Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tới Washington, chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden. Đó là sự hồi sinh các hoạt động ngoại giao vốn bị đình trệ bởi đại dịch COVID-19.
Mối quan hệ Biden - Macron đã có một khởi đầu khó khăn. Ông Macron nhanh chóng triệu hồi đại sứ Pháp tại Mỹ vào năm ngoái sau khi hiệp ước AUKUS được công bố cách đây 1 năm. Đó là hiệp ước an ninh giữa Mỹ, Anh và Úc, trong đó London và Washington sẽ cung cấp công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật để Canberra chế tạo hạm đội 8 tàu ngầm hạt nhân. Pháp, nước trước đó ký thỏa thuận bán 12 tàu ngầm diesel-điện cho Úc nhưng bị hủy bỏ do AUKUS, đã bày tỏ sự giận dữ, gọi thỏa thuận Canberra ký với London và Washington là "cú đâm sau lưng" đồng minh.
Chuyến thăm Mỹ vào tuần này của tổng thống Pháp sẽ bao gồm các cuộc đàm phán tại phòng Bầu dục, cùng các bữa tối thịnh soạn. Theo các quan chức Mỹ - Pháp, các nhà lãnh đạo có chương trình nghị sự dài cho cuộc họp vào hôm 1.12 tại Nhà Trắng, với chủ đề bao gồm chương trình hạt nhân của Iran, sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và những lo ngại về an ninh và ổn định ở khu vực Sahel của châu Phi. Nhưng trọng tâm trong cuộc họp tại phòng Bầu dục vẫn sẽ là cuộc chiến ở Ukraine, khi cả Biden và Macron đều nỗ lực duy trì sự hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Kyiv nhằm cố gắng đẩy lùi quân Nga.
Cuộc gặp này diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với cả hai nhà lãnh đạo. Tại Washington, Tổng thống Biden cùng chính quyền của ông đang vấp phải sự thách thức khi đảng Cộng hòa chuẩn bị nắm quyền kiểm soát Hạ viện. Lãnh đạo đảng Cộng hòa Kevin McCarthy trước đó đã tuyên bố rằng phe của ông sẽ không viện trợ vô hạn cho Ukraine.
Trong khi đó, ở bên kia Đại Tây Dương, Tổng thống Pháp Macron nỗ lực giữ cho Liên minh châu Âu (EU) đoàn kết trong bối cảnh nhu cầu viện trợ càng tăng cho Ukraine trong cuộc chiến kéo dài 9 tháng cũng như việc giá năng lượng tăng cao có nguy cơ làm hỏng quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby hôm 28.11 mô tả Macron là “nhà lãnh đạo năng động” trong số đồng minh lâu đời nhất của Mỹ, đồng thời cho biết ông Biden sẽ vinh danh tổng thống Pháp trong chuyến ông Macron thăm Mỹ.
Truyền thống vinh danh các nguyên thủ quốc gia nước ngoài của Mỹ có từ thời Tổng thống Ulysses S. Grant, người đã chiêu đãi Vua David Kalakaua của Vương quốc Hawaii trong bữa tối hơn 20 món tại Nhà Trắng, nhưng truyền thống này đã bị đình trệ từ năm 2019 do COVID-19.
“Nếu bạn nhìn vào những gì đang diễn ra ở Ukraine, nhìn vào những gì đang diễn ra ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và những căng thẳng với Trung Quốc, thì Pháp thực sự là trung tâm của tất cả những điều đó”, ông Kirby nói.
Tổng thống Macron cũng là người được ông Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa chọn là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ trong nhiệm kỳ của mình.
Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), ông Macron dự kiến đến Washington vào tối 29.11 (giờ Mỹ). Lịch trình tại Mỹ khá dày đặc của nhà lãnh đạo Pháp hôm 30.11 sẽ gồm các cuộc họp tại Washington, chuyến thăm trụ sở NASA với Phó tổng thống Kamala Harris và nói chuyện với các quan chức chính quyền Biden về năng lượng hạt nhân.
Tổng thống Pháp Macron hôm 1.12 sẽ có cuộc hội đàm riêng với người đồng cấp Joe Biden, sau đó là một cuộc họp báo chung, thăm Bộ Ngoại giao và Đồi Capitol trước khi Macron cùng phu nhân - bà Brigitte Macron, được chiêu đãi trong bữa tối cấp nhà nước. Ông Macron sự kiến sẽ tới thành phố New Orleans hôm 2.12, nơi ông sẽ công bố kế hoạch mở rộng chương trình để hỗ trợ giáo dục tiếng Pháp tại các trường học ở Mỹ.
Dù dư luận kỳ vọng chuyến thăm của ông Macron tại Mỹ sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng với Washington, tuy nhiên các nhà quan sát cho rằng những căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ - Pháp, Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) khó có thể tháo gỡ “ngày một ngày hai”.
Tổng thống Joe Biden được cho là đã tránh chấp nhận lời kêu gọi của ông Macron về việc khuyên Ukraine nên nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với Nga, điều mà nhà lãnh đạo Mỹ nhiều lần khẳng định “quyết định hoàn toàn nằm trong tay giới lãnh đạo Ukraine”.
Sự rạn nứt ngày càng tăng giữa các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu và những người đồng cấp Mỹ đã được phản ánh trong các tuyên bố công khai của khối và trong các báo cáo từ truyền thông phương Tây.
Tuần trước, tờ Politico (Mỹ) đã mô tả sự tức giận ngày càng tăng ở EU khi có ý kiến cho rằng Washington đang trục lợi từ cuộc khủng hoảng trong khối. Một số quan chức cấp cao của khối khó chịu trước việc các nhà cung cấp năng lượng của Mỹ đang bán khí tự nhiên hóa lỏng cho các quốc gia EU với giá cao gấp 4 lần so với giá tại Mỹ, trong khi các nhà thầu quân sự được hưởng lợi bằng cách “bán thêm vũ khí” cho Ukraine.
Các quan chức EU cũng chỉ ra Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ và tác động của các ưu đãi tài chính dành cho các doanh nghiệp thân thiện với môi trường mà nó cung cấp sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp châu Âu sản xuất xe điện, từ đó đẩy dòng chảy thương mại ra khỏi EU cũng như đe dọa phá hủy các ngành công nghiệp châu Âu.
Một quan chức cấp cao Pháp tiết lộ, trong cuộc gặp với ông Biden, Tổng thống Pháp sẽ đưa ra lập trường phản đối các khoản trợ cấp của Mỹ, nhấn mạnh điều quan trọng “châu Âu, giống như Mỹ, phải trở nên mạnh mẽ hơn… chứ không phải yếu hơn”. Ông Macron hồi đầu tháng cho biết các khoản trợ cấp của Mỹ nên thúc đẩy “sân chơi bình đẳng” về thương mại thay vì “không thân thiện” với EU.
Theo một quan chức chính quyền Mỹ, Nhà Trắng dự kiến sẽ phản bác, rằng đạo luật trợ cấp giúp ích rất nhiều trong việc đáp ứng các nỗ lực toàn cầu nhằm hạn chế biến đổi khí hậu. Tổng thống Biden và các trợ lý cũng sẽ gây ấn tượng với người Pháp rằng luật này cũng sẽ tạo ra cơ hội mới cho các công ty Pháp và những công ty khác ở châu Âu.