Bảo quản các loại thực phẩm đúng cách sẽ giúp thực phẩm tươi lâu, đảm bảo vệ sinh an toàn cho bữa ăn ngày Tết của gia đình.
Ngày Tết, việc chuẩn bị nhiều loại thực phẩm và dự trữ lâu ngày rất dễ bị hỏng, kém chất lượng. Để giữ cho thực phẩm tươi lâu và đảm bảo an toàn, vệ sinh, bạn cần bảo quản thực phẩm đúng cách. Dưới đây là những cách bảo quản thực phẩm an toàn trong dịp Tết.
1. Phân loại thực phẩm
Phân loại thực phẩm là một trong những cách quan trọng nhất giúp bạn bảo quản thực phẩm. Điều này bảo đảm an toàn vệ sinh và giữ thực phẩm tươi lâu nhất. Nên phân loại và bảo quản riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín, các loại rau củ và thịt cá tươi sống.
2 . Cách bảo quản thực phẩm sống
Thực phẩm tươi sống cần bảo quản cẩn thận và tránh để chung với các loại thực phẩm khác để đề phòng lây nhiễm vi khuẩn. Đối với các loại thịt sống thì cần được giữ đông ở ngăn đá của tủ lạnh để giữ được lâu hơn, đồng thời cũng phòng tránh việc có thể lây nhiễm vi khuẩn sang loại thực phẩm khác.
Nên làm sạch thực phẩm, sau đó chia nhỏ thành từng phần phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình, cho vào túi nilon hoặc hộp đựng thực phẩm, bọc thật kỹ và giữ trong ngăn đá tủ lạnh. Khi cần sử dụng, bạn mang rã đông, thực phẩm vẫn đảm bảo tươi ngon và hợp vệ sinh.
Đối với các loại hải sản, bạn cần chú ý làm sạch thực phẩm, bỏ sạch ruột và ướp gia vị, bọc thật kín bằng túi nilon hoặc túi bọc thực phẩm và giữ đông trong ngăn đá tủ lạnh,tránh để chung với các loại thực phẩm khác. Nên cho vào hộp đựng riêng hoặc giữ các loại hải sản còn sống nguyên bằng cách cho vào chậu, xô có một chút nước. Cách này có thể giữ cho các loại hải sản còn sống và tươi nguyên được nhiều ngày.
Đối với rau, củ, quả tươi, bạn nên rửa sạch, cắt bỏ rễ, lá hỏng và cho vào túi thấm nước dành cho rau củ hoặc xếp riêng vào ngăn dưới cùng của tủ lạnh. Không nên cho các loại rau có lá vào túi bóng và buộc chặt, vì như vậy sẽ làm lá rau giữ hơi nước, dễ bị ủng.Với các loại củ như khoai tây, khoai sọ, su hào, hành tây…bạn không nên giữ trong tủ lạnh mà nên xếp vào một chỗ thoáng khí, sạch sẽ bên ngoài. Như vậy, các loại thực phẩm này vẫn hoàn toàn tươi ngon trong thời gian dài.
3. Các loại thực phẩm ăn sẵn, đồ ăn đóng hộp
Nếu để ở nhiệt độ thường, trứng là loại thực phẩm rất dễ bị hỏng, nhưng giữ trong tủ lạnh, bạn có thể bảo quản trứng trong thời gian khá dài. Bạn nên lau sạch vỏ trứng trước khi cho vào tủ, tránh để vỏ trứng bẩn, có thể làm lây nhiễm vi khuẩn sang các loại thực phẩm khác. Đặt trứng vào khay đựng chuyên dụng hoặc hộp riêng, tránh để trứng dập, vỡ.
Với sản phẩm sữa, bạn không nên để chung với các loại thực phẩm khác vì sữa rất dễ hấp thụ mùi. Nên giữ nguyên bao bì và bọc kín sữa hoặc bỏ vào hộp có nắp. Với pho mát, bạn nên bọc thật kỹ bằng túi nilon hoặc màng bọc thực phẩm chuyên dụng hoặc hộp kín đựng thực phẩm trước khi bỏ vào trong tủ lạnh vì pho mát rất nhanh khô, dễ làm mất mùi vị tự nhiên của chúng.
4. Các loại thực phẩm khô
Với các loại thực phẩm khô như măng khô, nấm, mộc nhĩ, các loại hạt, đỗ… bạn nên bảo quản riêng từng loại, cho vào túi nilon hoặc hộp đựng thức ăn, để nơi khô ráo, thoáng mát. Khi sử dụng, tránh để những loại thực phẩm này dính nước vì nơi ẩm ướt sẽ làm chúng bị mốc, hoặc lên men.
Những thực phẩm ngày Tết và cách bảo quản trong tủ lạnh
- Bánh chưng, bánh tét: Nhiều người cho rằng không nên bảo quản bánh chưng, bánh tét trong tủ lạnh vì sẽ bị lại gạo (gạo cứng, khô). Tuy nhiên với thời tiết nắng nóng, nếu muốn không bị hư bánh, bạn chẳng có cách nào khác. Bạn nên bao bọc bánh bằng màng che thực phẩm và đặt vào ngăn mát, cắt đủ lượng cần ăn sau đó hấp hoặc chiên rán lại. Lúc này bánh vẫn giữ được hương vị thơm ngon.
- Giò chả: Đây là loại thức ăn nhất thiết bạn phải bảo quản trong tủ lạnh (ngăn mát), cắt đúng phần cần ăn ra và bọc phần còn lại kỹ càng bằng màng bảo quản thực phẩm. Giò chả có thể bảo quản lên đến 1 tuần trong tủ lạnh.
- Thịt heo, thịt bò: Thịt tươi sống là thực phẩm không thể thiếu của bất cứ gia đình nào vào ngày Tết. Khi mua về, bạn cần rửa sạch sau đó cắt từng phần vừa cho một lần chế biến và bọc kín trong bọc ni lông. Sắp xếp gọn gàng vào ngăn đá, để nhiệt độ ở mức từ -18oC đến -25oC. Cần rã đông trước khi chế biến.
- Thịt gia cầm: Nếu bạn mua thịt gia cầm từ các cửa hàng đông lạnh thì nên để nguyên bao gói đã hút chân không. Còn nếu gia cầm do bạn tự làm hoặc mua ở chợ, bạn cần rửa sạch, bao gói kín kỹ càng và đặt vào ngăn đông.
- Cá: Cá là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nhưng có mùi tanh đặc trưng. Bạn cần phân biệt là các biển và các nước ngọt.
Đối với cá biển đã qua hấp, luộc thì bạn nên gói bằng giấy bạc hoặc bao PE kín trước khi bảo quản. Còn nếu cá chưa qua hấp luộc thì bạn nên mua loại cá đang được bảo quản đông lạnh về bọc kín bảo quản tiếp, không nên mua cá biển bày bán khô ở chợ vì bảo quản lại sẽ không ngon, thậm chí bị ươn, gây ảnh hưởng đến chất lượng các thực phẩm khác.
Đối với cá nước ngọt, bạn chỉ mua loại còn tươi sống về làm sạch ngay và nhanh chóng bao gói kín khi bảo quản ở ngăn đông.
- Tôm: Bạn nên mua tôm còn tươi sống bỏ vào hộp đậy kín đặt ngay vào ngăn đá khi tôm còn sống.
Thu Thủy (tổng hợp)