Chưa bao giờ cuộc chiến trên thị trường bán lẻ nội địa Việt Nam lại gay cấn như ở thời điểm hiện tại. Và đó là lý do vì sao các tập đoàn nội của Việt Nam nên để ý đến thương vụ mua lại hệ thống siêu thị BigC bên cạnh các ông chủ người Thái Lan.

Lý do vì sao các tập đoàn nội nên để ý đến thương vụ BigC

Một Thế Giới | 20/02/2016, 11:10

Chưa bao giờ cuộc chiến trên thị trường bán lẻ nội địa Việt Nam lại gay cấn như ở thời điểm hiện tại. Và đó là lý do vì sao các tập đoàn nội của Việt Nam nên để ý đến thương vụ mua lại hệ thống siêu thị BigC bên cạnh các ông chủ người Thái Lan.

Có thể nói ở thời điểm hiện tại, dù các hiệp định thương mại quan trọng nhất như TPP và các FTA lớn vẫn chưa đi vào thực hiện, thì thị trường nội địa Việt Nam cũng đã bắt đầu không còn sóng yên biển lặng như trước. Những sóng gió đã bắt đầu nổi lên ở không ít các lĩnh vực, mà ngành bán lẻ là một ví dụ điển hình. Chưa bao giờ cuộc chiến trên thị trường bán lẻ nội địa Việt Nam lại gay cấn như ở thời điểm hiện tại, khi tất cả các đối thủ cả trong lẫn ngoài nước đều đang gấp rút mở rộng hoạt động và thâu tóm càng nhiều thị phần càng tốt. Và đó là lý do vì sao, các tập đoàn nội của Việt Nam nên để ý đến thương vụ mua lại hệ thống siêu thị BigC bên cạnh các ông chủ người Thái Lan.
Nếu chịu khó quan sát những diễn biến lớn nhất trên thị trường bán lẻ của Việt Nam trong khoảng hai năm trở lại đây, chúng ta sẽ thấy những sự thay đổi lớn và không nghi ngờ gì việc đây đang là lĩnh vực có nhiều biến động và xáo trộn nhất trong nền kinh tế trong thời gian qua. Ngoài việc một loạt các tập đoàn lớn của nước ngoài đổ bộ vào thị trường bán lẻ của Việt Nam như BJC, Central Group của Thái Lan, cho đến các ông lớn bán lẻ của Hàn Quốc và Nhật Bản như Lotte, Shinsegae, Emart và Aeon thâm nhập vào thị trường theo nhiều hướng phát triển khác nhau, thì các tập đoàn bán lẻ trong nước cũng có những sự dịch chuyển lớn để nắm bắt thời cơ cũng như chuẩn bị cho sự cạnh tranh khốc liệt với các ông lớn nước ngoài.
Theo đó, chiến lược được cả các tập đoàn bán lẻ nước ngoài lẫn các tập đoàn trong nước sử dụng đều là theo hai hướng đi chủ đạo: thiết lập và mở rộng hệ thống siêu thị, các trung tâm mua sắm và hệ thống cửa hàng tiện lợi mang thương hiệu của mình trên khắp cả nước; đồng thời hướng đến việc thâu tóm và sáp nhập các thương hiệu bán lẻ đã hoạt động và có thị phần tại thị trường trong nước từ trước đó.
Chẳng hạn như BJC của Thái Lan đã mua lại 49% cổ phần của hệ thống điện máy Nguyễn Kim, trước đó cũng đã thâu tóm 65% cổ phần của Phú Thái, và gần nhất là thương vụ đình đám mua lại hệ thống siêu thị Metro với cái giá lên tới 655 triệu euro. Những thương vụ lớn liên tiếp này đã đưa BJC nghiễm nhiên trở thành một thế lực thực sự tại thị trường bán lẻ Việt Nam với việc sở hữu một hệ thống siêu thị và phân phối thuộc loại lớn nhất cả nước.
Không chỉ có BJC, mà hầu hết các tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài khi đổ bộ vào thị trường Việt Nam hầu như ít nhiều đều đặt nhiều sự quan tâm vào các thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập thương hiệu), kể cả những tên tuổi vốn có thói quen “độc hành” như Aeon của Nhật Bản. Tập đoàn bán lẻ của Nhật Bản này vốn nổi tiếng với cách tiếp cận độc nhất vô nhị tại các thị trường nước ngoài, khi Aeon gần như rất ít liên kết với các đối tác tại thị trường bản địa. Nhưng khi đổ bộ vào Việt Nam, Aeon đã gần như tự đảo lộn thói quen của mình, khi chọn cách liên kết với hai đối tác trong nước là Citimart và Fivimart bằng cách mua lần lượt 49% và 30% cổ phần của hai đối tác trên. Lý giải cho sự thay đổi này, Aeon cho biết họ muốn tìm cách mở rộng thị phần của mình nhanh nhất có thể, trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh cũng đang ráo riết thực hiện mục tiêu này.
Quả thực, việc đang có rất nhiều các tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ nước ngoài đổ bộ vào thị trường Việt Nam đang khiến cuộc chiến trên thị trường bán lẻ nội địa không khác gì một cuộc chạy đua để giành thị phần. Dù theo thống kê của Bộ Công thương, thì thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam hiện nay mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ trong cả nước với khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại (TTTM), và tiềm năng về cơ bản vẫn còn rất nhiều, nhưng cuộc cạnh tranh đã trở nên hết sức khốc liệt. Vì dù hệ thống bán lẻ hiện nay mới chỉ chiếm 25% thị phần trên toàn bộ thị trường, nhưng đây lại là phân khúc giàu tiềm năng nhất, chủ yếu tập trung tại các đô thị lớn với sức mua dồi dào do thu nhập người tiêu dùng cao hơn hẳn so với các vùng nông thôn.
Đó là lý do vì sao các tập đoàn bán lẻ cả trong lẫn ngoài nước đều đang ráo riết mở rộng thị phần một cách nhanh nhất có thể bằng cách thâu tóm các hệ thống bán lẻ trong nước. Vì hầu hết các hệ thống bán lẻ hiện nay tại thị trường Việt Nam đã được xây dựng và mở rộng trong một khoảng thời gian nhất định, đã xây dựng được một chuỗi hệ thống phân phối cũng như một phân khúc thị trường tiêu thụ khá ổn định. Và đó mới là thứ mà các tập đoàn bán lẻ lớn đang hướng đến trong bối cảnh muốn mở rộng thị phần càng nhanh càng tốt vì khi mua lại các hệ thống bán lẻ này cũng đồng nghĩa với việc thừa hưởng luôn hệ thống phân phối và phân khúc thị trường tiêu thụ của các thương hiệu đó.
Vì thế, ở thời điểm hiện tại, không chỉ có các tập đoàn nước ngoài đang tìm cách thâu tóm các thương hiệu bán lẻ trong nước, mà kể cả các tập đoàn có tiềm lực trong nước cũng đã tham gia vào cuộc chiến này từ lâu. Vingroup là một ví dụ điển hình, khi đây là tập đoàn có số thương vụ M&A thuộc diện lớn nhất trong ngành bán lẻ trong thời gian qua. Lần lượt Vingroup đã tiến hành các thương vụ mua lại các hệ thống bán lẻ của Ocean Group, Hợp Nhất, Vinatexmart và Maximark. Việc thâu tóm hàng loạt các tên tuổi trong thị trường bán lẻ Việt Nam trong vòng vài năm trở lại đây đang đưa Vingroup trở thành một thế lực thực sự, cùng với Co.opmart trong tương lai có thể trở thành hai thế lực nội hàng đầu đủ sức cạnh tranh với các ông lớn nước ngoài tại thị trường bán lẻ Việt Nam.
Đó là lý do giải thích vì sao các tập đoàn lớn trong nước nên chú ý đến thương vụ bán lại hệ thống siêu thị BigC đang nổi đình nổi đám trong thời gian qua. So với các hệ thống bán lẻ có quy mô lớn tại thị trường bán lẻ Việt Nam, thì BigC là một trong những hệ thống phân phối có quy mô và phân khúc thị trường lớn nhất mà bất cứ ai đang muốn mở rộng thị phần trong thị trường bán lẻ Việt Nam đều muốn có được. Thậm chí, so với hệ thống Metro mà BJC của Thái Lan vừa thâu tóm, thì BigC có nhiều ưu thế hơn hẳn, khi mà số siêu thị Metro đang sở hữu chỉ là 19 so với 32 của BigC, chưa kể Metro thiên về bán sỉ hơn là bán lẻ như BigC. Đó là lý do vì sao mà giá dự báo của BigC đang cao hơn giá mà BJC chi ra để thâu tóm Metro khá nhiều. Giá dự báo của BigC đang ở khoảng 800-900 triệu euro, cao hơn khá nhiều so với 655 triệu euro của Metro.
Ở thời điểm hiện tại, có thể nói nếu tập đoàn nào có được BigC Việt Nam, thì người đó sẽ trở thành một trong những thế lực hàng đầu trong ngành bán lẻ Việt Nam, nếu không muốn nói là lớn nhất. Hiện nay tương quan giữa các tên tuổi trong thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang khá cân bằng, với số siêu thị và chuỗi cửa hàng bán lẻ khá tương đương nhau. Vì thế, bất cứ ai nếu thâu tóm được một chuỗi siêu thị lớn nhất BigC cũng đều sẽ vượt lên để trở thành người nắm giữ thị phần lớn nhất trên thị trường. Dĩ nhiên, 800-900 triệu euro cho thương vụ này là con số không hề nhỏ, nhưng tiềm năng thực sự của thị trường bán lẻ Việt Nam thì còn lớn hơn thế rất nhiều, và cơ hội để nắm giữ một phần lớn thị phần thông qua việc mua lại BigC thì chỉ có một.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Cafebiz, Vietpress)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lý do vì sao các tập đoàn nội nên để ý đến thương vụ BigC