Động thái cầu cứu của chính phủ Haiti vào lúc nguồn cung nhiên liệu, nước sạch và hàng hóa thiết yếu đang sụt giảm mạnh, dịch tả bùng phát.

Chính phủ Haiti cầu cứu 'lực lượng vũ trang' nước ngoài khi bạo lực bùng phát

Bảo Vĩnh | 08/10/2022, 12:35

Động thái cầu cứu của chính phủ Haiti vào lúc nguồn cung nhiên liệu, nước sạch và hàng hóa thiết yếu đang sụt giảm mạnh, dịch tả bùng phát.

Một tháng qua, các nhóm vũ trang liên kết với nhau, cùng người biểu tình tiến hành cuộc phong tỏa cảng xăng dầu chủ lực Varreux ở thủ đô Port-au-Prince, nhằm đòi Thủ tướng Ariel Henry từ chức.

Người biểu tình cũng chặn các con đường từ đầu tháng 9 sau khi Thủ tướng Haiti cho biết chính phủ của ông không thể tiếp tục chương trình trợ giá xăng dầu, điều này dẫn đến giá nhiên liệu tăng mạnh.

Cuộc phong tỏa dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhiên liệu nghiêm trọng, khâu vận chuyển hàng hóa thiết yếu bị tê liệt. Các doanh nghiệp và bệnh viện đều phải ngưng hoạt động, ngân hàng và cửa tiệm tạp hóa phải đóng cửa.

haiti-ap-1.jpeg

Nguồn nước đóng chai ở quốc gia này cũng bị thiếu hụt nghiêm trọng. Haiti đã phải xác nhận sự bùng phát dịch tả vì người dân không có nước sạch để uống.

Khuya 6.10, đã có những thông tin lan truyền trên mạng xã hội rằng hàng trăm người dân đã xuống đường mừng việc ông Henry từ chức. Tuy nhiên, Văn phòng Thủ tướng Haiti tuyên bố ông Henry không từ chức, bác bỏ những “thông tin giả nhằm gây thêm hoang mang”.

Thủ tướng Ariel Henry nhấn mạnh ông không quan tâm việc tiếp tục nắm quyền lực và đã lên kế hoạch sớm tổ chức tổng tuyển cử để dẹp loạn.

Chính phủ Haiti đồng ý đề nghị quân đội nước ngoài giúp đỡ

Theo tài liệu công bố ngày 7.10 có chữ ký của Thủ tướng Henry cùng 18 quan chức cấp cao, chính phủ Haiti đồng ý đề nghị quân đội nước ngoài giúp đối phó “nguy cơ bùng phát một cuộc khủng hoảng nhân đạo tầm cỡ” đe dọa mạng sống của nhiều người.

Tài liệu nói rõ cho phép Thủ tướng Henry kêu gọi các đối tác nước ngoài “lập tức triển khai đủ quân đặc nhiệm” để ngăn chặn cuộc khủng hoảng “có thể đạt tầm thảm họa” trên toàn Haiti. Tuyên bố nêu rõ cuộc khủng hoảng này xảy ra bởi “các hành động phạm pháp của các nhóm vũ trang và nguồn tài trợ của chúng”.

Tuyên bố còn viết: “Việc quan trọng là tái lập các hành động để tránh nền kinh tế quốc gia bị bóp nghẹt hoàn toàn”.

Theo AP, không rõ tài liệu cầu cứu của chính phủ Haiti nhắm chuyển đến nước nào, và liệu có phải là nhờ đến sự giúp đỡ của quân gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc hay không. Lực lượng này đã kết thúc nhiệm vụ hồi 5 năm trước, sau 11 năm triển khai hàng ngàn quân và cảnh sát để phục hồi trật tự ở Haiti từ cuộc nổi loạn lật đổ Tổng thống Jean-Bertrand Aristide hồi năm 2004.

Năm 2017, Liên Hợp Quốc rút lực lượng gìn giữ hòa bình, nói rằng sẽ chú trọng nhiều hơn đến hệ thống tư pháp và cảnh sát Haiti.

haiti-ap-2.jpeg
Cảnh sát Haiti dập lửa từ xe bị người biểu tình đốt cháy - Ảnh: AP

Theo Reuters, cảnh sát quốc gia Haiti chật vật đối phó các nhóm vũ trang do thiếu người và nguồn lực bị hạn chế khi chỉ có 12.800 cảnh sát tại một quốc gia có hơn 11 triệu dân.

Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric hôm 7.10 nói rằng cơ quan này chưa nhận được đề nghị chính thức nào của chính phủ Haiti, đồng thời cho biết rất lo ngại tình hình an ninh ở nước này.

Cùng ngày, Đại sứ quán Mỹ ở Haiti khuyến cáo công dân Mỹ nên rời khỏi Haiti để đảm bảo an ninh và sức khỏe. Người phát ngôn Vedant Patel của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Mỹ đang xem xét việc lập một hành lang nhân đạo để phục hồi việc phân phối nhiên liệu trên toàn Hait, đồng thời điều phối với chính phủ Haiti cùng các đối tác quốc tế khác nhằm xác định phương án hỗ trợ thêm tốt nhất. Ông không đề cập quân đội nước nào sẽ bảo vệ hành lang này và cho biết khâu xem xét đang vẫn còn ở giai đoạn sơ bộ.

Ông Patel tuyên bố: “Chúng tôi cực lực lên án những kẻ tiếp tục ngăn chặn sự phân phối xăng dầu và hàng hóa thiết yếu cho các doanh nghiệp Haiti”.

haiti-ap-3.jpeg
Người biểu tình đòi ông Henry từ chức thủ tướng - Ảnh: AP

Mathias Pierre, cựu bộ trưởng tổ chức bầu cử Haiti, nói với AP: “Tôi không nghĩ Haiti cần có sự can thiệp khác. Chúng tôi đã trải qua nhiều cuộc can thiệp và không có vấn đề nào được giải quyết. Nếu chúng tôi không tự giải quyết thì trong 10 năm nữa sẽ tái lập tình hình hiện nay”.

Ông kêu gọi chính phủ Mỹ giúp ngăn chặn dòng súng đạn chảy vào Haiti, trang bị thêm vũ khí cho lực lượng cảnh sát và nâng cao khả năng thu thập tin tình báo về các nhóm vũ trang. Vị cựu quan chức cũng lo ngại vấn đề quân đội nước ngoài phải đối mặt với các băng nhóm ở những vùng nghèo, nơi mà chúng dùng người dân làm “lá chắn sống”.

Bài liên quan
Mục tiêu khí hậu bị đẩy xuống khi các quốc gia châu Âu đối mặt khủng hoảng xăng dầu
Ngày càng nhiều quốc gia châu Âu cắt giảm thuế nhiên liệu để giảm giá xăng dầu tăng cao. Động thái này giảm bớt gánh nặng cho người dân nhưng các nhà bảo vệ môi trường cho rằng nó đang đi ngược lại với các cam kết hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ Haiti cầu cứu 'lực lượng vũ trang' nước ngoài khi bạo lực bùng phát