Đài Loan chuẩn bị đón một cuộc đua vị trí lãnh đạo cực kỳ căng thẳng sau khi tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử địa phương vừa diễn ra ở mức thấp khiến đảng Dân tiến (DPP) cầm quyền nhận thất bại lịch sử.

Bầu cử địa phương tạo tiền đề cho cuộc đua vị trí lãnh đạo Đài Loan căng thẳng

Cẩm Bình | 29/11/2022, 10:00

Đài Loan chuẩn bị đón một cuộc đua vị trí lãnh đạo cực kỳ căng thẳng sau khi tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử địa phương vừa diễn ra ở mức thấp khiến đảng Dân tiến (DPP) cầm quyền nhận thất bại lịch sử.

DPP chỉ giành được 5 trên tổng số 21 ghế đứng đầu thành phố và thị trấn - kết quả tệ nhất từ khi thành lập đảng (năm 1986) đến nay. Quốc dân đảng (KMT) đối lập giành 13 ghế, đặc biệt chiến thắng tại thủ phủ Đài Bắc và trung tâm xuất khẩu Đào Viên.

Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn từ chức Chủ tịch DPP để chịu trách nhiệm cho thất bại. KMT tuy thành công kiểm soát 4 trên tổng số 6 thành phố lớn nhất nhưng tỷ lệ cử tri đi bầu ở các khu vực này lại chỉ có 59,86% - thấp nhất từ năm 1994 đến nay. Ngoài ra đảng này còn chịu tổn thất bất ngờ ở 3 huyện Kim Môn, Miêu Lật, Bành Hồ.

Chuyên gia chính trị Tống Văn Địch (Đại học quốc gia Úc) đánh giá: “KMT vốn dĩ thường thua bầu cử địa phương. DPP cần vận động mạnh mẽ ở Đài Bắc nhưng lại không làm vậy. Thay vào đó họ sa lầy vào chiến dịch vận động tiêu cực có lợi cho KMT”.

bataiwan.jpg
Bà Thái không thể tranh cử năm 2024 vì giới hạn nhiệm kỳ - Ảnh: Focus Taiwan

Theo giám đốc quỹ đầu tư Capital Investment Trust Angela Chuang: “Vì KMT giành thắng lợi lớn, chúng tôi kỳ vọng căng thẳng hai bờ sẽ giảm bớt. Công ty đầu tư nhiều vào Trung Quốc, sở hữu tài sản lớn như đất đai hoặc cổ phần các công trình xây dựng tại Trung Quốc có thể được hưởng lợi. Nội tệ Đài Loan dự kiến tăng giá trị nhờ dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán và đồng USD yếu đi nhẹ”.

Với cả hai đảng DPP và KMT, kết quả bầu cử địa phương sẽ châm ngòi cho đấu đá nội bộ trước thềm bầu cử vị trí lãnh đạo Đài Loan năm 2024 - thời điểm bà Thái từ bỏ quyền lực do giới hạn nhiệm kỳ. Nhiều thăm dò chỉ ra quan điểm của cử tri về cách xử trí quan hệ với Trung Quốc là yếu tố mang tính quyết định.

Phó giáo sư Lev Nachman (Đại học Chính trị Đài Loan) nhận định: “DPP chưa mất tất cả, họ vẫn có thể thể hiện tốt vào năm 2024 khi an ninh Đài Loan cùng quan hệ với Trung Quốc đóng vai trò vấn đề tranh cử nổi bật”.

Quan hệ với Trung Quốc sẽ là phép thử quan trọng cho bất cứ ai muốn kế nhiệm bà Thái. Thành tích kém hơn kỳ vọng của DPP ở bầu cử địa phương có thể giúp chính trị gia Lại Thanh Đức - cấp phó bà Thái hiện tại - vượt lên người tiền nhiệm Trần Kiến Nhân và cựu thị trưởng Đào Viên Trịnh Văn Sán.

Chuyên gia về Đài Loan Ava Shen (công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group) cho biết: “Chính trị gia Lại chắc chắn là ứng viên nặng ký. Nếu ông ấy đắc cử thì căng thẳng hai bờ sẽ leo thang. So với bà Thái, chính trị gia Lại ít kiềm chế hơn trong tăng cường quan hệ với Mỹ và phản đối tất cả quan hệ với Trung Quốc”.

Ở phía KMT, dù “ngôi sao” đang lên Tưởng Vạn An thành công trở thành thị trưởng Đài Bắc (vốn được xem là bước đệm cho vị trí lãnh đạo Đài Loan) nhưng chính trị gia 43 tuổi còn quá trẻ để tranh cử năm 2024. Ứng viên sáng giá hơn là đương kim Chủ tịch KMT Chu Lập Luân và thị trưởng Tân Đài Bắc Hầu Hữu Nghị.

Theo học giả Arthur Wang (tổ chức nghiên cứu Taiwan NextGen): “Ông Chu sẽ được tán dương vì thắng lợi mới nhất của đảng và chắc chắn đủ điều kiện tranh cử vị trí lãnh đạo Đài Loan. Tuy nhiên ông Hầu từ lâu đã được ủng hộ làm ứng viên tranh cử tiếp theo”.

Ngoài quan hệ với Trung Quốc, kinh tế cũng đóng vai trò then chốt vào năm 2024 nếu tăng trưởng tiếp tục chậm lại. Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, Đài Loan vượt trội hơn nhiều nền kinh tế khác, nhưng giờ đây đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh và lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp đều ở gần mức cao nhất từ năm 2013.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bầu cử địa phương tạo tiền đề cho cuộc đua vị trí lãnh đạo Đài Loan căng thẳng