Chiến lược mới của Mỹ hạn chế sử dụng máy bay không người lái (UAV) tiêu diệt khủng bố bên ngoài vùng chiến sự, nhằm ưu tiên bảo vệ mạng sống dân thường.

Mỹ hạn chế sử dụng UAV tiêu diệt khủng bố

Bảo Vĩnh | 08/10/2022, 15:15

Chiến lược mới của Mỹ hạn chế sử dụng máy bay không người lái (UAV) tiêu diệt khủng bố bên ngoài vùng chiến sự, nhằm ưu tiên bảo vệ mạng sống dân thường.

Ngày 7.10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức phê duyệt Bộ quy tắc hướng dẫn mới về hạn chế sử dụng UAV tiêu diệt khủng bố bên ngoài vùng chiến sự.

Theo báo New York Times, cùng với văn bản ghi nhớ chiến lược chống khủng bố mới cũng được ông Biden ký, Bộ quy tắc mang nội dung Mỹ sẽ hạn chế tấn công bằng UAV và hạn chế đưa biệt kích vào nhiệm vụ mật ở những nơi không thuộc vùng chiến sự.

Tài liệu này quy định phải có sự phê chuẩn của Tổng thống Biden trước khi đưa một nghi phạm khủng bố vào danh sách "mục tiêu cần hành động trực tiếp"  gồm tấn công bằng UAV hoặc bằng đặc nhiệm truy kích.

Bộ quy tắc quy định cần đảm bảo mục tiêu là thành viên một tổ chức khủng bố và “gần như chắc chắn” sẽ không có dân thường bị giết chết hoặc bị thương “trước khi bóp cò”, theo một quan chức Mỹ giấu tên vì không được đề cập chính sách mật.

Người này còn nói bộ quy tắc quy định rõ ưu tiên bắt sống mục tiêu thay vì tiêu diệt, đòi hỏi quân đội Mỹ và CIA phải đánh giá khả năng mở chiến dịch bắt sống mục tiêu. Ngoài ra, phải có sự phê chuẩn của trưởng đoàn ngoại giao Mỹ tại quốc gia có thể tiến hành chiến dịch.

drone(1).jpg
Kiểm tra UAV trước khi phóng - Ảnh: Reuters

Chính sách này quay lại chủ trương trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Barack Obama, đó là tập trung quyền kiểm soát những nhiệm vụ tiêu diệt, nhưng đến thời Tổng thống Donald Trump, Nhà Trắng đã nới lỏng chính sách, trao nhiều quyền cho chỉ huy thực địa quyết định mục tiêu nào cần bị tiêu diệt.

Nhà Trắng đã gửi bộ quy tắc mang dấu mật đến Lầu Năm Góc và Cục Tình báo Trung ương (CIA), thể chế hóa các giới hạn tạm thời mà đội ngũ của ông Biden từng lặng lẽ trình vào ngày ông nhậm chức.

Giới hạn tạm thời nhằm hạn chế rủi ro cho dân thường, trong khi chính phủ mới xem xét lại các chính sách chống khủng bố thừa hưởng từ thời ông Trump. Sau quá trình xem xét suốt 20 tháng đã dẫn đến bộ quy tắc mới.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Liz Sherwood-Randall cho biết: “Hướng dẫn chống khủng bố của Tổng thống Biden trực tiếp chỉ đạo chính phủ của ông phải nhận thức rõ và linh động trong việc bảo vệ công dân Mỹ trước những thách thức khủng bố cấp toàn cầu”.

Bà cho biết thêm rằng bộ quy tắc áp dụng hành động sát thương và chiến dịch bắt giữ bên ngoài khu vực thù địch “đòi hỏi các chiến dịch chống khủng bố của Mỹ phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về độ chính xác và độ quyết liệt, gồm xác minh đúng mục tiêu và hạn chế tổn thất dân sự”.

Bộ quy tắc hướng dẫn được ký một ngày sau khi quân Mỹ tiêu diệt 3 chỉ huy cấp cao của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) trong hai chiến dịch quân sự khác nhau ở Syria hôm 6.10, gồm một cuộc truy kích trên bộ ở một khu vực đông bắc Syria do chính quyền Syria kiểm soát, theo các quan chức Mỹ cho biết.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn mới thì Syria (và Iraq) là vùng chiến sự chống IS, nên không bắt buộc phải có sự phê duyệt của Tổng thống Mỹ. Quyền quyết định tiêu diệt khủng bố ở đây thuộc về chỉ huy thực địa.

Ngược lại, cần có sự phê duyệt của Tổng thống Biden, Mỹ mới có thể tiêu diệt khủng bố ở Somalia, Yemen, vùng núi Pakistan và Afghanistan, nơi mà CIA đã tiêu diệt thủ lĩnh Ayman al-Zawahiri của tổ chức khủng bố Al-Qaeda hồi tháng 8.

Số vụ đặc nhiệm truy kích và sử dụng UAV tiêu diệt khủng bố đã giảm ở những nơi vừa kể, trong những năm gần đây. Lần cuối cùng UAV tấn công ở Pakistan và Yemen là vào năm 2018 và 2019.

Bài liên quan
Bộ lạc bản địa trả thù bằng cách giúp Mỹ tiêu diệt khủng bố IS
Góp phần vào chiến công tiêu diệt thủ lĩnh IS tại Syria Maher al-Agal tháng 7 vừa qua là một bộ lạc địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
5 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ hạn chế sử dụng UAV tiêu diệt khủng bố