi Mỹ chính thức quyết định rút khỏi TPP.

Những quyết định đầu tiêncủa Tổng thống Donald Trump đã phủ bóng đen lên các mối quan hệ thương mại và có thể gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Mỹ. Theo tờ Financial Times của Anh ngày 23.1, chủ nghĩa bảo hộ sẽ chi phối toàn bộ chính sách thương mại của Chính phủ Mỹ dưới thời ông Donald Trump. Báo này cảnh báo giới doanh nghiệp nước này về các hậu quả của việc dịch chuyển hoạt động sản xuất ra bên ngoài lãnh thổ Mỹ.

Người đứng đầu Ban Tây Bán cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Alejandro Werner, nhận định đây là động thái “hãm phanh” tiến trình hội nhập toàn cầu. Trong khi đó, ông Jake Colvin, Phó chủ tịch Hội đồng Ngoại thương quốc gia của Mỹ, cho rằng vấn đề then chốt là Mỹ ở cương vị lãnh đạo nền kinh tế thế giới. Trong khi đó, giáo sư về kinh tế quốc tế tại Viện Brookings, Barry Bosworth, cảnh báo, các công ty của châu Âu sẽ thay thế các công ty Mỹ.

Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain, đã ra thông cáo báo chí chỉ trích hành động này là “một sai lầm nghiêm trọng”. Theo Thượng nghị sĩ McCain, vấn đề cấp bách sắp tới của Mỹ là phải thúc đẩy một chương trình nghị sự thương mại tích cực ở châu Á-Thái Bình Dương để giúp người lao động và các công ty Mỹ cạnh tranh tại một trong những khu vực tăng trưởng kinh tế nhanh và sôi động nhất thế giới.

Hạnh Chi/SGGP
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ rút khỏi TPP: Úc lo, Nga mừng