Washington đang theo đuổi thỏa thuận địa điểm quân sự với Philippines nhằm mở rộng ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Mỹ muốn hoạt động tại các căn cứ quân sự Philippines nhằm đối phó Trung Quốc

Hoàng Vũ | 31/01/2023, 14:09

Washington đang theo đuổi thỏa thuận địa điểm quân sự với Philippines nhằm mở rộng ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Theo WSJ, các quan chức Mỹ cho biết Washington đang hy vọng đạt được thỏa thuận trong tuần này để mở tới 4 địa điểm quân sự của Mỹ tại các căn cứ của Philippines trong nỗ lực mới nhất của Washington nhằm mở rộng dấu ấn chiến lược của mình trên khắp khu vực để đối phó những mối đe dọa từ Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ có cuộc gặp vào cuối tuần này với Tổng thống Philippines mới đắc cử Ferdinand Marcos Jr. tại Manila. Phía Mỹ kỳ vọng đạt được thỏa thuận về 4 địa điểm luân chuyển bính lính Mỹ ở Philippines.

2020_1208-gen-lloyd-austin-scaled.jpg
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin - Ảnh: Internet

Hai trong số các địa điểm có thể nằm trên đảo Luzon phía bắc và ở tỉnh Palawan phía tây nam Philippines, các quan chức Mỹ cho WSJ biết. Đổi lại, Mỹ đề nghị hỗ trợ quân sự cho Manila, bao gồm cả máy bay không người lái, giúp các lực lượng Philippines có thể giám sát hoạt động trên biển. Không rõ hai địa điểm còn lại sẽ ở đâu hoặc có bao nhiêu binh sĩ Mỹ sẽ tham gia.

Thỏa thuận này là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Mỹ nhằm bố trí các nhóm lực lượng nhỏ hơn trên khắp châu Á - Thái Bình Dương, củng cố các liên minh cũ và hình thành các liên minh mới để chống lại ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết việc bố trí quân luân phiên trên khắp Philippines có thể giúp lực lượng Mỹ hỗ trợ hậu cần nhiều hơn trên một khu vực rộng lớn nếu xung đột nổ ra.

Người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Mỹ), cơ quan chịu trách nhiệm về các hoạt động quân sự của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, cho biết hiện có khoảng 500 nhân viên quân sự luân phiên của Mỹ ở Philippines.

Các quan chức Mỹ cho biết việc đạt được một thỏa thuận nói trên với Philippines sẽ là một nỗ lực kéo dài nhiều tháng. Hai nước vẫn còn nhiều chi tiết cần giải quyết.

Bên cạnh đó, quan hệ phức tạp của Manila với Bắc Kinh có thể là một rào cản lớn đối với thỏa thuận. Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Philippines, trong khi Mỹ là một đồng minh an ninh lâu đời, khiến chính phủ Philippines miễn cưỡng đứng về phía chống lại một trong hai bên.

“Đó là một sự cân bằng rất bấp bênh”, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos nói với WSJ vào đầu tháng này.

Đầu tháng 1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chào đón ông Marcos tới Bắc Kinh trong chuyến thăm cấp nhà nước, trong đó hai nhà lãnh đạo đã ký một loạt thỏa thuận củng cố hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả an ninh. Hai nước nhất trí thiết lập một kênh liên lạc trực tiếp giữa hai bộ ngoại giao về các vấn đề liên quan đến tranh chấp trên biển.

Được biết các lực lượng Mỹ sẽ hoạt động hợp pháp tại Philippines theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường năm 2014 cho phép các lực lượng nước này đóng quân tại các căn cứ quân sự của Philippines trong một thời gian dài. Quân đội Philippines có thể sử dụng các địa điểm do Mỹ xây dựng sau khi các lực lượng Mỹ rút đi.

“Chúng tôi tiếp tục tham vấn chặt chẽ với Philippines về những cơ hội mới sẽ phục vụ lợi ích chung của hai nước. Mỹ và Philippines đang có những bước tiến đáng kể trong việc tăng cường khả năng tương tác và tư thế phòng thủ chung”, thiếu tướng không quân Pat Ryder - phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho biết trong một tuyên bố.

Mỹ hiện tìm cách biến Úc trở thành trung tâm trong chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi các nước phương Tây ngày càng lo ngại về sự quyết đoán của Trung Quốc. Mỹ và Anh năm ngoái đã tuyên bố rằng họ sẽ hợp tác để giúp Úc xây dựng và vận hành hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân vào năm 2040.

Úc cũng đang lên kế hoạch xây dựng một căn cứ hải quân mới ở bờ biển phía đông, nơi có thể cung cấp tiếp tế và bảo trì cho các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, tăng cường khả năng của cả hai nước trong việc đối phó với Trung Quốc ở khu vực.

Washington được cho là đang tìm cách củng cố ảnh hưởng của mình đối với hàng chục quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương để nhấn mạnh cam kết đối với khu vực hiện đang đi đầu trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Mỹ sẽ sớm công bố việc mở các đại sứ quán mới ở Kiribati và Tonga.

Trong những tuần gần đây, Mỹ đã ký các biên bản ghi nhớ viện trợ cho hai quốc đảo ở Thái Bình Dương là Marshall và Palau. Đổi lại, Washington sẽ được trao quyền quân sự và các quyền an ninh khác trên các đảo.

Bài liên quan
Ông Trump chọn tỷ phú giỏi đầu tư làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ
Đài CNN dẫn lời Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 22.11 thông báo chọn tỷ phú Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ muốn hoạt động tại các căn cứ quân sự Philippines nhằm đối phó Trung Quốc