Năm 2023, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình kinh tế suy thoái, song với nhiều nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân nên huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) đã thực hiện đạt và vượt 16/16 chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết HĐND giao.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Huyện Trần Văn Thời vượt khó hoàn thành chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Trần Khải 22/01/2024 16:00

Năm 2023, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình kinh tế suy thoái, song với nhiều nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân nên huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) đã thực hiện đạt và vượt 16/16 chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết HĐND giao.

Hoàn thành 100%

Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương tiếp tục phát triển, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước phục hồi và có sự chuyển biến tích cực.

“Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khó dự báo, dự đoán chính xác, tác động của biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân, nhưng với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, cán bộ, nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn đã quyết tâm, nỗ lực, chung sức triển khai thực hiện đạt và vượt 16/16 chỉ tiêu so với Nghị quyết HĐND huyện giao”, ông Công nói.

anh-1-ha-tang-cua-huyen-tran-van-thoi-duoc-quan-tam-dau-tu.jpg
Hạ tầng của huyện Trần Văn Thời được quan tâm đầu tư phát triển

Theo lãnh đạo UBND huyện Trần Văn Thời, địa phương luôn xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, lấy đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, thoát nghèo bền vững làm mục tiêu phát triển. Trên cơ sở đó, huyện Trần Văn Thời đã xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển trong thời gian tới, đó là: tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế và kết quả đạt được trong năm 2023 của huyện; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động phù hợp với diễn biến tình hình chung và của địa phương, tạo sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng phục vụ những ngành sản xuất và dịch vụ có tiềm năng lợi thế, tác động thúc đẩy sự phát triển của huyện.

anh-2-vung-ngot-huyen-tran-van-thoi-chuyen-canh-cay-lua.jpg
Vùng chuyên canh lúa ở huyện Trần Văn Thời

Huyện đã giải quyết tốt các vấn đề kinh tế, văn hóa - xã hội; ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống; tập trung cao thực hiện chương trình chuyển đổi số; nâng cao trách nhiệm, năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở; tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; tập trung mọi nguồn lực thực hiện hoàn thành nhiệm vụ theo đề án “Xây dựng huyện Trần Văn Thời đạt chuẩn nông thôn mới”, đô thị văn minh; chỉ đạo thực hiện kịp thời, có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Theo UBND huyện Trần Văn Thời, toàn huyện được chia làm 3 vùng sản xuất gồm: vùng Bắc Cà Mau sản xuất theo hệ sinh thái ngọt khoảng 50.000ha; vùng Nam Cà Mau chuyển dịch theo hướng trồng một vụ lúa trên đất nuôi tôm, chuyên tôm khoảng 17.000ha và vùng kinh tế biển ven biển của tỉnh.

anh-3-dien-mao-nong-thon-o-xa-khanh-binh-dong-huyen-tran-van-thoi.jpg
Đường nông thôn sạch đẹp rộng rãi ở xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời

Đặc biệt, huyện sở hữu tiềm năng, lợi thế dồi dào cho phát triển nông - ngư - lâm nghiệp, trong đó diện tích sản xuất lúa 2 vụ hằng năm được 28.900ha, lúa - tôm trên 2.000ha, lúa 1 vụ 350ha, sản lượng lúa đạt trên 300.000 tấn/năm.

“Lợi thế về vị trí địa lý kinh tế nổi bật của huyện Trần Văn Thời là có chiều dài bờ biển 34km với nhiều cửa sông thông ra biển như: Sông Đốc, Đá Bạc, Ba Tỉnh, Kinh Tư, Sào Lưới, Bảy Ghe, Kinh Mới…, đặc biệt Sông Đốc là cửa biển lớn, đóng vai trò là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề khai thác biển cho nhiều tàu cá trong và ngoài tỉnh; hình thành một trung tâm kinh tế biển tương đối phát triển ở trong tỉnh Cà Mau và cả vùng ĐBSCL”, ông Công cho biết.

Với lợi thế về biển, nên huyện Trần Văn Thời đã duy trì và phát huy có hiệu quả đội tàu khai thác xa bờ, bám biển dài ngày, gắn với bảo vệ ngư trường và chủ quyền biển đảo. Hơn 1.961 phương tiện khai thác, đánh bắt thủy sản và chuyên dịch vụ hậu cần nghề cá, giúp cho nghề khai thác thủy sản ở địa phương giảm bớt chi phí, tăng lợi nhuận cho ngư dân. Các dự án đầu tư phục vụ cho khai thác thủy sản và hậu cần nghề cá đang được các nhà đầu tư quan tâm triển khai thực hiện trên địa bàn. Ngành thủy sản đã góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế của huyện, tạo điều kiện phát triển các lĩnh vực khác như: xây dựng - công nghiệp, thương mại - dịch vụ, giải quyết nhiều việc làm.

Phát huy tiềm năng thế mạnh

Huyện Trần Văn Thời cũng là một trong những địa phương có tiềm năng du lịch lớn của tỉnh Cà Mau với nhiều loại hình du lịch đa dạng như: du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch lịch sử nhân văn, du lịch văn hóa vật thể và phi vật thể (thưởng thức đờn ca tài tử, lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc, lễ hội Kỳ Yên đình thần Phong Lạc, tìm hiểu văn hóa dân gian, nghe kể chuyện bác Ba Phi...). Một số tuyến du lịch trong tỉnh hiện nay cũng đang khai thác đến các điểm du lịch của huyện như: tuyến Cà Mau - Vườn quốc gia U Minh hạ (Vồ Dơi) - Hòn Đá Bạc; tuyến Cà Mau - Rạch Ráng - Sông Đốc.

anh-4-nguoi-dan-cat-tai-cay-xanh-tao-canh-dep-vung-que.jpg
Chăm chút tạo cảnh đẹp quê hương

Để phát huy thế mạnh của địa phương, theo ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời: “Huyện tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp; chú trọng phát triển kinh tế biển. Quản lý chặt chẽ tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, địa phương đang xúc tiến hoàn thành các thủ tục liên quan đề xuất UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng điểm du lịch Khu di tích Bác Ba Phi tại xã Khánh Hải; đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đóng vai trò động lực phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện, đặc biệt là phát triển khu công nghiệp Sông Đốc. Tập trung vào phát triển công nghiệp chế biến thủy sản, nông sản, lâm sản, công nghiệp cơ khí sửa chữa tàu thuyền…”.

anh-5-tai-nguyen-du-lich-sinh-thai-o-huyen-tran-van-thoi-con-nhieu-tiem-nang-can-khai-thac.jpg
Tài nguyên du lịch sinh thái ở huyện Trần Văn Thời còn nhiều tiềm năng cần khai thác

Những kết quả đạt được trong năm 2023 đã giúp đời sống, kinh tế, thu nhập của người dân địa phương nhiều thay đổi. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của huyện đạt hơn 57 triệu đồng, tăng hơn 3,6% so với năm 2022.

“Theo quy hoạch tỉnh, trong thời gian tới sẽ phát triển thị trấn Sông Đốc trở thành một đô thị ven biển sinh thái và hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, là đô thị kinh tế biển, động lực của tiểu vùng ven biển phía tây. Trên cơ sở quy hoạch tỉnh Cà Mau vừa được Chính phủ phê duyệt, huyện Trần Văn Thời bám sát định hướng quy hoạch, quyết tâm xây dựng thị trấn Sông Đốc là đô thị loại 3 trực thuộc tỉnh Cà Mau; phát triển Sông Đốc sẽ là đô thị sông nước, ven biển có bản sắc riêng. Đô thị Sông Đốc sẽ là trung tâm về các cơ sở hạ tầng và dịch vụ kinh tế biển; có cấu trúc không gian đô thị hài hòa cảnh quan sông nước, phát huy lợi thế của từng khu vực để đầu tư hiệu quả và phát triển mạnh về kinh tế.

Đáng mừng, cuối tháng 12.2023 cầu Sông Đốc đã được khánh thành, đưa vào khai thác, sử dụng tạo sự kết nối quan trọng với tuyến đường trục đông - tây và cầu Gành Hào (hiện đang thi công), hình thành nên hệ thống giao thông đường bộ liên hoàn từ đông sang tây; tạo trục đường ngang kết nối giữa hai cửa biển quy mô lớn của khu vực ĐBSCL là cửa biển Sông Đốc (Cà Mau) và cửa biển Gành Hào (Bạc Liêu), góp phần tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội phục vụ phát triển kinh tế biển của huyện Trần Văn Thời nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung.

anh-6-cau-ong-doc-bat-qua-song-ong-doc-duoc-dua-vao-su-dung-tao-dong-luc-thuc-day-kinh-te-xa-hoi-cua-huyen-tran-van-thoi.jpg
Cầu Ông Đốc bắt qua sông Ông Đốc được đưa vào sử dụng tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Trần Văn Thời

Hiện diện mạo của đô thị Sông Đốc đã được đổi thay qua từng ngày, đặc biệt là khi cầu bắc ngang sông Ông Đốc được thông xe kỹ thuật, tạo điều kiện cho người dân địa phương đi lại dễ dàng, không còn cảnh “qua sông phải lụy phà”; đồng thời giúp các phương tiện vận tải hàng thủy sản lưu thông thuận tiện, góp phần rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh của thị trường, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Công nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
6 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Huyện Trần Văn Thời vượt khó hoàn thành chỉ tiêu kinh tế - xã hội