Trong 3 tháng kể từ lúc công khai ý định rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), chính quyền Mỹ đã ký hàng loạt hợp đồng tên lửa có tổng trị giá lên đến hơn 1 tỉ USD.
Tổng thống Donald Trump vào tháng 10.2018 thông báo sẽ rút Mỹ khỏi INF với lý do Nga vi phạm. Đến tháng 2.2019 nước này chính thức khởi động quá trình bằng động thái đình chỉ hiệp ước. Phía Nga lập tức hành động tương tự để đáp trả.
Theo bà Beatrice Fihn -người dẫn đầu Chiến dịch quốc tế Loại bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN): “Hành động rút khỏi INF nổ phát súng khơi mào cuộc Chiến tranh Lạnh mới”.
ICAN cùng một chương trình chống vũ khí hạt nhân khác là PAX cho biết, tính từ ngày 22.10 năm ngoái (công khai ý định) đến ngày 22.1 năm nay, chính quyền Mỹ xúc tiến ký số hợp đồng tên lửa trị giá không dưới 1 tỉUSD.
Cụ thể thì có 6 nhà thầu quốc phòng (đa số là công ty Mỹ) nhận được hợp đồng. Hãng Raytheon đứng đầu với 44 hợp đồng trị giá khoảng 537 triệu USD, Lockheed Martin giành lấy 36 hợp đồng với 268 triệu USD, Boeing đứng thứ ba với 4 hợp đồng (gần 245 triệu USD).
Dù không thể xác định liệu số hợp đồng nêu trên có phải phục vụ việc sản xuất vũ khí hạt nhân mới hay không, nhưng ICAN cùng PAX lưu ý công ty Mỹ hưởng lợi lớn từ chuyện này và thị trường vũ khí lại tràn ngập tên lửa.
Ở cấp độ toàn cầu, ICAN cùng PAX phát hiện chính quyền các nước ký nhiều hợp đồng sản xuất, phát triển, tích trữ vũ khí hạt nhân -tổngtrị giá ít nhất 116 tỉUSD -với những công ty tư nhân Pháp, Ấn Độ, Ý, Hà Lan, Anh, Mỹ.
Giám đốc PAX Susi Snyder đánh giá: “Tổng thống Trump luôn nhấn mạnh phải phi hạt nhân hóa toàn cầu. Vậy mà trên thực tế Mỹ và đồng minh không hề làm đúng. Chúng tôi thấy rằng họ đang lên kế hoạch cho một thế kỷ vũ trang hạt nhân”.
Cẩm Bình (theo Channel News Asia)