Ông Thái Trường Giang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hải Đăng vừa trao đổi với Một Thế Giới và khẳng định, kể từ nay không riêng Lý Hoàng Nam, mà tất cả VĐV của Hải Đăng có được gọi vào đội tuyển Việt Nam thi đấu mọi cấp độ từ tuyển trẻ cho đến đội tuyển quốc gia, ông sẽ không cho tham gia.

Hải Đăng Group 'tẩy chay' đội tuyển quần vợt Việt Nam vì thái độ vô trách nhiệm của Tổng thư ký VTF?

Đặng Hoàng | 12/02/2023, 14:26

Ông Thái Trường Giang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hải Đăng vừa trao đổi với Một Thế Giới và khẳng định, kể từ nay không riêng Lý Hoàng Nam, mà tất cả VĐV của Hải Đăng có được gọi vào đội tuyển Việt Nam thi đấu mọi cấp độ từ tuyển trẻ cho đến đội tuyển quốc gia, ông sẽ không cho tham gia.

Như vậy ngoài tay vợt nam số 1 Việt Nam Lý Hoàng Nam, tay vợt nam số 2 Trịnh Linh Giang cũng sẽ không thi đấu cho đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) tại SEA Games 32 diễn ra vào tháng 5.2023 tại Campuchia.

Bên cạnh đó Vũ Hà Minh Đức, tay vợt nam số 7 Việt Nam, từng tham gia đội tuyển quốc gia thi đấu Davis Cup nhóm 3 tại Jordan năm 2021; Phạm La Hoàng Anh, 17 tuổi, tay vợt số 10 Việt Nam, VĐV có thứ hạng 428 ITF U18 cao nhất Việt Nam hiện nay; Ngô Hồng Hạnh, 16 tuổi, tay vợt nữ chủ lực của đội tuyển trẻ thi đấu Billie Jean King Cup 2023; Tống Thị Bích Trâm, 15 tuổi, thành viên đội tuyển trẻ quốc gia – sẽ đồng loạt từ chối khoác áo đội tuyển Việt Nam.

tennis.jpg
Lý Hoàng Nam (phải) và Trịnh Linh Giang (trái), hai tay vợt cùng ông Trường Giang trong chung kết đơn nam SEA Games 31 toàn VN

Một Thế Giới đã có cuộc trò chuyện, trao đổi với tay vợt Lý Hoàng Nam và được anh cho biết như sau:

* Hôm nay (12.2), có thông tin cho rằng Hoàng Nam từ chối không tham dự SEA Games 32 vì Tổng cục TDTT, VTF không đáp ứng được những đòi hỏi về tài chính của Lý Hoàng Nam. Thực tế có đúng như vậy?

- Lý Hoàng Nam: Trước khi đội tuyển Việt Nam thi đấu Davis Cup tranh suất lên nhóm 2 với đội tuyển Indonesia, tôi đã trao đổi với ông Đoàn Thanh Tùng, Tổng thư ký VTF và đề nghị chuẩn bị cho SEA Games, từ tháng 2.2023, mỗi tháng tôi được hỗ trợ 50 triệu đồng để tập luyện, thi đấu trong nước lẫn nước ngoài, đồng thời tôi sẽ được thưởng 200 triệu đồng nếu đoạt Huy chương vàng đơn nam.

* Những lần trước Nam không đặt vấn đề tài chính, nhưng tại sao lần này lại đề nghị?

- Tôi đã đoạt Huy chương vàng liên tiếp hai kỳ SEA Games 30, 31. Cả 2 lần tôi chỉ nhận tiền thưởng theo tiêu chuẩn của nhà nước, ngoài ra, không có bất kỳ tiền thưởng nào từ VTF. Như mọi người đều biết, chi phí cho một VĐV quần vợt đỉnh cao rất tốn kém, cái tôi cần từ VTF không phải là tiền bạc mà đó là sự quan tâm, trân trọng những gì đóng góp của tôi nói riêng và Tập đoàn Hải Đăng, đơn vị chủ quản của tôi nói chung.

* Tổng thư ký VTF Đoàn Thanh Tùng nói với truyền thông rằng: “VTF nỗ lực hỗ trợ tốt nhất cho đội tuyển Quần vợt Việt Nam trong khả năng của mình. Chúng tôi cũng kêu gọi được sự hỗ trợ hơn 110 triệu đồng và đã trao ngay cho đội cuối trận play-off Davis Cup với Indonesia”. Sự thật như thế nào, Nam có thể cho biết?

- Điều này hoàn toàn sai sự thật. Trước khi bước vào giải, có một cô cổ động viên đến động viên và nói tôi nếu tôi thắng 2 trận đơn, cô sẽ có phần thưởng cho đội tuyển Việt Nam. Sau đó tôi đã thắng cả 2 trận đơn và dù ĐTVN thua Indonesia, nhưng cô ấy vẫn thưởng 110 triệu đồng và số tiền này đã được chia cho tất cả thành viên ĐTVN. Số tiền đó không phải do ông Tùng kêu gọi. Tôi rất thất vọng khi suốt giải, ông Tùng không có bất kỳ sự quan tâm, động viên hay hỏi thăm gì anh em ĐTVN. Ông Tùng làm việc không có tâm.

Lý do đi đến quyết định "tẩy chay" ĐTVN

Để đi đến quyết định “tẩy chay” ĐTVN, ông Thái Trường Giang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hải Đăng đã trao đổi thông tin với Một Thế Giới, chúng tôi xin trích đăng nguyên văn:

"Ông Đoàn Thanh Tùng giải thích vì quyết định thành lập đội tuyển có muộn nên cả đội được thông báo ứng trước tiền ăn, tiền công sau đó Tổng cục TDTT chi trả sau, riêng tiền ở do ban tổ chức lo và việc đi lại cả đội phải đi bộ do đội ở gần lại không yêu cầu hỗ trợ nên không cấp xe đi chuyển.

Tôi hỏi ông Tùng như thế này. Lịch thi đấu trận play-off đã được xác định từ lâu, việc quyết định tập trung muộn là lỗi của VTF đã không báo cáo, hoàn thành trách nhiệm với Tổng cục TDTT để dẫn đến quyết định ra trễ. Ngay cả việc có trễ thì cũng không thể bắt những VĐV bảo vệ màu cờ sắc quốc gia phải ứng tiền. Vai trò của VTF ở đâu? VTF không có tiền để lo cho ĐTVN ăn uống?

Về chỗ ở, tại sao đội tuyển Indonesia ở khách sạn 5 sao, còn chỗ ở của ĐTVN rất kém? Nếu VTF và ngành không lo được chỗ ở đàng hoàng cho ĐTVN thì sao không lên tiếng, xã hội sẽ chăm lo!

Năm năm qua, kể từ khi tôi làm quần vợt và giúp Tây Ninh trở thành trung tâm quần vợt hàng đầu của Việt Nam, cũng như tôi hỗ trợ rất nhiều cho VTF cùng nhiều tài năng quần vợt của cả nước khi Tập đoàn Hải Đăng năm nào cũng tổ chức nhiều giải quốc tế và các giải đỉnh cao trong nước, thế mà VTF không hề có sự giúp đỡ nào thỏa đáng.

Mỗi năm, chỉ riêng việc đầu tư cho Hoàng Nam gồm cả HLV chuyên môn, HLV thể lực trong việc di chuyển, thi đấu, ăn, ở trong nước và đặc biệt là nước ngoài cũng khoảng 5 tỉ đồng. Tôi nói con số này không phải kể công mà là cho mọi người biết để thấy rằng, đề nghị của Hoàng Nam hỗ trợ trong việc chuẩn bi SEA Games 32 tính từ tháng 2 đến khi thi đấu SEA Games chỉ có 3 tháng là 150 triệu đồng cùng tiền thưởng 200 triệu đồng phải là của VTF, không phải của nhà nước, thì có quá đáng.

Vấn đề ở đây với chúng tôi không phải là tiền mà là VTF không có sự quan tâm, không trân trọng sự đóng góp của xã hội. Cần nhấn mạnh, Hoàng Nam đề nghị hỗ trợ trước khi Davis Cup diễn ra, còn theo cách trình bày, báo cáo của ông Tùng với lãnh đạo ngành, với truyền thông là ngụy biện, né tránh trách nhiệm, đổ lỗi Hoàng Nam từ chối thi đấu SEA Games vì VTF cũng như ngành TDTT không đáp ứng được đòi hỏi về tài chánh.

Tôi muốn hỏi thế này, ở các bộ môn khác, các VĐV đội tuyển quốc gia khi chuẩn bị SEA Games, họ được đi tập huấn, thi đấu nước ngoài, họ bỏ tiền túi hay nhà nước đầu tư? Tại sao quần vợt mà cụ thể là Hoàng Nam lại không được như vậy?

Ông Tùng là Tổng thư ký VTF, là người thường trực ở Hà Nội điều hành trực tiếp mọi công việc của VTF đã làm tốt công việc, trách nhiệm của mình? Ông có báo cáo đầy đủ, chi tiết và trung thực lên cấp trên?

Với những gì VTF và lãnh đạo ngành đối xử không trân trọng, xem thường chúng tôi bao năm qua, đặc biệt với những gì VTF không quan tâm ĐTVN ở Davis Cup, tôi quyết định sẽ không chấp thuận bất kỳ VĐV nào của Hải Đăng Tây Ninh tham gia đội tuyển Việt Nam dù có nhận được quyết định triệu tập.

***

Ông Thái Trường Giang cho biết, ông Nguyễn Kim Cương, chuyên viên bộ môn quần vợt Tổng cục TDTT có gọi điện cho biết Tổng cục phó Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn muốn hẹn làm việc vào ngày 15.2 tới. Ban đầu, ông Giang dự tính sẽ tiếp ông Phấn để tìm giải pháp tốt nhất cho các bên. Nhưng đến hôm nay, 12.2 khi đọc thông tin của ông Thanh Tùng, ông Giang quyết định từ chối không gặp ông Phấn. Về lời từ chối này, ông Giang giải thích với Một Thế Giới rằng Tổng cục TDTT đã làm việc với ông Tùng, đã tìm hiểu các thành viên VTF rõ chưa. Tổng cục TDTT đã nắm thông chính xác thông tin từ các bên liên quan chưa, đã có hướng xử lý nội bộ chưa mà lại để ông Tùng tiếp tục có những phát biểu trốn trách trách nhiệm.

“Thông tin rõ như ban ngày, chúng tôi cần là sự tôn trọng. Ở đây là ông Tùng phải biết lỗi, phải có trách nhiệm xin lỗi, thay vì đổ lỗi, đổ trách nhiệm lên người khác”, ông Giang nói. 

Chúng tôi đã gọi điện cho ông Tùng, điện thoại đổ chuông nhưng không liên lạc được. Trong khi đó, ông Đặng Hà Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho Một Thế Giới biết, ông Trần Đức Phấn phụ trách thể thao thành tích cao, ông Phấn đang làm việc về việc này. Khi nào ông Phấn có báo cụ thể, ông Việt sẽ có trao đổi thông tin chính thức với Một Thế Giới.

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc này và cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và nhanh nhất đến đọc giả.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hải Đăng Group 'tẩy chay' đội tuyển quần vợt Việt Nam vì thái độ vô trách nhiệm của Tổng thư ký VTF?