Đoàn giám sát chỉ ra, “dù có nhiều nhà xuất bản tham gia làm sách giáo khoa (SGK), có nhiều bộ SGK nhưng giá sách không giảm mà thực tế đang tăng”.
Giá sách chương trình mới cao gấp 2-4 lần chương trình cũ
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, chiều 14.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông".
Thay mặt cơ quan chịu sự giám sát, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, ngành giáo dục chờ đón đợt giám sát này vì tự mình truyền thông và giải thích khó bằng sự ghi nhận và lan tỏa một cách khách quan thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội - cơ quan đại diện cao nhất cho toàn thể nhân dân.
Theo ông Sơn, ngành giáo dục với hơn 1 triệu nhà giáo đã làm rất nhiều việc rất thực chất, đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để tạo nên những chuyển biến có thực trong thực tế. Đây là lần đầu tiên kể từ khi triển khai đổi mới giáo dục phổ thông năm 2018 có một đoàn giám sát làm việc với quy mô rộng lớn, toàn diện mang tính toàn quốc.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một cuộc đổi mới có chiều sâu toàn diện và triệt để nhất so với lần đổi mới trước đây; khác về tư tưởng chỉ đạo, nhằm phát triển toàn diện con người.
Báo cáo của đoàn giám sát cho rằng, giá sách theo chương trình mới cao 2-4 lần so với sách cũ.
Đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, SGK lớp 1 mới có giá 179.000 - 194.000 đồng/bộ, trong khi bộ sách cũ giá 54.000 đồng. Sách lớp 2 mới giá 179.000 - 186.000 đồng/bộ, trong khi bộ cũ giá 53.000 đồng. Giá sách cao gây khó khăn cho một bộ phận người dân, nhất là ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.
Mức tối đa phí phát hành (chiết khấu) cho các đơn vị đầu mối năm học 2020-2021, 2021-2022 với SGK là 29%, sách bài tập 33%, sách giáo viên 15%. Năm học 2022-2023, mức chiết khấu giảm, lần lượt là 28,5%, 35% và 15%.
Đoàn giám sát đánh giá Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chưa thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ trong việc biên soạn, in ấn, phát hành SGK, còn để xảy ra sai phạm, vi phạm pháp luật. Chi phí phát hành và giá sách cao, chưa hợp lý so với các mặt hàng thiết yếu.
Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chuyển cơ quan chức năng thanh tra, điều tra toàn diện việc xác định, sử dụng chi phí phát hành SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; Bộ GD-ĐT khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá SGK, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá sách.
Ngoài ra, theo đoàn giám sát, chất lượng một số SGK của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn hạn chế. Một số SGK có nội dung chưa phù hợp với học sinh, còn khó, kiến thức nặng; ở một số địa phương, việc lập hồ sơ lựa chọn SGK còn thiếu sót.
Ban hành SGK với đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng cần bổ sung thêm đánh giá về nguyên nhân hạn chế liên quan đến quy trình tuyển dụng đối với nội dung về thừa, thiếu giáo viên cục bộ... để có những giải pháp, đổi mới giải quyết tốt tình trạng này trong thời gian tới.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng việc ban hành chương trình SGK dân tộc thiểu số còn chậm trễ trong cả hai khâu: ban hành chương trình môn học và biên soạn SGK.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị cần đánh giá bổ sung thêm hạn chế trong việc biên soạn SGK song ngữ tiếng Việt và tiếng một số dân tộc ít người đối với một số môn học ở cấp tiểu học và việc biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới cho vùng miền núi, hải đảo, điều kiện khó khăn.
Mặt khác, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị phân tích, đánh giá bổ sung chế độ, chính sách đối với giáo viên giảng dạy tiếng dân tộc hiện còn nhiều vấn đề bất cập như thiếu hụt nguồn nhân lực, chậm sửa đổi, ban hành chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện xã hội đặc biệt khó khăn, làm ảnh hưởng đến học sinh dân tộc thiểu số là đối tượng thụ hưởng chính sách.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng chỉ rõ chương trình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Thứ nhất là do chương trình áp dụng chung cho mọi vùng miền, nông thôn, thành thị và với mọi đối tượng học sinh, do vậy phát sinh sự chênh lệch trong quá trình thực hiện. Thứ hai, trong báo cáo nêu rõ là nhiều văn bản chưa kịp thời. Thứ ba, mục tiêu thì cao và xa hơn so với nguồn lực thực hiện, kinh phí tự thực hiện (như về vấn đề kinh phí, vấn đề con người, vấn đề trang thiết bị...).
Từ những hạn chế đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội kiến nghị vẫn kiên định thực hiện mục tiêu trên và vừa làm vừa điều chỉnh, đồng thời cần có lộ trình cụ thể, phù hợp với đặc thù của từng vùng, miền, đối tượng học sinh và đặc biệt là đối tượng học sinh đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngoài ra, bà Thúy Anh đồng tình với kiến nghị của đoàn giám sát là Nhà nước quan tâm đầu tư kinh phí và xây dựng Luật Nhà giáo để tạo điều kiện cho giáo viên và nhà quản lý yên tâm cống hiến, đẩy mạnh xã hội hóa trong mọi khâu để có thêm nguồn lực và sự đồng thuận của xã hội. Ngoài ra, cần làm tốt công tác tuyên truyền, công tác truyền thông về kết quả đã có và giải pháp sắp tới cho đội ngũ giáo viên, học sinh.