Đi siêu thị vừa mua được đồ dùng, vừa tiết kiệm được tiền luôn là vấn đề đau đầu của các bà nội trợ, dưới đây là những gợi ý nhỏ giúp bà nội trợ tiết kiệm khi đi siêu thị.

Mẹo tiết kiệm tiền khi đi siêu thị

La Hường | 26/01/2017, 15:59

Đi siêu thị vừa mua được đồ dùng, vừa tiết kiệm được tiền luôn là vấn đề đau đầu của các bà nội trợ, dưới đây là những gợi ý nhỏ giúp bà nội trợ tiết kiệm khi đi siêu thị.

Liệt kê những thứ cần mua

Việc này sẽ giúp bạn định hướng và ghi nhớ tất cả những thứ cần mua. Trước hết, hãy kiểm tra tủ chứa thực phẩm trong nhà bếp và dọn sạch tủ lạnh. Như vậy, bạn biết được mình có thiếu những gì hay thứ nào đã quá hạn sử dụng cần thay mới.

Nếu không chịu làm động tác này, hệ quả đương nhiên là bạn sẽ ra về với vài ba cái túi to đùng đoàng song đến khi mở ra lại có đến 30-40% những thứ lẽ ra chẳng cần thiết phải mua làm gì.

Bạn nên cân nhắc chi tiết cụ thể từng món muốn mua, suy tính ở nhà xem có thật sự cần nó hay không. Sau đó, hãy sắp xếp trở lại thành từng nhóm, ví dụ thịt cá, rau củ thành nhóm thực phẩm tươi sống, áo quần cho bé yêu, cho mình thành một nhóm… Bằng cách này, bạn có thể “lượn” siêu thị rất nhanh mà không bị hoa mắt với những “chiêu” khuyến mãi và hàng tá hàng bắt mắt để rồi cho vào giỏ các thứ không cần thiết.

Mang vừa tiền

Chỉ mang lượng tiền vừa phải chứ đừng mang quá nhiều. Bạn có thể bị mất cắp khi mua sắm, cũng có thể phóng tay thả cửa để mua cả những món quá đắt tiền. Mang tiền mặt vừa phải sẽ giúp bạn tự giúp mình tiết kiệm một cách dễ dàng. Một nguyên tắc cần nhớ nữa là đừng để mình bị “cám dỗ” bởi sức hút của hàng chữ Sales off cuối năm. Nhớ nè, bạn không có dự định biến nhà của mình thành… nhà kho. Vì vậy, nếu chưa cần đến một bộ ly tách, chén dĩa mới thì đừng khuân chúng về chỉ vì “nó đang giảm giá đến 40%”.

Hàng khuyến mãi cũng làm bạn rơi vào thế kẹt ở chỗ thường là chúng không được đổi, trả lại như một số mặt hàng thông thường khác. Vì vậy, nếu như tim bạn đập rộn ràng lên với hàng chữ “mua một tặng một” thì hãy cố… hít một hơi thật sâu và bình tĩnh hỏi lại xem mình có thật sự cần thứ này, thứ này có phù hợp với gia đình mình không? Chỉ nên mua một món hàng khuyến mãi nếu như bạn đang cần nó và hài lòng về kiểu dáng, chất lượng của nó. Có không ít người chỉ vừa mua xong, ra đến xe là nỗi háo hức “mua được món này rẻ lắm” đã biến đâu mất, thay vào đó là chút bực mình: “Mình có thích màu xanh này đâu, nhưng biết làm sao được, hàng khuyến mãi mà… Không có màu mình thích!”.

Không đi mua sắm trong lúc đói bụng

Có một nguyên tắc “bé tẹo như cái kẹo” nhưng đáng được bạn quan tâm, ấy là đừng đi siêu thị nếu như bạn đang… đói lả hay quá mệt. Lúc này, cảm nhận, đánh giá của bạn về món hàng muốn mua sẽ sai lệch hết cả. Bạn chỉ còn muốn mua cho xong, hoặc chỉ bị thu hút bởi các thứ đồ ăn. Đến lúc về nhà rồi, khỏe khoắn, no bụng, tỉnh táo rồi, nhìn lại, bạn mới ngán ngẩm nhận ra nếu đi siêu thị lại lần nữa thì bạn sẽ không chạm tay tới những món abc đó.

Nên chọn ngày đi siêu thị là một ngày nghỉ. Buổi tốt nhất là khoảng 3 giờ chiều. Thời điểm này, bạn tương đối khỏe mà siêu thị cũng không tấp nập như lúc 7-8 giờ tối.

So sánh giá các mặt hàng cùng chủng loại

Có thể giá cả của các mặt hàng cùng chủng loại chỉ chênh nhau từ 200 đồng cho tới 2.000 đồng. Thông thường, các món đồ đắt tiền được bày ở vị trí ngang tầm mắt được đặt rất thấp trên kệ hàng hoặc trên cao. Đặc biệt chú ý trọng lượng đóng gói ghi trên bao bì, bạn sẽ mua được sản phẩm tốt hơn với giá rẻ.

Đăng ký làm thành viên, khách hàng thân thiết

Để thu hút khách hàng, các siêu thị thường có chương trình ưu đãi riêng cho những khách hàng là thành viên. Vì vậy, đừng quên cộng điểm sau mỗi lần mua hàng, vì số tiền đó, cộng dồn lại, bạn sẽ được ưu đãi nhiều hơn cho những lần mua sắm kế tiếp.

So sánh giá giữa chợ và siêu thị

Khi nhận thấy giá bán tại siêu thị mà bạn cho rằng khá cao, hãy khảo giá tại các chợi bán lẻ. Tuy đơn giản nhưng việc lên kế hoạch chi tiêu, khảo giá, sưu tầm phiếu giảm giá mua hàng, nhất là các món đồ bạn thường xuyên sử dụng sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể.

Kiểm tra phiếu tính tiền

Và lời khuyên cuối cùng dành cho những “chuyên gia” shopping là đừng bỏ qua động tác kiểm tra lại phiếu tính tiền, dung tích hàng bạn mua. Nhiều người cho rằng nhân viên người ta tính bằng máy mà. Sai làm sao được! Song, thực tế trong những ngày cuối năm lượng khách quá tải như thế này thì chuyện nhầm lẫn, sai sót sẽ không hề ít. Hãy tập trung nhìn vào màn hình tính tiền và kiểm tra những mặt hàng đã chọn.

Nếu có cái nào đó sai giá, sai dung tích (ví dụ bạn mua loại nửa lít nhưng bị tính tiền sản phẩm cùng loại 1 lít) bạn có thể nhờ chỉnh sửa ngay. Cũng nên nhẩm tính (cơ bản) số tiền phải trả, xem có gần đúng với con số mà nhân viên đưa ra cho bạn không. Nhớ giữ thói quen lưu giữ cả hóa đơn vì điều này rất có ích cho bạn trong trường hợp bạn muốn đổi, trả hàng hoặc phát hiện có sơ sót của nhân viên sau đấy. Việc lưu lại hóa đơn cũng giúp bạn kiểm soát chi tiêu của mình dễ dàng hơn. Ví dụ thấy lần này mua sắm quá nhiều, lần sau tự khắc bạn sẽ nhắc mình tiết kiệm.

Hoài An (tổng hợp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mẹo tiết kiệm tiền khi đi siêu thị