Hãng Reuters đưa tin trong cuộc bỏ phiếu ngày 18.4, Mỹ đã dùng quyền phủ quyết của ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an ngăn chặn nghị quyết khuyến nghị Đại hội đồng công nhận Palestine là thành viên Liên Hợp Quốc chính thức.
Chuyển động

Mỹ bác nghị quyết trao tư cách thành viên Liên Hợp Quốc cho Palestine

Cẩm Bình 19/04/2024 08:34

Hãng Reuters đưa tin trong cuộc bỏ phiếu ngày 18.4, Mỹ đã dùng quyền phủ quyết của ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an ngăn chặn nghị quyết khuyến nghị Đại hội đồng công nhận Palestine là thành viên Liên Hợp Quốc chính thức.

Nghị quyết nhận được 12 trên tổng số 15 phiếu tại Hội đồng Bảo an, Anh cùng Thụy Sĩ bỏ phiếu trắng nhưng không thể vượt qua Mỹ. Phó đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Robert Wood phát biểu: “Chúng tôi vẫn ủng hộ mạnh mẽ giải pháp hai nhà nước. Cuộc bỏ phiếu này không phản ánh lập trường phản đối một nhà nước Palestine mà thay vào đó khẳng định rằng việc công nhận phải đến từ đàm phán trực tiếp giữa các bên”.

my.jpg

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas chỉ trích quyết định phủ quyết “bất công, phi đạo đức và không chính đáng”, thách thức ý muốn trao cho Palestine tư cách thành viên Liên Hợp Quốc chính thức của cộng đồng quốc tế.

Quan sát viên thường trực của Palestine tại Liên Hợp Quốc Riyad Mansour tuyên bố kết quả cuộc bỏ phiếu mới nhất không thể đánh bại quyết tâm của Chính quyền Palestine (PA). Họ sẽ tiếp tục nỗ lực xin trở thành thành viên.

Ngoại trưởng Israel Israel Katz hoan nghênh quyết định phủ quyết. Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc Gilad Erdan chỉ trích 12 nước bỏ bỏ phiếu ủng hộ.

Còn theo Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Barbara Woodward, quá trình công nhận một nhà nước Palestine nên bắt đầu từ giải quyết khủng hoảng hiện tại ở Dải Gaza.

Hội đồng Bảo an từ lâu đã tán thành giải pháp hai nhà nước, theo đó người Palestine sẽ có nhà nước kiểm soát Bờ Tây, phía đông Jerusalem cùng Dải Gaza (các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng vào năm 1967). Trước bỏ phiếu, Đại sứ Algeria tại Liên Hợp Quốc Amar Bendjama lập luận tư cách thành viên chính thức cho Palestine sẽ góp phần thúc đẩy giải pháp hai nhà nước.

Chiến dịch quân sự do Israel thực hiện tại Dải Gaza suốt 7 tháng qua làm sống lại lời kêu gọi công nhận một nhà nước Palestine trong cộng đồng quốc tế. Phía PA cũng tái khởi động nỗ lực xin tư cách thành viên Liên Hợp Quốc chính thức. Họ lập luận rằng 137 trên tổng số 193 thành viên hiện tại (gồm nhiều nước từ Trung Đông, châu Phi lẫn khu vực khác nhưng không có Mỹ, Canada, hầu hết Tây Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đều đã công nhận.

Nỗ lực xin trở thành thành viên Liên Hợp Quốc chính thức cho “nhà nước Palestine” vào năm 2011 từng nhận lấy thất bại. Tuy nhiên vào ngày 31.10 năm đó, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) lại bỏ phiếu chấp nhận Palestine là thành viên chính thức. Động thái này nhận phải phản ứng quyết liệt từ Mỹ và Israel, hai nước sau đó cắt viện trợ dành cho UNESCO rồi rút khỏi tổ chức vào năm 2018 (Mỹ năm ngoái vừa gia nhập lại).

Tháng 11.2012, cờ Palestine lần đầu được kéo lên tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố New York, sau khi Đại hội đồng bỏ phiếu trao tư cách quan sát viên cho Palestine. Ba năm sau, Tòa án Hình sự quốc tế đồng ý xem Palestine là một nhà nước.

Bài liên quan
Ông Trump chọn tỷ phú giỏi đầu tư làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ
Đài CNN dẫn lời Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 22.11 thông báo chọn tỷ phú Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
1 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ bác nghị quyết trao tư cách thành viên Liên Hợp Quốc cho Palestine