Reuters ngày 3.7 nêu Mỹ-Nhật ‘sẵn sàng phản ứng’ với mối đe dọa từ Triều Tiên, một chủ đề chính trong hai cuộc nói chuyện qua điện thoại giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, và giữa ông Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Mỹ - Nhật ‘sẵn sàng phản ứng’ với mối đe dọa từ Triều Tiên

Trần Trí | 03/07/2017, 17:32

Reuters ngày 3.7 nêu Mỹ-Nhật ‘sẵn sàng phản ứng’ với mối đe dọa từ Triều Tiên, một chủ đề chính trong hai cuộc nói chuyện qua điện thoại giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, và giữa ông Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Hai cuộc nói chuyện này diễn ra trước khi hai lãnh đạo Nhật-Trung dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hamburg (Đức) vào cuối tuần này. Ông Trump cũng sẽ đến dự.

Trong cuộc nói chuyện với Thủ tướng Nhật, hai ông Trump-Abe nhắc lại cam kết tăng sức ép lên Triều Tiên.

Nhà Trắng nêu trong tuyên bố: “Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định liên minh Mỹ-Nhật sẵn sàng phòng thủ và phản ứng trước bất kỳ hành động hoặc sự đe dọa nào từ CHDCND Triều Tiên”.

Đầu năm nay, ông Trump từng tiếp Thủ tướng Abe tại khu nghỉ dưỡng riêng ở Florida. Và ông lập một mặt trận với lãnh đạo Nhật, vì cần gây sức ép buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Nhà Trắng cho biết từ khu nghỉ dưỡng riêng ở bang NewJersey, ông Trump cũng gọi điện cho ông Tập:

“Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm đạt được một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân. Tổng thống Trump cũng nhắc lại quyết tâm tìm kiếm quan hệ thương mại cân bằng hơn với các đối tác thương mại của Mỹ”.

Giới truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ đưa tin ông Trump và ông Tập bàn luận về “hòa bình và sự ổn định của bán đảo Triều Tiên”.

Theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) tường thuật về cuộc điện thoại giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, ông Tập nói với ông Trump rằng “đang có những yếu tố tiêu cực tác động đến quan hệ Trung-Mỹ, và Trung Quốc đã bày tỏ quan điểm với Mỹ”.

CCTV cũng đưa tin ông Tập nói với ông Trump: Trung Quốc hy vọng Mỹ có thể xử lý vấn đề Đài Loan (TQ) một cách thích đáng, theo tinh thần “Một Trung Quốc”.

Hai cuộc điện thoại giữa ông Trump với ông Tập và ông Abe tiếp sau lần ông Trump tiếp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở Nhà Trắng hồi tuần trước. Ở đó, ông Trump kêu gọi các cường quốc châu Á áp dụng lệnh trừng phạt Triều Tiên, kêu gọi Triều Tiên “chọn con đường tốt hơn và chọn nhanh lên”.

Ông Trump đang ngày càng thất vọng với việc Trung Quốc không thể kềm chếTriều Tiên, và việc ông đề cập quan hệ thương mại là dấu chỉ doanh nhân New York này có thể quay lại cách đối xử cứng rắn hơn với Bắc Kinh, sau khi ông Trump tạm “nhún mình” với hy vọng Bắc Kinh sẽ ép Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Hồi tháng 4, khi tiếp ông Tập ở khu nghỉ dưỡng riêng ở Florida, ông Trump từng khen ông Tập đã đồng ý giải quyết vấn đề Triều Tiên, và ông đã ngưng công kích hoạt động thương mại của Trung Quốc, khác với lúc tranh cử, ông từng chỉ trích Trung Quốc là “thao túng tiền tệ”.

Nhưng gần đây, ông Trump nói bóng gió đã mất kiên nhẫn với Bắc Kinh, vì Trung Quốc hầu như chẳng gây được sức ép với Triều Tiên đang phát triển tên lửa có thể gắn đầu đạn hạt nhân để tấn công chính nước Mỹ.

Ông Trump đãcân nhắc các hành động thương mại, như cấp quota hoặc áp thuế lên thép Trung Quốc nhập vào Mỹ với lý do an ninh quốc gia. Các quan chức chính phủ Mỹ nói Washington đã chứng kiến việc sản xuất thừa thép trên toàn thế giới, nhất là ở Trung Quốc.

Ông Trump cũng tính đề cập những lo ngại của ông tại Hội nghị thượng đỉnh G-20.

Ngày 29.6, Mỹ đã trừng phạt 1 ngân hàng, một công ty và 2 người đều của Trung Quốc vì họ đã làm ăn với Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng phê duyệt vụ bán vũ khí trị giá 1,42 tỉ USD cho Đài Loan. Quyết định này đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ.

Ngày 2.7 vừa qua, khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường Stethem đã đi vào vùng nước 12 hải lý (20 km) quanh đảo Tri Tôn ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm trái phép.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối.

Kim Hương (theo Reuters)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ - Nhật ‘sẵn sàng phản ứng’ với mối đe dọa từ Triều Tiên