Giám đốc điều hành Yangtze Memory Technologies Co (YMTC), nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất Trung Quốc, đã từ chức khi công ty phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Hãng chip nhớ số 1 Trung Quốc thay CEO trong bối cảnh sợ Mỹ trừng phạt vì quan hệ với Apple

Sơn Vân | 01/10/2022, 20:44

Giám đốc điều hành Yangtze Memory Technologies Co (YMTC), nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất Trung Quốc, đã từ chức khi công ty phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Ông Simon Yang, người đứng đầu YMTC - công ty con của Tsinghua Unigroup kể từ khi thành lập vào năm 2016, sẽ rời khỏi vai trò giám đốc điều hành nhưng sẽ ở lại công ty với tư cách là phó chủ tịch, theo trang web tin tức ngành công nghiệp Trung Quốc - IC Rank.

Chen Nanxiang, chuyên gia kỳ cựu trong ngành và là cựu Phó tổng giám đốc hãng China Resources Microelectronics, đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành YMTC, theo báo cáo.

Simon Yang từ chức vì lý do cá nhân, theo trang Tech News (Đài Loan). YMTC đã không trả lời câu hỏi về vấn đề này.

hang-chip-nho-so-1-trung-quoc-thay-ceo.jpg
Simon Yang vừa từ chức Giám đốc điều hành YMTC

Simon Yang là kỹ sư được đào tạo tại Mỹ, từng làm việc tại Intel và GlobalFoundries trong hơn một thập kỷ. Ông là một trong những nhân vật hàng đầu trong việc thúc đẩy sự tự lực về công nghệ của Trung Quốc.

Năm 2001, Simon Yang trở thành một trong những thành viên sáng lập Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC), nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc và trở thành giám đốc điều hành công ty này năm 2010 trước khi từ chức vào năm sau.

Tháng 1.2013, hãng sản xuất chip nhớ Wuhan Xinxin Semiconductor Manufacturing Corp thông báo Simon Yang đã được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành mới của mình. Tsinghua Unigroup mua lại Wuhan Xinxin Semiconductor Manufacturing Corp vào năm 2016, khi nó được chuyển đổi thành YMTC.

Dưới sự lãnh đạo của Simon Yang, YMTC nhanh chóng phát triển thành một gã khổng lồ trong ngành. Theo truyền thông Trung Quốc, một trong những sản phẩm mới nhất của YMTC là chip 232 lớp, có thể xếp nó ngang hàng với các nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu như Samsung Electronics, Micron và SK Hynix.

Sự phát triển của YMTC khiến Mỹ chú ý. Chính quyền Biden được cho là đang cân nhắc lệnh cấm bán thiết bị sản xuất chất bán dẫn của Mỹ cho các xưởng đúc chip NAND flash tiên tiến ở Trung Quốc, với lý do “mối đe dọa ngày càng tăng” do các hãng như YMTC gây ra với an ninh quốc gia và các công ty chip Mỹ.

Tin tức Apple đang xem xét sử dụng bộ nhớ flash của YMTC cho iPhone bán ở Trung Quốc cũng làm dấy lên sự phẫn nộ của một số nhà lập pháp Mỹ. Tuần trước, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi xem xét an ninh quốc gia về một thỏa thuận tiềm năng giữa hai công ty, với lý do lo ngại về quyền riêng tư và lỗ hổng bảo mật.

Hôm 30.9, hai nghị sĩ đảng Cộng hòa thông báo đã đưa ra luật để  "áp đặt các biện pháp trừng phạt làm tê liệt" YMTC, qua đó sẽ ngăn Apple sử dụng chip của công ty Trung Quốc.

YMTC đã bác bỏ tuyên bố từ các chính trị gia Mỹ rằng họ có quan hệ với quân đội Trung Quốc, nhưng không bình luận công khai về triển vọng của các lệnh trừng phạt.

Công ty cũng kín tiếng về những đột phá mới nhất trong sản phẩm chip nhớ của mình.

Mỹ xem xét trừng phạt, hãng chip nhớ số 1 Trung Quốc rón rén trên đường tự cung tự cấp

Vài tháng trước khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu vào 7.2018, phương tiện truyền thông đưa tin Chủ tịch Tập Cận Bình tập trung vào nỗ lực nhằm tập hợp các nhà khoa học và kỹ sư hàng đầu Trung Quốc theo đuổi những đột phá trong công nghệ cốt lõi, khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington gia tăng.

Nhiều báo cáo trong số đó đã đăng tải hình ảnh của hãng thông tấn Tân Hoa xã về việc ông Tập Cận Bình và đoàn tùy tùng mặc áo bảo hộ màu trắng trong chuyến tham quan các cơ sở tại Wuhan Xinxin Semiconductor Manufacturing Corp, công ty con của YMTC. 

my-xem-xet-trung-phat-hang-chip-nho-so-1-trung-quoc-ron-ren-ve-tu-cung-tu-cap.jpg
Ông Tập Cận Bình cùng Zhao Weiguo trực tiếp đến thăm các cơ sở Wuhan Xinxin Semiconductor Manufacturing Corp, công ty con của YMTC, tại Vũ Hán vào ngày 26.4.2018 - Ảnh: Xinhua

Tua nhanh đến hiện tại, YMTC vẫn là một thế lực trong động lực tự cung tự cấp chất bán dẫn của Trung Quốc, nhưng hoàn cảnh đã thay đổi. YMTC không còn thuộc sở hữu của tập đoàn công nghệ Tsinghua Unigroup, được mua lại vào tháng 7 bởi Beijing Zhiguangxin Holding.

Trong khi đó, cựu Chủ tịch Tsinghua Unigroup - Zhao Weiguo, người tháp tùng ông Tập Cận Bình trong chuyến tham quan nhà máy sản xuất chip đó, đã bị đưa vào diện điều tra.

Quan trọng hơn, YMTC phải đối mặt với áp lực trong bối cảnh có thể Mỹ bị trừng phạt thương mại.

YMTC chưa bị ảnh hưởng bởi căng thẳng ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và Washington. YMTC không chịu chung số phận như Huawei Technologies Co và SMIC. Đây là hai hãng công nghệ Trung Quốc không lồ bị thêm vào danh sách đen thương mại của Mỹ trong những ngày đầu cuộc chiến công nghệ giữa hai nước.

Do đó, YMTC nhận thấy mình đang dẫn đường cho ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc cắt giảm sự phụ thuộc vào các công nghệ nhập khẩu, đồng thời tiếp tục theo đuổi sự đổi mới.

Dylan Patel, nhà phân tích trưởng của hãng SemiAnalysis (có trụ sở tại thành phố Los Angeles, Mỹ), viết trong một bản tin tháng trước: “YMTC không phải là một công ty bắt chước công nghệ tiên tiến, giống như cách nhiều người nhận thức sai về các hãng bán dẫn của Trung Quốc. Họ đang xây dựng các sản phẩm sáng tạo và độc đáo của riêng mình".

Theo báo cáo của trang Nikkei Asia công bố vào tháng 5.2021, YMTC đã thành lập một đội đặc nhiệm gồm hơn 800 người để xem xét chuỗi cung ứng của mình, với mục tiêu cuối cùng là thay thế các nhà cung cấp từ Mỹ. Dù phủ nhận báo cáo đó nhưng YMTC phản ánh cách công ty đã trở thành một phần không thể thiếu của chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

YMTC được thành lập vào tháng 7.2016 sau khi Tsinghua Unigroup tiếp quản đơn vị chip nhớ của Wuhan Xinxin Semiconductor Manufacturing Corp (được thành lập vào năm 2006 và vận hành hai nhà máy sản xuất chip).

Wuhan Xinxin Semiconductor Manufacturing Corp đã hợp tác và có bản quyền công nghệ bộ nhớ flash của Spansion (Mỹ) từ năm 2008. Spansion sau đó được Cypress Semiconductor mua lại. Cypress Semiconductor được mua lại vào năm 2020 bởi Infineon Technologies (Đức).

Quỹ Đầu tư Công nghiệp Vi mạch Tích hợp do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn (còn được gọi là Big Fund) và Tập đoàn Đầu tư Khoa học & Công nghệ Hồ Bắc đã cung cấp vốn hạt giống khoảng 18,9 tỉ nhân dân tệ (2,67 tỉ USD) cho YMTC. Tổng đầu tư vào YMTC đạt 24 tỉ USD, theo trang web của công ty.

Vốn hạt giống là nguồn vốn ban đầu được sử dụng để tạo ra một doanh nghiệp hoặc sản phẩm mới.

Tháng 10.2017, YMTC đã thiết kế và sản xuất wafer bộ nhớ 3D NAND flash đầu tiên của Trung Quốc thông qua nghiên cứu và phát triển và hợp tác quốc tế của riêng mình, theo trang web công ty. Các chip đóng gói bộ nhớ 3D NAND flash của YMTC được nhúng trong các thiết bị lưu trữ khác nhau cũng như ổ đĩa thể rắn (SSD) người tiêu dùng và doanh nghiệp, được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị di động, máy tính cá nhân, máy chủ và các sản phẩm điện tử khác nhau.

YMTC có hơn 10.000 nhân viên trên toàn thế giới, trong đó có 6.000 kỹ sư tham gia vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Công ty đang tìm cách thuê sinh viên tốt nghiệp để lấp đầy hàng chục vị trí tại các cơ sở hoạt động của mình ở thành phố Vũ Hán, Thượng Hải và Bắc Kinh, theo bài đăng tuyển dụng mới nhất của họ.

my-xem-xet-trung-phat-hang-chip-nho-so-1-trung-quoc-ron-ren-ve-tu-cung-tu-cap1.jpg
Trụ sở và tổ hợp sản xuất chính của YMTC ở Vũ Hán - Ảnh: Handout

Theo dữ liệu từ ngân hàng đầu tư Minsheng Securities, Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai trên thế giới với các sản phẩm NAND flash, chiếm hơn 31% thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, YMTC chỉ chiếm 1% thị phần chip nhớ toàn cầu vào năm 2020.

Samsung, Toshiba, Western Digital, Intel, Micron và SK Hynix kiểm soát 95% trong cùng thời kỳ, theo Minsheng Securities. Đến năm 2025, YMTC dự kiến ​​sẽ tăng thị phần của mình lên 6%.

YMTC được kỳ vọng sẽ trở thành nhà cung cấp chip nhớ cho Apple, với việc nhà sản xuất iPhone và iPad được cho muốn sử dụng các sản phẩm của công ty Trung Quốc trên các thiết bị được bán ở nước này.

Cơ hội YMTC tham gia vào chuỗi cung ứng Apple với tư cách là một công ty chủ chốt của ngành công nghiệp bộ nhớ Trung Quốc có ý nghĩa biểu tượng to lớn với ngành và là sự công nhận về sức mạnh công nghệ của nó”, theo Arisa Liu, chuyên gia nghiên cứu chất bán dẫn cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan.

Tuy nhiên, tiềm năng phát triển đó đã bị Mỹ giám sát.

Theo báo cáo vào tháng 8, Washington dự tính cấm bán thiết bị sản xuất chất bán dẫn của Mỹ cho các xưởng đúc chip NAND flash tiên tiến ở Trung Quốc. Điều này sẽ đánh dấu lần đầu tiên phân khúc ngành công nghiệp vi mạch tích hợp của Trung Quốc bị chính phủ Mỹ nhắm tới.

Theo Arisa Liu, khả năng Mỹ mở rộng phạm vi trừng phạt thương mại gồm cả YMTC là có thật, dựa trên tiến bộ công nghệ của nhà sản xuất chip nhớ này.

Chuck Schumer, lãnh đạo đa số ở Thượng viện Mỹ, đã tiếp tục kêu gọi Washington thêm YMTC vào danh sách đen thương mại của mình vì vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu bằng cách cung cấp chip cho Huawei, dựa trên phát hiện từ công ty tư vấn IP Research Group có trụ sở tại Canada. Báo cáo cho biết YMTC đã cung cấp chip nhớ NAND cho smartphone Mate Xs 2 có thể gập lại của Huawei.

Thế nhưng, Siva Manoharan, người sáng lập IP Research Group, đã hạ thấp tầm quan trọng của phân tích tháo rời Mate Xs 2 trong một phản hồi gửi qua email cho tờ South China Morning Post.

Ông cho biết nhóm chỉ “cung cấp một bức ảnh về các chip được tìm thấy trên Mate Xs 2, không có gì hơn - không có bằng chứng hoặc ý kiến ​​về ngày tháng hoặc nguồn gốc của bất kỳ chip nào trên Mate Xs 2 hoặc khi điện thoại được sản xuất”.

Các hạn chế thương mại như vậy có thể ảnh hưởng đến hoạt động của YMTC, vốn sử dụng thiết bị sản xuất chất bán dẫn từ Lam Research và công nghệ được cấp phép từ Adeia, một đơn vị của Xperi Holding Corp.

Theo ghi chú nghiên cứu của nhà phân tích Pinchun Chou từ hãng TrendForce, thị trường chip nhớ NAND flash đang ở mức “lạnh giá” và các nhà sản xuất chip đang bị buộc phải giảm giá.

YMTC trước đây đã lên kế hoạch xử lý công suất 30.000 wafer hàng tháng vào năm 2020, con số này sẽ đạt 1 triệu năm 2030 sau khi 3 trung tâm của nó đạt công suất tối đa vào 2025.

Wafer là mảnh mỏng của vật liệu bán dẫn, thường là silicon tinh thể, trong hình dạng đĩa rất mỏng được sử dụng như một cơ sở để chế tạo mạch điện tử tích hợp (IC) và các tế bào quang điện silicon.

Bài liên quan
Hãng đóng gói chip chiếu sáng sụp đổ báo hiệu mối nguy do kinh tế Trung Quốc gây ra
The Shenzhen Unionlight Technology Co là một trong 3.470 công ty liên quan đến chất bán dẫn của Trung Quốc ngừng hoạt động sau 8 tháng đầu năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hãng chip nhớ số 1 Trung Quốc thay CEO trong bối cảnh sợ Mỹ trừng phạt vì quan hệ với Apple