Chính quyền Biden hôm 7.10 đã công bố hàng loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu, gồm cả biện pháp nhằm cắt đứt Trung Quốc khỏi một số chip bán dẫn được sản xuất ở mọi nơi trên thế giới với thiết bị từ Mỹ.

Mỹ muốn làm ngành công nghiệp chip Trung Quốc tụt hậu bằng các quy tắc xuất khẩu mới

Sơn Vân | 08/10/2022, 09:30

Chính quyền Biden hôm 7.10 đã công bố hàng loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu, gồm cả biện pháp nhằm cắt đứt Trung Quốc khỏi một số chip bán dẫn được sản xuất ở mọi nơi trên thế giới với thiết bị từ Mỹ.

Đây là động thái mở rộng phạm vi tiếp cận từ Mỹ trong nỗ lực làm chậm các tiến bộ công nghệ và quân sự của Trung Quốc.

Các quy tắc (một số có hiệu lực ngay lập tức) được xây dựng dựa trên các hạn chế được gửi trong thư đầu năm nay cho các nhà sản xuất công cụ hàng đầu KLA Corp, Lam Research Corp và Applied Materials Inc. Đây là cách hiệu quả yêu cầu các công ty Mỹ này ngừng vận chuyển thiết bị đến các nhà máy sản xuất chip logic tiên tiến hoàn toàn thuộc sở hữu của Trung Quốc.

Một loạt các biện pháp có thể dẫn đến sự thay đổi lớn nhất trong chính sách của Mỹ với công nghệ vận chuyển đến Trung Quốc kể từ những năm 1990. Nếu hiệu quả, chúng có thể gây khó khăn cho ngành sản xuất chip của Trung Quốc bằng cách buộc các công ty Mỹ và nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ cắt hỗ trợ cho một số nhà máy và nhà thiết kế chip hàng đầu của cường quốc châu Á này.

Jim Lewis, chuyên gia công nghệ và an ninh mạng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại thủ đô Washington (Mỹ), cho biết: “Điều này sẽ khiến Trung Quốc lùi lại nhiều năm. Trung Quốc sẽ không từ bỏ sản xuất chip, nhưng điều đó thực sự sẽ làm họ đi chậm lại”. Jim Lewis nói các chính sách này quay trở lại các quy định cứng rắn trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh.

Trong cuộc họp báo với các phóng viên hôm 6.10 về việc xem trước các quy tắc, các quan chức chính phủ Mỹ cấp cao nói nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn các công ty nước ngoài bán chip tiên tiến cho Trung Quốc hoặc cung cấp cho các công ty Trung Quốc những công cụ để sản xuất chip tiên tiến của riêng họ. Tuy nhiên, họ thừa nhận không đảm bảo được bất kỳ lời hứa nào rằng các quốc gia đồng minh sẽ thực hiện các biện pháp tương tự và những cuộc thảo luận với các nước đó đang diễn ra.

"Chúng tôi nhận ra rằng các biện pháp kiểm soát đơn phương mà chúng tôi đang áp dụng sẽ mất hiệu lực theo thời gian nếu các quốc gia khác không tham gia với chúng tôi. Và chúng tôi có nguy cơ làm tổn hại đến sự dẫn đầu về công nghệ của Mỹ nếu các đối thủ cạnh tranh nước ngoài không chịu các biện pháp kiểm soát tương tự", một quan chức nói.

Việc chính quyền Biden mở rộng các quyền lực để kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc các chip được sản xuất bằng các công cụ của Mỹ dựa trên việc mở rộng quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài. Trước đây, nó đã được mở rộng để trao cho chính phủ Mỹ quyền kiểm soát xuất khẩu chip được sản xuất ở nước ngoài cho Huawei Technologies Co (tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc) và sau đó là ngăn chặn dòng chất bán dẫn sang Nga sau cuộc tấn công Ukraine.

my-muon-lam-lung-doan-nganh-cong-nghiep-chip-trung-quoc.jpg
Mỹ đã công bố hàng loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu có thể khiến Trung Quốc lùi lại nhiều năm

Hôm 7.10, chính quyền Biden đã áp dụng các hạn chế mở rộng với IFLYTEK, Dahua Technology và Megvii Technology, những công ty Trung Quốc bị thêm vào danh sách đen năm 2019 vì cáo buộc đã hỗ trợ chính quyền trong việc đàn áp người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ.

Các quy tắc được công bố hôm 7.10 cũng chặn xuất khẩu hàng loạt chip để sử dụng trong các hệ thống siêu máy tính Trung Quốc. Các quy tắc xác định siêu máy tính là bất kỳ hệ thống nào có sức mạnh tính toán hơn 100 petaflop trong không gian sàn rộng 6.400 feet vuông (trên 594 mét vuông), định nghĩa mà hai nguồn tin trong ngành cho biết cũng có thể ảnh hưởng đến một số trung tâm dữ liệu thương mại tại các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

Eric Sayers, chuyên gia về chính sách quốc phòng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói động thái này phản ánh một nỗ lực mới từ chính quyền Biden nhằm kiềm chế những bước tiến của Trung Quốc thay vì chỉ tìm cách san bằng sân chơi.

"Phạm vi của quy tắc và các tác động tiềm ẩn là khá tuyệt vời nhưng mức độ ảnh hưởng tất nhiên sẽ nằm trong chi tiết của việc thực hiện", ông nói thêm.

Các công ty trên khắp thế giới bắt đầu vật lộn với hành động mới nhất của Mỹ, với việc cổ phiếu các nhà sản xuất thiết bị sản xuất chất bán dẫn giảm.

Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, đại diện cho các nhà sản xuất chip, nói đang nghiên cứu các quy định và kêu gọi Mỹ "thực hiện các quy tắc một cách có mục tiêu và phối hợp với các đối tác quốc tế để giúp sân chơi bình đẳng".

Trước đó, chính quyền Biden đã thêm YMTC (nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Trung Quốc) và 30 công ty khác của nước này vào danh sách mà giới chức Mỹ không thể xác minh, làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh và bắt đầu thời hạn 60 ngày có thể đưa ra các hình phạt nghiêm khắc hơn nhiều.

Các công ty bị thêm vào danh sách chưa được xác minh này khi những nhà chức trách Mỹ không thể hoàn thành các chuyến thăm tại chỗ để xác định xem họ có đáng tin cậy để nhận công nghệ nhạy cảm từ Mỹ hay không. Điều đó buộc các nhà cung cấp Mỹ phải cẩn thận hơn khi giao hàng cho họ.

Theo một chính sách mới được công bố hôm 7.10, nếu chính phủ Trung Quốc ngăn cản các quan chức Mỹ tiến hành kiểm tra địa điểm tại các công ty nằm trong danh sách chưa được xác minh, các nhà chức trách Mỹ sẽ bắt đầu quy trình thêm họ vào danh sách thực thể sau 60 ngày.

YMTC sẽ làm leo thang căng thẳng vốn đã gia tăng với Trung Quốc và buộc các nhà cung cấp tại Mỹ của họ phải tìm kiếm giấy phép khó xin từ chính phủ Mỹ trước khi vận chuyển chúng, ngay cả những mặt hàng công nghệ thấp nhất.

YMTC là thế lực đang lên trong sản xuất chip NAND được thành lập vào năm 2016. Việc mở rộng và cung cấp sản phẩm giá thấp của YMTC thể hiện "mối đe dọa trực tiếp" với Micron Technology Inc và Western Digital Corp có trụ sở tại Mỹ, theo báo cáo từ Nhà Trắng vào tháng 6.2021.

YMTC đã bị Bộ Thương mại Mỹ điều tra về việc liệu công ty có vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ bằng cách bán chip cho công ty viễn thông Huawei hay không. Các chip của YMTC đang được Apple đánh giá để đưa vào một số iPhone ở Trung Quốc, mối quan tâm lớn với các nhà lập pháp Mỹ và chính quyền Biden.

Các quy định mới cũng sẽ hạn chế nghiêm trọng việc xuất khẩu thiết bị Mỹ cho các nhà sản xuất chip nhớ Trung Quốc và chính thức hóa các bức thư gửi đến Nvidia, Advanced Micro Devices Inc (AMD) hạn chế vận chuyển chip AI dùng trong siêu máy tính đến Trung Quốc mà các quốc gia trên thế giới dựa vào để phát triển vũ khí hạt nhân và các công nghệ quân sự khác.

Hãng tin Reuters lần đầu tiên báo cáo các chi tiết chính về hạn chế mới với các nhà sản xuất chip nhớ, bao gồm cả lệnh cấm các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc và các động thái mở rộng hạn chế với các lô hàng công nghệ từ KLA Corp, Lam Research Corp, Applied Materials Inc, Nvidia và AMD.

YMTC thay CEO trong bối cảnh sợ Mỹ trừng phạt vì quan hệ với Apple

Mới đây, ông Simon Yang, Giám đốc điều hành YMTC - công ty con của Tsinghua Unigroup kể từ khi thành lập vào năm 2016, đã rời khỏi vai trò giám đốc điều hành nhưng sẽ ở lại công ty với tư cách là phó chủ tịch, theo trang web tin tức ngành công nghiệp Trung Quốc - IC Rank.

Chen Nanxiang, chuyên gia kỳ cựu trong ngành và là cựu Phó tổng giám đốc hãng China Resources Microelectronics, đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành YMTC, theo báo cáo.

Simon Yang từ chức vì lý do cá nhân, theo trang Tech News (Đài Loan). YMTC đã không trả lời câu hỏi về vấn đề này. Simon Yang là kỹ sư được đào tạo tại Mỹ, từng làm việc tại Intel và GlobalFoundries trong hơn một thập kỷ. Ông là một trong những nhân vật hàng đầu trong việc thúc đẩy sự tự lực về công nghệ của Trung Quốc.

Năm 2001, Simon Yang trở thành một trong những thành viên sáng lập SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, và trở thành giám đốc điều hành công ty này năm 2010 trước khi từ chức vào năm sau.

Tháng 1.2013, hãng sản xuất chip nhớ Wuhan Xinxin Semiconductor Manufacturing Corp thông báo Simon Yang đã được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành mới của mình. Tsinghua Unigroup mua lại Wuhan Xinxin Semiconductor Manufacturing Corp vào năm 2016, khi nó được chuyển đổi thành YMTC.

Dưới sự lãnh đạo của Simon Yang, YMTC nhanh chóng phát triển thành một gã khổng lồ trong ngành. Theo truyền thông Trung Quốc, một trong những sản phẩm mới nhất của YMTC là chip 232 lớp, có thể xếp nó ngang hàng với các nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu như Samsung Electronics, Micron và SK Hynix.

Sự phát triển của YMTC khiến Mỹ chú ý. Chính quyền Biden đang cân nhắc lệnh cấm bán thiết bị sản xuất chất bán dẫn của Mỹ cho các xưởng đúc chip NAND flash tiên tiến ở Trung Quốc, với lý do “mối đe dọa ngày càng tăng” do các hãng như YMTC gây ra với an ninh quốc gia và các công ty chip Mỹ.

Tin tức Apple đang xem xét sử dụng bộ nhớ flash của YMTC cho iPhone bán ở Trung Quốc cũng làm dấy lên sự phẫn nộ của một số nhà lập pháp Mỹ. Tuần trước, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi xem xét an ninh quốc gia về một thỏa thuận tiềm năng giữa hai công ty, với lý do lo ngại về quyền riêng tư và lỗ hổng bảo mật.

Hôm 30.9, hai nghị sĩ đảng Cộng hòa thông báo đã đưa ra luật để "áp đặt các biện pháp trừng phạt làm tê liệt" YMTC, qua đó sẽ ngăn Apple sử dụng chip của công ty Trung Quốc.

YMTC đã bác bỏ tuyên bố từ các chính trị gia Mỹ rằng họ có quan hệ với quân đội Trung Quốc, nhưng không bình luận công khai về triển vọng của các lệnh trừng phạt.

Công ty cũng kín tiếng về những đột phá mới nhất trong sản phẩm chip nhớ của mình.

Bài liên quan
Hãng chip nhớ số 1 Trung Quốc thay CEO trong bối cảnh sợ Mỹ trừng phạt vì quan hệ với Apple
Giám đốc điều hành Yangtze Memory Technologies Co (YMTC), nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất Trung Quốc, đã từ chức khi công ty phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ muốn làm ngành công nghiệp chip Trung Quốc tụt hậu bằng các quy tắc xuất khẩu mới