ĐBQH cho rằng một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí trong hoạt động quản lý. Lâu nay họ chỉ coi lãng phí là hành vi cần khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Theo dòng thời sự

‘Một bộ phận cán bộ coi nhẹ việc chống lãng phí, chưa xem đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội’

Lam Thanh 04/11/2024 11:08

ĐBQH cho rằng một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí trong hoạt động quản lý. Lâu nay họ chỉ coi lãng phí là hành vi cần khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Nhức nhối tình trạng lãng phí

Phát biểu tại phiên họp Quốc hội sáng 4.11, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) cho hay, báo cáo của Chính phủ chỉ rõ: Từ năm 2021 đến tháng 8.2024 có 3.001 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa (chiếm 18.9% trong tổng số các quy định được rà soát).

Theo đại biểu Nga, những thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà trong kinh doanh là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân và doanh nghiệp, đồng thời làm lãng phí thời gian, lãng phí các nguồn lực xã hội và lãng phí cả những cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.

“Con số hơn 3.000 thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa mang cả tính hiệu vui và chưa vui. Tín hiệu vui vì đây là kết quả của sự rà soát tích cực, trách nhiệm và khoa học. Nhưng chưa vui vì con số này cũng là kết quả của sự hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua”, đại biểu tỉnh Hải Dương cho biết.

lang-phi-2.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương)

Để hạn chế tối đa tình trạng ban hành các thủ tục hành chính rồi lại rà soát để cắt giảm, bà Nga cho rằng giải pháp hiệu quả nhất là cần tập trung rà soát ngay từ khâu xây dựng ban hành quy phạm pháp luật, trong đó cần đặc biệt chú trọng vào việc xin ý kiến và tổng hợp…

Đại biểu phản ánh, hiện nay theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã quy định đầy đủ các bước, quy trình để xin ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, trong đó có quy định được đăng tải công khai trên các cổng thông tin điện tử. Tuy nhiên, hiệu quả của công việc này chưa cao.

“Có những cổng thông tin của các bộ, ngành rất ít người dân truy cập để ý kiến, phản hồi về dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật”, bà Nga nói.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (tỉnh Nam Định) quan tâm đến việc chống lãng phí trong bộ máy công quyền.

Theo bà Hoa, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp. Đây là một thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc, khuyến khích mọi người dân, đặc biệt là cán bộ trong bộ máy công quyền cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong xã hội.

Bài viết đã đánh giá, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển; chế tài xử lý lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao…

lang-phi-1.jpg
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (tỉnh Nam Định)

Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, tình trạng này có những nguyên nhân chủ yếu như một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý.

"Lâu nay, họ chỉ coi lãng phí hành vi cần khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội; một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước không hiệu quả nhưng trên thực tế có lãng phí về cơ hội và thời gian", bà Hoa nêu.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, tư duy chủ quan của một số cán bộ muốn thực hiện những dự án ở địa phương, bộ, ngành... trong nhiệm kỳ mình làm lãnh đạo để chứng tỏ năng lực, sự năng động. Tuy nhiên, do cách làm cán bộ, sự tính toán chủ quan, sự không tuân thủ đầy đủ các quy trình phụ thuộc nên một số dự án mới đem lại hiệu quả không mong muốn…

Nhận thức về tăng trưởng xanh chưa đồng đều

Đại biểu Lê Đào An Xuân (tỉnh Phú Yên) đánh giá rằng nhận thức về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh ở các địa phương chưa đồng đều.

Theo bà Xuân, trong bài phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị trung ương 10 vừa qua cho thấy trong 8 vấn đề lớn về phương hướng giải pháp chiến lược nêu tại dự thảo văn kiện, nội dung chuyển đổi xanh được xác định là một trong những động lực chính cho phát triển. Tuy nhiên, ở cấp độ địa phương và cấp độ doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng trưởng xanh dường như vẫn là một xu hướng của tương lai.

Đại biểu nhấn mạnh ở góc độ trung ương đã xác định rõ các mục tiêu, chỉ tiêu về định hướng xanh, nhưng ở cấp độ địa phương nhận thức chưa đồng đều.

lang-phi-3.jpg
Đại biểu Lê Đào An Xuân (tỉnh Phú Yên)

Theo bà Xuân, một số khó khăn gặp phải như: Nhận thức về tăng trưởng xanh chuyển đổi xanh chưa đồng đều; có sự xung đột, hoặc trùng lặp nhau khi triển khai các chiến lược có liên quan đến xanh như là chiến lược phát triển bền vững, chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu, chiến lược tăng trưởng xanh… gây bối rối cho các địa phương khi thực hiện dẫn đến dàn trải, thiếu trọng tâm; nguồn lực thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh chưa rõ ràng, phần lớn là lồng ghép hoặc từ các nguồn tài trợ; doanh nghiệp vừa nhỏ và siêu nhỏ chưa tiếp cận được các thông tin, chưa nhận được các hỗ trợ cụ thể để chuyển đổi xanh.

Để các địa phương, doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn với tiến trình chuyển đổi xanh đại biểu kiến nghị cần phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt của Nhà nước trong chuyển đổi xanh, thông qua các quy định về mua sắm công xanh.

Trước mắt, theo bà Xuân, ưu tiên xây dựng quy định về tỷ lệ chi tiêu cho mua sắm công xanh trong tổng chi mua sắm công; ưu tiên triển khai cho một nhóm sản phẩm công xanh, như tỷ lệ bắt buộc mua sắm các loại xe công sử dụng nguyên liệu sạch…

Ngoài ra, đại biểu Xuân cũng đề nghị rà soát xây dựng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về chuyển đổi xanh trên từng ngành, lĩnh vực; đồng thời xây dựng đầy đủ các quy định pháp luật để đảm bảo việc hỗ trợ, khuyến khích áp dụng, cũng như thực thi, kiểm soát, giám sát việc tuân thủ. Đây là bước đầu để xác định sản phẩm doanh nghiệp đã xanh hay chưa.

Thêm nữa, bà Xuân cũng khuyến nghị tranh thủ các nguồn lực, bởi hiện nay thực hiện chuyển đổi xanh ở các địa phương chủ yếu dựa trên hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, thủ tục để tiếp nhận các nguồn lực này hiện khá phức tạp.

Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các nghị định liên quan đến sử dụng vốn viện trợ, hỗ trợ để tạo điều kiện cho các địa phương khai thác tốt nguồn lực phục vụ chuyển đổi xanh.

Bài liên quan
Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống lãng phí
Ngày 20.11, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
2 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Một bộ phận cán bộ coi nhẹ việc chống lãng phí, chưa xem đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội’