Nhận định về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập tới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết theo Diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng về môi trường kinh doanh của 12 nước trong TPP, Việt Nam đứng chót. 

Chuyên gia Phạm Chi Lan: 5 yếu tố để phát triển doanh nghiệp Việt

Một Thế Giới | 14/02/2016, 09:00

Nhận định về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập tới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết theo Diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng về môi trường kinh doanh của 12 nước trong TPP, Việt Nam đứng chót. 

Thực trạng doanh nghiệp trong nước trước thời kỳ hội nhập.
Nếu  xét về cơ sở hạ tầng thì Việt Nam hơn một chút Peru nhưng cũng đứng gần cuối cùng trong bảng xếp hạng. Nếu xét về công nghệ thì Việt Nam lại thua Peru và trở thành nước đứng cuối cùng trong TPP. Xét về sự tinh vi trong hoạt động doanh nghiệp thì doanh nghiệp Việt Nam lại một lần nữa thua xa người đứng áp chót trên là Peru. 
Như vậy, thách thức đối với nền kinh tế đã cao nhưng thách thức đối với doanh nghiệp lại còn cao hơn trong TPP, khoảng cách của Việt Nam với các nước vẫn còn quá cao.  Đây là điều mà doanh nghiệp trong nước cần phải lưu ý đến, bà Lan khẳng định.
Về chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam, vị chuyên gia này cho hay môi trường kinh doanh tác động rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phải phụ thuộc một nửa vào môi trường kinh doanh, một nửa vào bản thân doanh nghiệp. Hiện nay, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn đứng rất thấp theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới trong năm 2015-2016, thứ hạng của Việt Nam vẫn rất khiêm tốn, đứng thứ 90/180 nước. 
Trong 2 năm gần đây, Thủ tướng chính phủ ban hành nghị quyết 19, hằng năm với mục tiêu chính là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, và cũng là đón đầu cộng đồng kinh tế ASEAN và các cam kết  hội nhập. Tuy nhiên, trong năm 2014-2015, kết quả thực hiện vẫn còn khiêm tốn nên môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện vẫn không nhiều.
Trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp lại tăng lên nhanh chóng nhưng quy mô lại không phát triển, thậm chí, quy mô về vốn của doanh nghiệp còn nhỏ đi. Lẽ ra, phát triển về số lượng thì phải kèm theo chất lượng, từ siêu nhỏ thành nhỏ, từ nhỏ thành vừa và vừa thành lớn và tăng dần. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam lại dừng lại ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ trong một thời gian rất dài, suốt 10 năm đổi mới và phát triển.. 
Trong khi đó, biến động của doanh nghiệp trong những năm gần đây lại dữ dội hơn, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng lên nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động cũng tăng lên không kém. Năm 2015, mức biến động này lớn hơn với 83.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong khi có 94.000 doanh nghiệp đăng ký mới, số đăng ký mới nhiều mà số ngừng hoạt động vẫn tiếp tục tăng lên. Điều này vô cùng đáng báo động vì những doanh nghiệp ngừng hoạt động chứng tỏ rằng họ không chịu được sức ép cạnh tranh và những thách thức trên thị trường nên họ buộc phải rút khỏi thị trường, còn số mới thành lập chưa biết có vận hành tốt hay không để tồn tại, bà Lan băn khoăn cho biết.

Nguyên nhân cản trở sự phát triển
Phát biểu về những yếu tố chính cản trở sự phát triển của doanh nghiệp trong nước (gồm doanh nghiệp nhà nước và tư nhân) ở Việt Nam, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ rằng ở đó có nhiều yếu tố:
Thứ nhất là tinh thần kinh doanh của người Việt không cao, hay nói cách khác là chỉ số khởi sự kinh doanh của người Việt Nam còn thấp. Theo điều tra của VCCI vào năm 2013, tỷ lệ người trường thành ở Việt Nam có ý tưởng khởi sự kinh doanh trong 3 năm tới chỉ đạt 24,1%, trong khi đó các nước cùng trình độ với Việt Nam đạt tới 44,7%. Như vậy, hiện nay người Việt đang rất ngần ngại kinh doanh.
Thứ hai là trình độ quản trị của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, phần lớn các công ty, doanh nghiệp Việt Nam đều là công ty gia đình, là các doanh nghiệp siêu nhỏ, có tới 4,6 triệu hộ kinh doanh gia đình, nhân sự cao cấp chưa được đào tạo đầy đủ về quản trị kinh doanh nên trình độ quản trị còn hạn chế.
Thứ ba là chất lượng lao động Việt Nam, thực tế hiện nay là có tới  86,7% lực lượng lao động trong nước là không có tay nghề, không được đào tạo chính quy. Trình độ lực lượng lao động còn thấp. Đây cũng được xem là bài toán hóc búa cho doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ tư là chính sách đối với doanh nghiệp trong nước, hiện nay, điều kiện cho việc khởi sự doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa được tốt mặc dù chúng ta có luật doanh nghiệp rất thông thoáng cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể đăng ký kinh doanh. Theo đó nếu có dịch vụ, chính sách kinh doanh tốt thì đây sẽ là yếu tố cổ vũ tinh thần kinh doanh của người Việt Nam đi lên, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ sẽ đi vào phát triển nhiều hơn. Tuy nhiên, chính sách phát triển doanh nghiệp hiện vẫn rất tản mạn, quy mô không đủ lớn, thành lập ra những chương trình, quỹ nhỏ, chỉ có số ít doanh nghiệp tiếp cận được và rất thiếu trọng tâm, thiếu nhất quán.
Thứ năm là mối liên kết giữa các doanh nghiệp, thực tế chỉ ra có rất ít mối liên kết giữa doanh nghiệp quy mô  nhỏ và doanh nghiệp quy mô lớn hơn. Ở Việt Nam thì có một số đại gia hình thành nhưng các đại gia đó chơi với nhau, chưa kết nối và chơi với các doanh nghiệp nhỏ, rất ít doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia được vào chuỗi của họ  hoặc làm những người cung ứng cho họ. Hơn nữa, quá trình sản xuất ở Việt Nam ít gắn kết với chuỗi giá trị, hoạt động vẫn mang tính chất biệt lập. Đặc biệt là trong việc phát triển sản phảm mới, điều này làm hạn chế đặc biệt cho sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
Ngoài ra, các thể chế tiếp cận thị trường còn thiếu hiệu quả, doanh nghiệp chịu nhiều áp lực về thủ tục hành chính, về việc bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực hay hành lang pháp lý kém an toàn.
Qua đó, bà Lan cho biết: trong những năm tới, khi các hiệp định tự do đi vào hoạt động, doanh nghiệp trong nước phải tăng tốc hết sức năng lực cạnh tranh của mình để sẵn sàng hơn trong quá trình hội nhập. Ngoài ra, hãy đón nhận sự đầu tư của người nước ngoài để biến đó thành cơ hội phát triển nền kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong nước.
Tuyết Nhung


Bài liên quan
Một số tồn tại, vi phạm trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải
Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2021 tại Bộ Giao thông vận tải.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
10 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia Phạm Chi Lan: 5 yếu tố để phát triển doanh nghiệp Việt