Moderna hôm 29.10 đã công bố một thỏa thuận với Liên minh toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI) để cung cấp thêm 56,5 triệu liều vắc xin COVID-19 của mình trong quý 2/2022 cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Moderna cung cấp thêm 56,5 triệu liều vắc xin COVID-19 giá thấp cho lãnh đạo COVAX, tin vui với người Việt

Sơn Vân | 29/10/2021, 21:14

Moderna hôm 29.10 đã công bố một thỏa thuận với Liên minh toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI) để cung cấp thêm 56,5 triệu liều vắc xin COVID-19 của mình trong quý 2/2022 cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Công ty công nghệ sinh học Mỹ cho biết 56,5 triệu liều này sẽ bổ sung cho cam kết trước đó cung cấp 60 triệu liều vào quý 2/2022 cho GAVI, tổ chức đồng lãnh đạo cơ chế COVAX về việc phân phối công bằng các vắc xin COVID-19 trên khắp thế giới.

Cơ chế COVAX, được sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và GAVI, đã cung cấp khoảng 400 triệu liều vắc xin COVID-19 cho hơn 140 nước có thu nhập thấp và trung bình, nhưng mục tiêu ít nhất 40% dân số ở tất cả quốc gia được tiêm vắc xin vào cuối năm 2021 của WHO khó đạt được.

Moderna cho biết số lượng vắc xin này sẽ được cung cấp với giá thấp và GAVI tiếp tục giữ lựa chọn mua thêm 233 triệu liều vào năm 2022, với tổng số tiềm năng là 500 triệu liều từ năm nay đến 2022.

Gần đây chúng tôi đã ngỏ ý để COVAX tiếp cận nhiều vắc xin hơn cho quý 2 và quý 3/2022”, Giám đốc điều hành của Moderna - Stéphane Bancel cho biết.

Đầu tháng này, công ty Mỹ đã công bố khoản đầu tư lên tới 500 triệu USD để xây dựng một cơ sở ở châu Phi với mục tiêu sản xuất 500 triệu liều vắc xin mRNA mỗi năm, bao gồm cả mũi tiêm phòng COVID-19.

Vắc xin COVID-19 của Moderna được đánh giá là tốt nhất hiện nay, bao gồm cả ngăn ngừa biến thể Delta lẫn việc ít suy giảm hiệu quả theo thời gian.

Theo dữ liệu sơ bộ được đăng trực tuyến hôm 14.10 từ thử nghiệm lâm sàng do Viện Y tế Quốc gia Mỹ thực hiện, những người được tiêm liều vắc xin tăng cường Moderna tăng mức kháng thể trung hòa cao nhất bất kể nhận loại vắc xin nào ban đầu. Xem chi tiết tại đây.

Việc Moderna cung cấp thêm vắc xin COVID-19 cho GAVI là tin vui với người Việt.

Đến nay, Việt Nam nhận được tổng cộng hơn 5 triệu liều vắc xin Moderna đều do Mỹ tặng qua COVAX. Hy vọng thời gian tới, nước ta sẽ có thêm vắc xin Moderna từ đây.

moderna-cung-cap-them-56-5-lieu-vac-xin-covid-19-cho-lanh-dao-covax(1).jpg
Moderna cung cấp thêm 56,5 triệu liều vắc xin COVID-19 giá thấp cho GAVI

Hôm 27.10, ông Stéphane Bancel cho biết vắc xin COVID-19 của Moderna có thể được sử dụng cho trẻ em và thanh thiếu niên ở Mỹ trong vòng vài tuần nữa.

Dựa trên cuộc đối thoại với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), ông Stéphane Bancel tin rằng vắc xin COVID-19 của hãng này sẽ được cấp phép cho người 12 đến 17 tuổi trong vài tuần tới.

Moderna dự định sẽ sớm nộp đơn xin cấp phép sử dụng vắc xin ở trẻ em từ 6 đến 11 tuổi theo quy định riêng của Mỹ , Stéphane Bancel cho biết và nói thêm rằng ông hy vọng rằng nhóm tuổi này có thể bắt đầu nhận được các mũi tiêm của Moderna cuối năm nay.

Ông Stéphane Bancel nói với Reuters: “Hoàn toàn có thể xảy ra vào dịp Giáng sinh này, trẻ từ 6 đến 11 tuổi sẽ được tiếp cận với vắc xin của Moderna”.

Moderna dự kiến ​​sẽ công bố dữ liệu từ nghiên cứu vắc xin của mình ở trẻ em từ 6 tháng đến 6 tuổi vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2022, ông Stéphane Bancel tiết lộ.

Moderna đã nộp đơn xin FDA cấp phép vắc xin cho những người từ 12 đến 17 tuổi vào tháng 8. Công ty công nghệ sinh học Mỹ đã công bố dữ liệu tích cực từ thử nghiệm lâm sàng ở trẻ em từ 6 đến 11 tuổi trong tuần này, nhưng vẫn chưa nộp đơn đăng ký cho các cơ quan quản lý cho nhóm tuổi đó.

G20 muốn 70% thế giới được tiêm vắc xin COVID-19 vào giữa năm 2022, thành lập lực lượng đặc nhiệm chống đại dịch

Các bộ trưởng tài chính và y tế của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) cho biết sẽ thực hiện các bước để đảm bảo 70% dân số thế giới được tiêm vắc xin COVID-19 vào giữa năm 2022 và thành lập một lực lượng đặc nhiệm để chống lại các đại dịch trong tương lai.

Họ không thể đạt được thỏa thuận về một cơ sở tài chính riêng biệt do Mỹ và Indonesia đề xuất, nhưng nói lực lượng đặc nhiệm sẽ tìm hiểu các phương án huy động vốn để tăng cường chuẩn bị, phòng ngừa và ứng phó với đại dịch.

"Để giúp tiến tới các mục tiêu toàn cầu là tiêm vắc xin COVID-19 cho ít nhất 40% dân số ở tất cả quốc gia vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022, chúng tôi sẽ thực hiện các bước để giúp tăng cường cung cấp vắc xin, các sản phẩm y tế thiết yếu và các yếu tố đầu vào ở các nước đang phát triển cũng như gỡ bỏ các ràng buộc về cung cấp và tài chính liên quan", các bộ trưởng G20 cho biết trong một thông cáo được Reuters đưa tin.

Mục tiêu trước đó là tiêm vắc xin COVID-19 cho 70% dân số thế giới vào mùa thu năm 2022.

"Chúng tôi thành lập Nhóm đặc nhiệm chung về tài chính-y tế G20 nhằm tăng cường đối thoại và hợp tác toàn cầu về các vấn đề liên quan đến phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất, phát triển các thỏa thuận phối hợp giữa Bộ Tài chính và Y tế, thúc đẩy hành động tập thể , đánh giá và giải quyết các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe có tác động xuyên biên giới và khuyến khích quản lý hiệu quả các nguồn lực", tuyên bố cho biết.

Các bộ trưởng nói đang thành lập cơ quan mới vì đại dịch COVID-19 đã bộc lộ "những thiếu sót đáng kể" trong khả năng điều phối ứng phó của thế giới.

Họ cam kết hỗ trợ "tất cả nỗ lực hợp tác" để cung cấp khả năng tiếp cận với vắc xin, phương pháp điều trị, chẩn đoán và thiết bị bảo vệ cá nhân an toàn, giá cả phải chăng, chất lượng và hiệu quả, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Để đạt được các mục tiêu tiêm chủng, họ cho biết sẽ làm việc để tăng cường cung cấp vắc xin, các sản phẩm y tế thiết yếu và đầu vào ở các nước đang phát triển, đồng thời loại bỏ các hạn chế về nguồn cung và tài chính, nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể.

Họ cũng kêu gọi tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng thông qua các trung tâm chuyển giao công nghệ tự nguyện ở nhiều khu vực khác nhau, chẳng hạn như các Trung tâm mRNA mới được thành lập ở Nam Phi, Brazil, Argentina, và thông qua các thỏa thuận sản xuất chung.

Lời kêu gọi chuyển giao công nghệ mRNA tự nguyện có nghĩa là cuộc thảo luận về ý tưởng tạm thời từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin và phương pháp điều trị COVID-19 - ban đầu được đề xuất bởi Nam Phi, Ấn Độ và sau đó là Mỹ - vẫn còn bị mắc kẹt tại Thế giới Tổ chức Thương mại (WTO).

Bộ trưởng Tài chính Đức - Olaf Scholz cho biết G20 chưa thảo luận về các bằng sáng chế.

Ông Scholz nói với các nhà báo bên lề hội nghị: “Chúng ta có rất nhiều loại vắc xin trên toàn thế giới nhưng thực tế là vẫn còn những khu vực trên thế giới mà tỷ lệ được tiêm vắc xin là rất thấp".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Moderna cung cấp thêm 56,5 triệu liều vắc xin COVID-19 giá thấp cho lãnh đạo COVAX, tin vui với người Việt