Donald Nuechterlein là một nhà khoa học chính trị ở Mỹ. Ông từng phục vụ trong lực lượng Mỹ đóng tại Đức những năm 1946-47. Trên "Daily Progress" sáng nay, ông có bài phân tích "Khi chiến tranh bùng phát, Mỹ phải đối mặt với thực tế địa chính trị".

Người dân Mỹ đang thay đổi sự quan tâm với vấn đề Ukraine

Anh Tú (dịch) | 09/06/2022, 13:05

Donald Nuechterlein là một nhà khoa học chính trị ở Mỹ. Ông từng phục vụ trong lực lượng Mỹ đóng tại Đức những năm 1946-47. Trên "Daily Progress" sáng nay, ông có bài phân tích "Khi chiến tranh bùng phát, Mỹ phải đối mặt với thực tế địa chính trị".

Khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố vào mùa thu năm 2021 rằng ông muốn Ukraine trở thành một phần của NATO, đó là lằn ranh đỏ đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Putin ngay lập tức điều động quân đội để buộc Ukraine từ bỏ yêu cầu gia nhập NATO, hoặc chuẩn bị cho một cuộc chiến. Sự tàn phá khủng khiếp tại các thành phố Ukraine, đặc biệt là ở miền Đông, chính là kết quả từ hành động của Nga.

Sự kháng cự quyết liệt của quân đội Ukraine đã tạo "cảm hứng" cho NATO gửi viện trợ cho lực lượng Ukraine để giúp chống lại quân đội Nga. Cuộc động binh của Nga vào Ukraine là lần đầu tiên kể từ năm 1945, quân đội Nga được sử dụng trong cuộc chiến chống lại một quốc gia khác ở Đông Âu. Người châu Âu không chắc Tổng thống Putin định dừng chân ở đâu. Cả Thụy Điển và Phần Lan đều đã nộp đơn xin gia nhập NATO để tự bảo vệ trước quân đội Nga ở phía bắc. Họ cũng muốn củng cố vị thế của mình ở biển Baltic, nơi mà vào cuối Thế chiến 2, người Nga đã xây dựng một căn cứ hải quân trên lãnh thổ cũ của Đức mà ngày nay còn dính đến Lithuania (ND: có lẽ là căn cứ tại Kaliningrad).

Ở phía nam, quân đội Nga đã thúc đẩy phong tỏa các cảng trên biển Đen mà người Ukraine vốn dùng để giao thương quốc tế, gồm cả các chuyến hàng ngũ cốc ra thế giới. Cũng ở phía nam là đất nước Moldova nhỏ bé, nơi cảm thấy bị đe dọa bởi việc Tổng thống Putin tiến quân vào miền Nam Ukraine. Tất cả những điều này đã khiến các nước NATO phải tăng mạnh ngân sách quốc phòng và quyết đoán hơn trong việc cắt đứt thương mại với Nga.

Chừng nào Tổng thống Putin vẫn còn nắm quyền và dường như ông còn nhận được sự ủng hộ của người dân Nga, rất khó để biết ông ta muốn tiến xa đến đâu vào châu Âu. Tổng thống Putin đang sử dụng tên lửa oanh kích các mục tiêu ở Ukraine. Những tên lửa đó cũng có thể được sử dụng để chống lại các mục tiêu ở các khu vực khác của châu Âu. Quân đội của ông ta hiện không đủ mạnh để làm những gì ông muốn họ làm, nhưng ông ta đang nỗ lực huấn luyện và trang bị.

Với những hạn chế nặng nề mà phương Tây đặt ra đối với nền kinh tế Nga, chúng ta không biết Putin có thể tiếp tục được bao lâu, đặc biệt khi ông ta không thể bán dầu ra nước ngoài như trước đây.

Một bộ phận lớn công chúng Mỹ đang trở nên ít cuốn hút vào Ukraine hơn bởi vì chúng ta đang chìm vào những cuộc khủng hoảng trong chính nước mình, bao gồm nhiều vụ xả súng hàng loạt, những cơn bão tàn phá khắp đất nước và lạm phát ở mức chưa từng thấy trong nhiều thập niên. Chúng ta không thấy Tổng thống Zelensky trên trang nhất nữa. Vì vậy, nhiều người Mỹ đang đi đến quan điểm rằng đây thực chất là một vấn đề của châu Âu và người châu Âu nên tự giải quyết nó.

Nếu Tổng thống Putin tấn công bất kỳ quốc gia NATO nào, gồm cả Ba Lan, tất nhiên Mỹ sẽ đáp trả. Nhưng trong chuyện đó, nhiều người Mỹ cảm thấy rằng người châu Âu có thể tự kiềm chế tham vọng của Tổng thống Putin đối với Ukraine.

Nói tóm lại, phương Tây đã bị một cú sốc vào tháng 2 khi Tổng thống Putin tiến quân vào Ukraine, vì hành động tấn công quân sự của Nga đã không xảy ra kể từ năm 1945. Cách phương Tây đối phó với Tổng thống Putin như thế nào một khi ông ta còn nắm quyền, sẽ quyết định châu Âu sẽ phát triển như thế nào trong vài năm tới. Những gì chúng ta học được cho đến nay là người Mỹ cần phải thực tế hơn nhiều về những gì đang xảy ra trên thế giới mà chúng ta đang sống và nơi chúng ta đóng vai trò dẫn dắt trong nhiều năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người dân Mỹ đang thay đổi sự quan tâm với vấn đề Ukraine