Việc các tập đoàn Thái Lan ồ ạt xâm nhập thị trường Việt Nam và tiến hành hàng loạt các thương vụ M&A lớn trên nhiều lĩnh vực hiện nay đã vượt quá quy mô thường thấy của các vụ M&A thông thường. Để hiểu rõ bản chất và những tác động của hiện tượng này, có bốn hiểu lầm cơ bản cần phải được xóa bỏ trước hết.

Bốn hiểu lầm cơ bản về việc Thái Lan thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam

Một Thế Giới | 15/02/2016, 10:41

Việc các tập đoàn Thái Lan ồ ạt xâm nhập thị trường Việt Nam và tiến hành hàng loạt các thương vụ M&A lớn trên nhiều lĩnh vực hiện nay đã vượt quá quy mô thường thấy của các vụ M&A thông thường. Để hiểu rõ bản chất và những tác động của hiện tượng này, có bốn hiểu lầm cơ bản cần phải được xóa bỏ trước hết.

Năm 2016 là thời điểm mà nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là sẽ có mức độ hội nhập toàn diện và sâu rộng nhất với nền kinh tế thế giới, khi các quy định trong các hiệp định thương mại lớn như TPP hay các FTA sẽ đưa Việt Nam kết nối với nền kinh tế toàn cầu mạnh mẽ chưa từng thấy. Trong bối cảnh đó, thì việc các ông chủ nước ngoài xâm nhập thị trường Việt Nam và tìm cách mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp (DN) lớn của Việt Nam cũng là điều tất yếu sẽ xảy ra. 
Tuy nhiên, nó không có nghĩa là bất kỳ một thương vụ mua bán và sáp nhập các thương hiệu nào diễn ra tại thị trường Việt Nam cũng được coi là một hiện tượng bình thường, mà làn sóng M&A (mua bán và sáp nhập thương hiệu) do các tập đoàn Thái Lan đang tiến hành tại Việt Nam là một ví dụ. Để hiểu rõ bản chất và những tác động của hiện tượng này, có bốn hiểu lầm cơ bản cần phải được xóa bỏ trước hết.
1. Việc các tập đoàn Thái Lan mua bán và sáp nhập các thương hiệu Việt Nam là chuyện bình thường
Đúng là việc mua bán và sáp nhập các thương hiệu là chuyện bình thường và luôn diễn ra tại bất cứ nền kinh tế nào trên thế giới, kể cả ở Việt Nam khi mà các quy định trong các hiệp định thương mại lớn như TPP hay các FTA mà Việt Nam vừa ký kết đang tạo thuận lợi cho quá trình đó diễn ra. Nhưng nó không có nghĩa là mọi vụ mua bán và sáp nhập thương hiệu nào cũng đều được coi là điều bình thường. Việc các tập đoàn Thái Lan ồ ạt xâm nhập thị trường Việt Nam và tiến hành hàng loạt các thương vụ M&A lớn trên nhiều lĩnh vực hiện nay đã vượt quá quy mô thường thấy của các vụ M&A thông thường.
Thông thường, các thương vụ M&A luôn luôn diễn ra ở khắp mọi lĩnh vực, nhưng hiếm khi nào nó lại diễn ra đồng loạt và trên nhiều lĩnh vực như điều các tập đoàn Thái Lan đang làm ở Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, nó có thể gây ra những hậu quả lớn cho nền kinh tế Việt Nam và vượt ra ngoài những tác động của các thương vụ M&A đơn thuần vốn ít tác động tới nền kinh tế của nước sở tại. Đó là việc hàng loạt các lĩnh vực trong nền kinh tế sẽ bị các ông chủ nước ngoài chi phối do đã nắm được phần lớn các doanh nghiệp lớn đầu ngành trong các lĩnh vực này. Đặc biệt là việc thâu tóm được một phần lớn hệ thống phân phối và bán lẻ gần đây với các thương vụ như Nguyễn Kim, Metro và sắp tới có thể là cả BigC, thì khả năng tác động sẽ còn lan rộng hơn nữa.
2. Hiệu quả các vụ M&A của Thái Lan tại Việt Nam vẫn chưa chắc chắn và là một dấu hỏi
Đúng là mức độ hiệu quả của các thương vụ M&A mà các tập đoàn Thái Lan vừa tiến hành tại Việt Nam là chưa chắc chắn về mức độ sinh lời, khi người Thái sẽ gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ đến từ bên ngoài và cả các doanh nghiệp nội địa trong cùng ngành, chẳng hạn như ngành bán lẻ. Nhưng việc mua bán và sáp nhập các thương hiệu này cho phép người Thái nắm giữ những lợi thế lớn và khả năng sinh lời cao hơn mức nhiều người dự đoán.
Trên thực tế các doanh nghiệp nội địa mà Thái Lan thâu tóm đều là các doanh nghiệp thuộc diện lớn nhất trong lĩnh vực đó tại thị trường trong nước, chẳng hạn như hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim, nhựa Tiền Phong và Bình Minh, Prime Group. Các doanh nghiệp này đã có sẵn một hệ thống sản xuất, phân phối sản phẩm và phân khúc thị trường lớn được xây dựng trong nhiều năm qua, và giờ đây các tập đoàn Thái Lan có thể thừa hưởng chúng sau khi đã mua lại các thương hiệu này. Điều này tạo ra cho người Thái một lợi thế so với các tên tuổi lớn khác của quốc tế giờ đây mới bắt đầu đổ bộ vào thị trường Việt Nam và xây dựng mọi thứ từ con số 0. Dĩ nhiên, lợi thế này không đảm bảo 100% khả năng thành công cho người Thái, nhưng lợi thế thì vẫn là lợi thế, đặc biệt là khi đó là lợi thế lớn.
3. Các thương hiệu sau khi bị thâu tóm vẫn không có gì thay đổi, trừ chủ sở hữu
Đúng là sau khi các thương hiệu nội địa này bị thâu tóm, thì các doanh nghiệp này vẫn hoạt động ở trong nước, vẫn sử dụng người lao động trong nước, vẫn sẽ nộp thuế cho nhà nước dựa trên doanh thu và thậm chí là vẫn giữ nguyên tên thương hiệu. Đúng là người Thái sẽ không thể “bê” các doanh nghiệp này về nước nhưng chắc chắn là họ sẽ “bê” nhiều thứ về nước sau khi thâu tóm được các thương hiệu này. Điển hình là lợi nhuận. Nếu các thương hiệu này vẫn do các doanh nghiệp nội địa làm chủ thì lợi nhuận vẫn ở lại Việt Nam và có thể được tái đầu tư phần lớn trong số đó. Nhưng khi các thương hiệu này đã nằm trong tay các ông chủ nước ngoài thì dĩ nhiên phần lớn lợi nhuận sẽ được các ông chủ này chuyển về nước. Có thể trong giai đoạn đầu, phần lớn lợi nhuận sẽ được các ông chủ ngoại này tái đầu tư vào nhà xưởng, thiết bị, hệ thống phân phối, để mở rộng thị trường; nhưng về lâu dài và mọi thứ đã đi vào ổn định thì chả có gì ngăn cản lợi nhuận sẽ được chuyển ra nước ngoài giống như các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam đang làm trong thời gian qua.
Điều này trên thực tế đang gây ra những hệ quả lớn đối với cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Đó là hiện tượng FDI hóa các doanh nghiệp nội địa. Như nhiều nhà phân tích đã chỉ ra, vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là quá phụ thuộc vào các DN FDI và sự thiếu kết nối giữa các DN trong nước với các DN FDI, nhưng khi mà mọi thứ còn chưa được cải thiện thì khá nhiều doanh nghiệp nội địa lớn lại đang gần như chuyển thành các DN FDI thực sự thông qua các vụ mua bán và sáp nhập thương hiệu. Về lâu dài nó có thể dẫn đến sự đảo lộn lớn trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, khi quy mô của khối FDI ngày càng tăng và chênh lệch lớn so với khối DN nội địa.
4. Các vụ thâu tóm này sẽ không dẫn đến nguy cơ hàng Thái Lan lấn lướt hàng hóa Việt Nam
Đúng là khi các thương hiệu này thuộc quyền sở hữu của các ông chủ Thái Lan, thì hàng hóa sản xuất ra vẫn sẽ là “made in Vietnam” chứ không phải là “made in Thailand”, và nó chẳng liên quan gì đến việc hàng hóa Thái Lan vào thị trường Việt Nam bằng con đường nhập khẩu và lấn lướt hàng hóa Việt Nam cả. Thậm chí, hàng hóa sản xuất tại các thương hiệu do các ông chủ người Thái làm chủ này còn phải cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam từ chính Thái Lan nữa là khác. Nhưng, khi mà người Thái nắm giữ một phần lớn hệ thống bán lẻ tại thị trường Việt Nam thì mọi thứ lại hoàn toàn khác.
Với việc nắm giữ một phần lớn hệ thống bán lẻ tại Việt Nam như Nguyễn Kim, Metro và có thể sắp tới là cả BigC thì việc hàng hóa Thái Lan lấn lướt hàng hóa Việt ngay tại thị trường Việt Nam là chuyện gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Người đại diện của BJC Thái Lan khi đàm phán mua lại hệ thống siêu thị Metro đã tuyên bố, nếu thương vụ thành công thì hàng hóa Thái Lan được bày bán sẽ chiếm 60%. Trong bối cảnh hàng hóa Việt Nam vẫn chiếm 80-90% lượng hàng hóa ở các siêu thị, thì điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng hóa Việt Nam sẽ bị hàng Thái Lan đẩy bật ra khỏi hệ thống bán lẻ, và nó cũng chẳng khác gì việc hàng hóa Thái lấn lướt hàng hóa Việt là bao. Dĩ nhiên, điều này xuất phát chủ yếu từ vấn đề lợi nhuận trong kinh doanh, khi mà hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan có chất lượng tốt và giá thành cạnh tranh hơn so với hàng hóa sản xuất tại thị trường trong nước của Việt Nam, và sẽ đem lại lợi nhuận lớn hơn cho các hệ thống bán lẻ.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Tienphong)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bốn hiểu lầm cơ bản về việc Thái Lan thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam