Một tín hiệu đáng mừng là thời gian tới, Trung Quốc sẽ xem xét mở cửa thêm loại nông sản của Việt Nam.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Loạt tin vui cho nông sản Việt sang Trung Quốc thời gian tới

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung 23/01/2024 16:04

Một tín hiệu đáng mừng là thời gian tới, Trung Quốc sẽ xem xét mở cửa thêm loại nông sản của Việt Nam.

sau-rieng.png
Sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực được xuất khẩu sang Trung Quốc thời gian qua - Ảnh: TN

Trong thị phần xuất khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam, thị trường Trung Quốc dẫn đầu trong tổng trị giá xuất khẩu nông-lâm-thủy sản, với tổng trị giá 12,2 tỉ USD trong năm 2023, chiếm tỷ trọng 23,2%.

Nguyên nhân giúp xuất khẩu nông sản Việt sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong năm 2023 với mức tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm trước là nhờ nhiều nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được ký kết trong năm 2022, giúp nhiều loại nông sản đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này.

Mặt khác, Trung Quốc bãi bỏ chính sách Zero Covid, giảm bớt và dần bãi bỏ các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ, giúp giải phóng nhu cầu tiêu dùng khổng lồ của thị trường, đồng thời giúp quá trình thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa, nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Nổi bật nhất là nhóm mặt hàng rau quả, Trung Quốc hiện chiếm gần 54% tổng trị giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam; trong đó có tới 90% lượng trái vải xuất khẩu, 80% lượng thanh long xuất khẩu. Năm 2023, riêng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt tới 2,3 tỉ USD. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ hơn 90% số lượng sắn và sản phẩm chế biến từ sắn của Việt Nam; hơn 70% lượng cao su xuất khẩu và là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam.

Một tín hiệu đáng mừng nữa là, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam mới đây đã dẫn đầu đoàn công tác gồm đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc bộ sang làm việc với Bộ Nông nghiệp - Nông thôn, Tổng cục Hải quan và chính quyền tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Theo đó, hai bên đã đi sâu thảo luận và thống nhất nhiều nội dung hợp tác song phương trên các lĩnh vực cụ thể, bao gồm: Thống nhất việc tổ chức cuộc họp Ủy ban liên hiệp hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 2 tại Trung Quốc trong năm 2024; trao đổi những nội dung hợp tác về khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp xanh, nông nghiệp giảm phát thải và nông nghiệp hữu cơ; tăng cường hợp tác đầu tư trong nông nghiệp, thương mại nông sản 2 chiều; chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau về phát triển nông thôn giữa hai nước.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết đoàn đã trao đổi với lãnh đạo Tổng cục Hải quan Trung Quốc về mở cửa thị trường hàng nông sản và đi đến thống nhất: Hai bên thống nhất nội dung, phía Trung Quốc sẽ khẩn trương hoàn thành rà soát pháp lý để ký trong thời gian sớm nhất 3 nghị định thư, gồm: Nghị định thư về xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên, Nghị định thư về xuất khẩu cá sấu nuôi, Nghị định thư về xuất khẩu khỉ nuôi từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Hai bên thống nhất phối hợp xử lý vướng mắc trong xuất nhập khẩu cá tầm, tôm hùm bông theo cơ chế đặc biệt và sẽ đưa vào nghị định thư giữa hai nước. Trong khi chờ đợi ký, phía Trung Quốc sẽ xem xét, tạo cơ chế đặc biệt để các cơ sở đăng ký xuất khẩu; Trung Quốc đồng ý xem xét bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam, đơn vị chức năng hai bên phối hợp làm các thủ tục để dỡ bỏ lệnh cấm; đưa mặt hàng sứa muối vào Nghị định thư về xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên cho Việt Nam và sẵn sàng xử lý hồ sơ kỹ thuật bổ sung từ phía Việt Nam để mở thêm trái bơ nhập khẩu từ Việt Nam.

Để sớm triển khai các nội dung đã thống nhất với Trung Quốc, Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh sẽ khẩn trương trao đổi với đơn vị đầu mối của Tổng cục Hải quan Trung Quốc để sớm khởi động việc ký kết Nghị định thư xuất khẩu động vật hoang dã gây nuôi, đồng thời làm rõ thủ tục đăng ký cơ sở xuất khẩu trước khi ký nghị định thư để thông tin tới các cơ sở đăng ký xuất khẩu các mặt hàng đang gặp khó khăn do quy định về quản lý động vật hoang dã của Trung Quốc;

VN sẽ thúc đẩy phía Trung Quốc sớm hoàn thành thủ tục nội bộ để ký kết Nghị định thư về xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên trong thời gian sớm nhất; giao Cục Thú y thúc đẩy phía Trung Quốc sớm hoàn thành thủ tục nội bộ để ký kết 2 nghị định thư trong thời gian sớm nhất là: Nghị định thư về xuất khẩu cá sấu nuôi và Nghị định thư về xuất khẩu khỉ nuôi từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Đồng thời, Bộ NN-PTNT giao Cục Bảo vệ thực vật đẩy nhanh thủ tục với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để sớm mở cửa ưu tiên các sản phẩm thực vật, trái cây tiềm năng, có giá trị xuất khẩu lớn trong năm 2024: bơ, dừa, sầu riêng đông lạnh, chanh leo...

Đến hết năm 2023, Việt Nam đã có 3.013 mã số doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc được cấp. Trong số đó, 1.570 mã số (chiếm 52%) là những nhóm ngành hàng có nguy cơ cao do 5 cơ quan thẩm quyền quản lý.

Số còn lại 1.443 mã số (chiếm 48%) do doanh nghiệp tự đăng ký theo Lệnh 248. Các nhóm ngành hàng nông sản thực phẩm được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chủ yếu là các sản phẩm thủy sản và sản phẩm có nguồn gốc thực vật.

Đối với Việt Nam có những ngành hàng đã xuất khẩu truyền thống sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên có những ngành hàng hiện nay đã ký thỏa thuận qua các nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhằm thúc đẩy như sản phẩm thủy sản, sản phẩm trái cây tươi, sản phẩm có nguồn gốc thực vật, sản phẩm có nguồn gốc động vật nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản thực phẩm.

Đặc biệt từ năm 2021, Trung Quốc đã ban hành 2 lệnh 248, 249 về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm và quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, trong thời gian vừa qua Trung Quốc đã phê duyệt cho Việt Nam hơn 3.000 mã sản phẩm cho các nhà máy chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc. Vì vậy, trong thời gian vừa qua việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc tương đối thuận lợi.

Với những triển vọng trên, các chuyên gia cho biết năm 2024 Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiềm năng và còn nhiều cơ hội rộng mở cho nông sản Việt tăng thị phần và giá trị xuất khẩu. Song, các doanh nghiệp, nông dân cũng cần phải tuân thủ về vùng trồng, cơ sở đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, đáp ứng toàn bộ hàng rào kỹ thuật. Chỉ một trong những tiêu chuẩn này chưa đạt, hàng hóa sẽ không được thông quan, khi đó sẽ là điểm trừ cho nông sản Việt.

Bài liên quan
Trung Quốc liên tục 'than' nông sản Việt không tuân thủ quy định
Tình trạng dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong các lô hàng xuất khẩu, không tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật... gây thiệt hại lớn cho nông sản Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
1 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Loạt tin vui cho nông sản Việt sang Trung Quốc thời gian tới