Trang NPR dẫn hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga xây dựng cơ sở chứa hệ thống tên lửa di động Iskander tại Kaliningrad.

Mỹ-Nga đua nhau dự trữ tên lửa và vũ khí hạt nhân

02/02/2019, 15:23

Trang NPR dẫn hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga xây dựng cơ sở chứa hệ thống tên lửa di động Iskander tại Kaliningrad.

Hệ thống Iskander- M của Nga - Ảnh: TASS

Nhiều tòa nhà cũ bị phá hủy, đồng thời xuất hiện một số kiến trúc giống mái lều như là nơi để tên lửa. Học giả Jeffrey Lewis đến từ Viện Nghiên cứu chiến lược Middlebury đánh giá: “Cơ sở này có vẻ như đang trải qua quá trình đại tu khá toàn diện. Hiện tại đây là một công trường lớn”.

Iskander mang được đầu đạn thường lẫn đầu đạn hạt nhân, tầm bắn lên đến 500km. Tên lửa này được xem là “sát thủ giấu mặt” do khó phát hiện, lại sở hữu khả năng di động lẫn độ chính xác cao.

Ảnh chụp cơ sở được cho là nơi chứa tên lửa Iskander tại Kaliningrad - Ảnh: Planet Labs

Trong khi đó tại bang Texas, Mỹ bắt đầu chế tạo một loại đầu đạn hạt nhân có sức công phá thấp lắp vào tên lửa đạn đạo Trident hiện hành. Đầu đạn mang tên W76-2.

Học giả Lewis cùng nhiều chuyên gia khác cho rằng những loại vũ khí mới nêu trên có tiềm năng dùng trong một loại hình chiến tranh hạt nhân mới mà Mỹ chưa từng gặp qua: xung đột hạt nhân tầm chiến thuật.

Ý tưởng sử dụng vũ khí hạt nhân nhỏ trong các cuộc xung đột nổi lên từ thời Chiến tranh lạnh. Mỹ vào tháng 7.1962 từng tổ chức tập trận tấn công trên sa mạc Nevada. Trước tiên, xe bọc thép bắn vũ khí hạt nhân sức công phá thấp (yếu hơn rất đầu đạn nhiệt hạch đủ sức tàn phá cả một thành phố) mang tên Davy Crockett về phía vị trí kẻ thù giả định, trong vòng một tiếng đồng hồ sau đó thì binh sĩ cùng xe tăng mới “càn quét chiến trường” rồi tuyên bố giành chiến thắng.

Vũ khí hạt nhân sức công phá thấp Davy Crockett - Ảnh: Getty Images

Đây chính là kết hợp vũ khí hạt nhân với vũ khí thông thường để áp đảo hay kìm hãm kẻ thù. Lúc Chiến tranh lạnh kéo dài, Washington chế tạo mìn, tên lửa, pháo hạt nhân nhưng chúng cuối cùng lại trở nên lỗi thời.

Thời điểm Liên Xô sụp đổ năm 1991, Mỹ nhận định những vũ khí như vậy không còn cần thiết nên quyết định giải trừ gần như tất cả, chuyên gia chính sách hạt nhân Matthew Kroenig thuộc Đại học Georgetown cho biết.

Nga lại không làm vậy. Nước này giữ lại chúng trong một số kho trọng yếu, trong khi phát triển lẫn nâng cấp tên lửa mang được loại vũ khí này tại những cơ sở như Kaliningrad.

Theo thành viên Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) Olga Oliker, đây là lời nhắc nhở gửi đến các quốc gia khác rằng Moscow có vũ khí hạt nhân và sẵn sàng dùng đến.

Mỹ bắt đầu chế tạo đầu đạn hạt nhân W76-2 lắp vào tên lửa đạn đạo Trident - Ảnh: DVIDS

Chính quyền Tổng thống Donald Trump tin Nga thực sự có ý sử dụng chúng. Đánh giá vị thế hạt nhân (NPR) do Washington công bố năm ngoái cảnh báo Moscow có khả năng làm vậy ngay từ đầu một cuộc xung đột.

Nếu chuyện này xảy ra thì Washington cùng đồng minh khó lòng đáp trả tương xứng, vì họ chỉ sở hữu vũ khí hạt nhân loại lớn vốn chỉ dành cho chiến tranh hạt nhân với sức tàn phá toàn cầu.

“Hoặc chấp nhận thua cuộc để tránh chiến tranh, hoặc phải dùng vũ khí hạt nhân chiến lược, mạo hiểm châm ngòi một cuộc tấn công hạt nhân lớn hơn”, chuyên gia Kroenig nhận xét. Ông nhấn mạnh đầu đạn W76-2 lúc này sẽ phát huy tác dụng.

Có ý kiến lo ngại Mỹ - Nga sắp quay về thời Chiến tranh lạnh. Theo thành viên Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ (FAS) Hans Kristensen, vũ khí mới lãng phí tiền bạc và khuyến khích giới lên kế hoạch tác chiến Washington sẵn sàng sử dụng đến hạt nhân hơn.

Nhưng chuyên gia Kroenig cho rằng mục đích phát triển vũ khí mới như W76-2 thực ra không phải nhằm phục vụ cho chiến đấu kết hợp vũ khí hạt nhân với thông thường, mà Mỹ chỉ muốn nhắc nhở Nga họ có nhiều lựa chọn đáp trả.

Cẩm Bình (theo NPR)

Bài liên quan
Ông Trump chọn tỷ phú giỏi đầu tư làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ
Đài CNN dẫn lời Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 22.11 thông báo chọn tỷ phú Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ-Nga đua nhau dự trữ tên lửa và vũ khí hạt nhân