Công ty công nghệ sinh học Moderna hy vọng liều thứ ba của vắc xin COVID-19 sẽ cần thiết trước mùa đông năm nay ở Mỹ, với lý do khả năng bảo vệ khỏi mũi tiêm sẽ mất dần theo thời gian.
Các nhà lãnh đạo của Moderna (Mỹ) đã cung cấp cái nhìn rõ ràng nhất về lý do tại sao và khi nào mọi người có thể cần tiêm vắc xin tăng cường trong cuộc gọi báo cáo thu nhập với các nhà phân tích và nhà đầu tư Phố Wall. Nhìn chung, Moderna cho thấy một cuộc chiến dài phía trước với COVID-19 ngay cả sau khi tiêm liều vắc xin thứ ba.
Stephen Hoge, Chủ tịch Moderna, nói: “Đây không phải là vòng cuối cùng của cuộc chiến với SARS-CoV-2. Chúng tôi dự đoán sẽ có ít nhất một vài vòng nữa và có thể hàng năm. Chúng tôi sẽ tiếp tục chống lại loại vi rút này".
Để sớm bắt đầu được triển khai tiêm liều vắc xin thứ ba, Stephen Hoge trích dẫn nghiên cứu cho thấy khả năng miễn dịch chống lại vi rút đang suy yếu. Đặc biệt, biến thể Delta (lần đầu phát hiện ở Ấn Độ) có thể tránh được một phần khả năng bảo vệ của vắc xin, dẫn đến nhiều ca COVID-19 hơn trong số những người được tiêm chủng đầy đủ 2 liều.
Moderna đã trình bày dữ liệu hôm 5.8 cho thấy mức độ kháng thể giảm đáng kể - yếu tố quan trọng của phản ứng miễn dịch - từ 6 đến 8 tháng sau khi tiêm liều vắc xin thứ hai. Thông tin chưa được các nhà khoa học bên ngoài xem xét hoặc đăng trên tạp chí khoa học.
"Chúng tôi tin rằng một liều tăng cường có thể là cần thiết vào mùa thu này, đặc biệt là khi đối mặt với biến thể Delta", ông Stephen Hoge nói.
Trong khi công ty công nghệ sinh học trị giá 169 tỉ USD đang phát triển các ứng cử viên vắc xin được điều chỉnh để chống lại các biến thể khác nhau, bao gồm cả Delta, ông Stephen Hoge nói liều tăng cường đầu tiên có thể sẽ là công thức ban đầu của vắc xin Moderna được cung cấp với một nửa sức mạnh so với hai mũi tiêm ban đầu.
Xem xét thử nghiệm trong phòng thí nghiệm về liều vắc xin thứ ba, ông Stephen Hoge cho biết vắc xin công thức ban đầu được tiêm ở mũi thứ ba sẽ "quá đủ như một liều tăng cường" ngay cả khi chống lại biến thể Delta.
Chủng ngừa của Moderna được thực hiện thành hai mũi vắc xin cách nhau khoảng 4 tuần. Hôm 5.8, Moderna nói rằng hai liều vắc xin có hiệu quả khoảng 93% trong vòng 6 tháng.
Pfizer, nhà sản xuất vắc xin COVID-19 khác, đã đưa ra gợi ý triển khai tiêm tăng cường sớm nhất là 6 tháng sau liều thứ hai. Một số quốc gia dường như bị thuyết phục. Israel đã bắt đầu triển khai các đợt tiêm vắc xin Pfizer tăng cường cho một số công dân lớn tuổi. Đức và Pháp đã công bố kế hoạch bắt đầu tiêm vắc xin tăng cường những người già và dễ bị tổn thương vào tháng 9.
Các quốc gia này cho đến nay đã phớt lờ lời kêu gọi từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Cụ thể hơn, Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đang kêu gọi các nước tạm dừng tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường cho đến ít nhất cuối tháng 9. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết động thái này nhằm tạo điều kiện cho ít nhất 10% dân số của mọi quốc gia được tiêm chủng.
"Tôi hiểu mối quan tâm của tất cả các chính phủ trong việc bảo vệ người dân của họ khỏi biến thể Delta. Thế nhưng, chúng tôi không thể chấp nhận các quốc gia đã sử dụng hầu hết nguồn cung vắc xin toàn cầu dùng nhiều hơn nữa", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói thêm.
Theo WHO, các quốc gia có thu nhập cao đã tiêm khoảng 50 liều cho mỗi 100 người vào tháng 5 và con số đó đã tăng gấp đôi. Các nước thu nhập thấp chỉ có thể tiêm 1,5 liều cho mỗi 100 người do thiếu nguồn cung.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Chúng ta cần một sự đảo ngược khẩn cấp, từ phần lớn vắc xin được chuyển đến các nước thu nhập cao thành phần lớn đến các quốc gia thu nhập thấp”.
Tiến sĩ Paul Offit, nhà phát triển vắc xin nằm trong ủy ban tư vấn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) về vắc xin, nói với tờ The New York Times rằng dữ liệu của Moderna chưa thể chứng minh cho việc cần triển khai tiêm tăng cường. Đặc biệt, Paul Offit nói ông muốn xem dữ liệu cho thấy các mũi tiêm không ngăn ngừa bệnh nặng.
"Bạn muốn loại vắc xin này bảo vệ khỏi loại bệnh khiến bạn phải tìm kiếm sự chăm sóc y tế hoặc nhập viện. Cho đến khi bạn thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy điều đó không đúng thì bạn không cần dùng liều tăng cường”, ông Stephen Hoge nói.
Nhìn đến năm 2022 và hơn thế nữa, Stephen Hoge dự đoán các biến thể mới đáng quan tâm sẽ xuất hiện. Đặc biệt, ông nêu bật 5 đột biến liên quan được thấy trên các biến thể Beta (lần đầu xuất hiện ở Nam Phi) và Delta. 3 trong số những đột biến đó thuộc biến thể Beta và 2 đột biến ở Delta. Stephen Hoge cho biết cả 5 biến thể đều giúp vi rút né tránh một phần khả năng bảo vệ của vắc xin.
Stephen Hoge gọi đó là điều "hợp lý" khi cho rằng 5 đột biến này "có thể tìm thấy một số cách để kết hợp theo những kiểu mới và có khả năng đáng sợ".
Để chuẩn bị cho khả năng này, Moderna đang phát triển cái gọi là vắc xin đa hóa trị, hoặc mũi tiêm có thể bảo vệ chống lại nhiều chủng vi rút.
Stephen Hoge nói: “Mục tiêu của nền tảng đa hóa trị là tiếp tục thử và đi trước vi rút bằng cách kết hợp các kháng nguyên khác nhau chống lại các biến thể đang nổi lên đáng lo ngại”.
“Chúng tôi thực sự tin rằng vi rút ở đây sẽ tồn tại lâu dài. Do đó cần phải thường xuyên tiêm vắc xin tăng cường, đặc biệt là những người già có nguy cơ cao, chống lại SARS-CoV-2 trong tương lai", Chủ tịch Moderna cho biết thêm.