Về lực lượng pháp chế, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng rất mỏng, rất ít và khó đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, một số bộ ngành có tâm lý không ưu tiên cho lĩnh vực pháp chế.

Lực lượng pháp chế mỏng, một số bộ ngành lại không ưu tiên

Hoài Lam | 15/08/2023, 15:07

Về lực lượng pháp chế, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng rất mỏng, rất ít và khó đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, một số bộ ngành có tâm lý không ưu tiên cho lĩnh vực pháp chế.

Lực lượng pháp chế rất mỏng

Trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội liên quan đến nguồn lực trong công tác xây dựng pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết hiện cả nước có khoảng 10.000 người làm công tác pháp chế, trong đó gần 7.000 người hoạt động kiêm nhiệm. Có 89 tổ chức pháp chế ở trung ương, và địa phương là 65 phòng pháp chế.

Về lực lượng pháp chế, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng rất mỏng, rất ít và khó đáp ứng được yêu cầu.

“Một số bộ ngành có tâm lý không ưu tiên cho lĩnh vực pháp chế. Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định 55 sửa đổi, trong đó điều quan trọng nhất là xây dựng chức danh “pháp chế viên” từ đó có cơ sở xây dựng chính sách cho đội ngũ này”, ông Long nói.

chat-van-3.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn

Trả lời chất vấn có nội dung liên quan đến nguồn nhân lực trong lĩnh vực tư pháp, đặc biệt đội ngũ pháp chế viên và giám định viên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định lực lượng mỏng, bất cập về cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy.

Theo bà Trà, có 2 nguyên nhân chính, thứ nhất là vướng mắc do thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế nên các tổ chức pháp chế ở các địa phương phải sắp xếp lại theo tinh thần Nghị quyết 18 và theo Nghị định 107, vì vậy phòng pháp chế ở sở tư pháp giảm đầu mối.

Nguyên nhân thứ hai là trong thực tiễn đây là lĩnh vực khó, phức tạp, nhạy cảm, nguồn lực bổ sung, tuyển dụng lực lượng tham gia trực tiếp cho lĩnh vực này không thuận lợi vì chính sách khó khăn, yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ sâu.

Vì vậy, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp đề xuất xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực trên lĩnh vực tư pháp nói chung, trong đó có đội ngũ pháp chế viên và giám định viên cho giai đoạn 2023-2030; chú ý đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, yêu cầu nhiệm vụ để đội ngũ này đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ngoài ra, trên cơ sở Nghị định 106 và Nghị định 62, hiện nay hai bộ đang hoàn tất thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm và khung năng lực để mô tả vị trí việc làm đối với pháp chế viên cũng như giám định viên. Điều này nhằm xác định rõ vị trí việc làm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chính phủ cũng như của 63 tỉnh thành để có cơ sở để xác định biên chế về lực lượng này.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng băn khoăn về chính sách đối với lực lượng pháp chế viên và giám định viên, bởi chính sách hiện có không phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, nếu sửa đổi sẽ khó vì liên quan đến lộ trình và các chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành trung ương.

tra-2.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời

Do đó, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp thống nhất khi thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương sẽ đưa cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ pháp chế viên và giám định viên cho phù hợp với tính chất của nghề nghiệp này.

Nợ, chậm văn bản hướng dẫn gây khoảng trống pháp luật

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) nêu rõ tình trạng nợ và chậm văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật đã diễn ra trong nhiều năm và chưa được khắc phục.

Đại biểu Trần Thị Vân cho rằng chính vấn đề nợ, chậm văn bản gây khoảng trống pháp luật cũng như gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp, lãng phí nguồn ngân sách nhà nước. Đại biểu Vân đề nghị Bộ trưởng Tư pháp với trách nhiệm của mình, cho biết giải pháp trong chỉ đạo, điều hành để khắc phục được tình trạng trên.

van.jpg
Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) chất vấn

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho biết qua kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội năm 2022, có những nội dung đã được kiến nghị từ nhiều lần giám sát trước đây nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành.

Ngoài ra, vẫn còn một số văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu chưa bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật; có nội dung ủy quyền trực tiếp hoặc ban hành chưa đúng thẩm quyền và hình thức của một số văn bản quy định chi tiết còn chưa phù hợp, không đúng với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết việc nợ, chậm ban hành là vấn đề đã từ lâu nhưng chưa giải quyết dứt điểm. Nợ đọng văn bản của từng năm có sự trồi sụt nhất định.

“Mặc dù các bộ đã rất cố gắng nhưng cũng có những nghị định nợ lâu và chưa được xử lý như nghị định về tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể lao động trong Bộ luật Lao động, nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, về an ninh mạng…”, ông Long nói.

Làm rõ nguyên nhân của thực trạng này, ông Long cho rằng nhiều khi là do nội dung quy định chi tiết quá nhiều như Luật Bảo vệ môi trường có đến 65 nội dung trong luật giao quy định chi tiết.

chat-van-2.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp trả lời chất vấn

Ngoài ra, theo ông Long cũng có những luật, nghị quyết từ thời điểm thông qua đến thời điểm có hiệu lực ngắn nên phải cấp tốc soạn thảo ban hành các nghị định nhưng cũng không kịp. Ví dụ như các nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ngoài ra còn có nguyên do trình độ đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật.

Về giải pháp, Bộ trưởng Tư pháp cho biết Bộ Tư pháp cùng các cơ quan đều có nỗ lực cố gắng khắc phục. Chính phủ đã ban hành nghị quyết về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Bộ Tư pháp đã trình một số giải pháp để khắc phục các hạn chế, bất cập trong công tác xây dựng văn bản, trong đó có nội dung về nghị định quy định chi tiết và bảo đảm tính kỷ luật hành chính trong soạn thảo, ban hành văn bản và trách nhiệm tổ chức thi hành.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lực lượng pháp chế mỏng, một số bộ ngành lại không ưu tiên