Lý Hoàng Nam khẳng định với Một Thế Giới một lần nữa rằng - Hoàng Nam sẽ không thi đấu cho đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 32 diễn ra vào tháng 5 tới tại Campuchia.

Lý Hoàng Nam trả lời độc quyền Một Thế Giới về những góc khuất khiến anh không dự SEA Games 32

Đặng Hoàng (thực hiện) | 17/02/2023, 07:00

Lý Hoàng Nam khẳng định với Một Thế Giới một lần nữa rằng - Hoàng Nam sẽ không thi đấu cho đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 32 diễn ra vào tháng 5 tới tại Campuchia.

10 giờ sáng nay (17.2), Tổng cục TDTT sẽ có cuộc họp về tập huấn Đội tuyển quần vợt quốc gia năm 2023 với đại diện lãnh đạo CLB quần vợt Hải Đăng - Tây Ninh tại Hà Nội. Tuy nhiên vào đêm hôm qua, 16.2, từ Ấn Độ, tay vợt số 1 Việt Nam Lý Hoàng Nam khẳng định với Một Thế Giới một lần nữa rằng - Hoàng Nam sẽ không thi đấu cho đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 32 diễn ra vào tháng 5 tới tại Campuchia.

Trước quyết định mới nhất và cũng là quyết định cuối cùng của Hoàng Nam, Một Thế Giới đã có trao đổi riêng với anh.

PV: Tại sao Hoàng Nam lại từ chối khi trước trận play-off Nhóm II Davis Cup, Nam có trao đổi với Tổng thư ký Liên đoàn Quần vợt Việt Nam (VTF) Đoàn Thanh Tùng và đề nghị để chuẩn bị cho SEA Games, từ tháng 2.2023, mỗi tháng Nam được hỗ trợ 50 triệu đồng để tập luyện, thi đấu trong nước lẫn nước ngoài; đồng thời Nam sẽ được thưởng 200 triệu đồng nếu đoạt HCV đơn nam.

Từ đề nghị này, đã có ý kiến cho rằng Lý Hoàng Nam từ chối tham dự SEA Games 32 vì Tổng cục TDTT, VTF không đáp ứng được những đòi hỏi về tài chính của anh. Nam giải thích như thế nào trước suy diễn này, cũng như vì sao Nam quyết định không thi đấu tại SEA Games 32?

Lý Hoàng Nam: Đúng là tôi có đề nghị như thế, nhưng vấn đề ở đây không phải là tiền bạc vì kinh phí tôi đề nghị hỗ trợ quá ít so với những gì đơn vị chủ quản - CLB QV Hải Đăng đã đầu tư cho tôi. Tôi đã đoạt 2 HCV SEA Games 30, 31, nhưng VTF không hề có một đồng tiền thưởng nào động viên tôi. VTF không thực sự nhìn nhận, quan tâm đến nỗ lực cùng sự cống hiến của những đơn vị chủ quản, những nhà đầu tư.

Đáng nói hơn nữa là với những gì đã xảy ra trong suốt quá trình chuẩn bị rồi thi đấu ở Davis Cup với đội tuyển Indonesia, đặc biệt là 10 ngày qua kể từ khi đội tuyển Việt Nam thua Indonesia 2-3 vào ngày 5.2 để phải trở lại thi đấu Nhóm III, tôi thật sự thất vọng với cách điều hành quan liêu của các cấp quản lý quần vợt cùng phát biểu không trung thực, làm việc không có tâm của ông Đoàn Thanh Tùng. Chính sự thật phũ phàng này đã khiến tôi quyết định không thi đấu cho đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 32 nữa, cho dù ngành TDTT hay VTF hoặc có bất kỳ đơn vị nào hỗ trợ cho tôi kinh phí gấp 100 lần tôi đề nghị, tôi cũng không thay đổi vì tôi nhận thấy tầm nhìn và quan điểm khi làm việc đã quá khác nhau.

lyhn.jpg
Lý Hoàng Nam vô địch SEA Games 31 - Ảnh: FBNV

- Hoàng Nam có thể giải thích rõ hơn?

- Vì sao ngày 5.2 thi đấu mà đến 30.1 thì Tổng cục TDTT mới có quyết định tập trung đội tuyển thi đấu Davis Cup? Lỗi do bộ phận nào?

Do đâu các thành viên đội tuyển phải ứng trước tiền ăn, phải tự đi mua thức ăn, đồ uống?

Tại sao ông Tùng dám nói những điều không có thật khi phát biểu trên VTV1 là đội trưởng Quốc Phong không cần xe đưa đón đội tuyển đi tập luyện và thi đấu từ khách sạn đến sân và ngược lại? Tại sao ông Tùng dám nói là vận động tài trợ tiền thưởng cho đội tuyển hơn 100 triệu đồng trong khi người hâm mộ đã trực tiếp trao đổi và đặt vấn đề thưởng đội tuyển với tôi? Ai sẽ xử lý phát ngôn không trung thực này của ông Tùng?

Đáng nói hơn nữa, ông Tùng nói rằng: “Đội tuyển quốc gia không trực thuộc VTF. Do đó việc ăn ở, đi lại, tập luyện, thi đấu như thế nào thì đó là trách nhiệm, quản lý của Tổng cục TDTT và Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP.HCM”.

Vậy tại sao số tiền Liên đoàn Quần vợt Thế giới (ITF) thưởng cho đội tuyển Việt Nam, VTF lại chia đôi 50-50 và đây không phải là lần đầu! Buồn cười hơn là chuyện tiền bạc tế nhị này, chúng tôi, các VĐV luôn là người hỏi VTF, nếu không hỏi thì VTF im lặng. VTF không chịu trách nhiệm với đội tuyển, nhưng tiền của đội tuyển thì đòi ăn chia, là sao?

Còn rất nhiều chuyện bất hợp lý mà tôi đã im lặng suốt hơn 10 năm qua kể từ khi khoác áo đội tuyển Việt Nam ở mọi cấp độ. Tôi đã cống hiến cho quần vợt Việt Nam như thế nào, tôi cũng chưa bao giờ đòi hỏi bất kỳ điều gì cho bản thân tôi, điều này ai cũng biết rất rõ.

Tôi ngay thẳng nên tôi không sợ dư luận. Tôi đấu tranh vì muốn quần vợt Việt Nam tốt hơn. Tôi chờ đợi xem lãnh đạo cao nhất của Tổng cục TDTT cũng như VTF xử lý việc này như thế nào dù đã quá trễ.

Huy chương vàng SEA Games rất quan trọng, nhưng tôi đã trao đổi thẳng thắn với lãnh đạo VTF và qua truyền thông, người hâm mộ quần vợt cả nước đều biết mục tiêu quan trọng hàng đầu đối với tôi là vào Top 100 ATP trước khi 30 tuổi. Trong năm 2023 này, tôi cố gắng kiếm được suất thi đấu ở vòng loại các Giải thuộc hệ thống Grand Slam.

Là VĐV chuyên nghiệp, tôi luôn đặt cho mình cái đích phấn đấu ngày càng cao hơn. Chính vì vậy, tôi vô cùng thất vọng trước cách điều hành không chuyên nghiệp của VTF. Hơn bao giờ hết, tôi chờ đợi kết quả xử lý của Tổng cục TDTT về những gì mà đội tuyển quần vợt Việt Nam, trong đó có tôi, phải hứng chịu trong thời gian qua. Đặc biệt là tôi chờ đợi lãnh đạo Tổng cục TDTT và VTF sẽ xử lý ra sao trước cách làm việc không có tâm cũng như là phát biểu không trung thực của Tổng thư ký VTF Đoàn Thanh Tùng!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lý Hoàng Nam trả lời độc quyền Một Thế Giới về những góc khuất khiến anh không dự SEA Games 32