Dù về cùng nhà với Vietnam Airlines nhưng tình hình kinh doanh của Pacific Airlines vẫn liên tục thua lỗ. Vì vậy, hãng bay này sẽ tạm ngừng khai thác các đường bay từ ngày 18.3.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Liên tục thua lỗ, Pacific Airlines trả toàn bộ tàu bay để xóa nợ

Tuyết Nhung 20:27 19/03/2024

Dù về cùng nhà với Vietnam Airlines nhưng tình hình kinh doanh của Pacific Airlines vẫn liên tục thua lỗ. Vì vậy, hãng bay này sẽ tạm ngừng khai thác các đường bay từ ngày 18.3.

Hãng bay giá rẻ thua lỗ ra sao?

Ra đời từ năm 1991, Pacific Airlines là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ đầu những năm 2000, kết quả kinh doanh không khả quan, Pacific Airlines liên tục báo lỗ.

pacific-airlines.jpeg

Đến tháng 4.2007, hãng hàng không này bất ngờ được hãng hàng không đến từ Australia Qantas Airways rót vốn, ký hợp đồng đầu tư với SCIC mua lại 30% cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược. Khi đó, Qantas Airways tham vọng đưa hãng hàng không giá rẻ của riêng mình là Jetstar Airways xuất hiện trên bản đồ châu Á.

Theo thỏa thuận ban đầu, Qantas sẽ đầu tư 50 triệu USD để được sở hữu 18% cổ phần của Pacific Airlines, sau đó sẽ đầu tư thêm để được sở hữu 30%. Nhờ số tiền này mà Pacific Airlines có thể cắt lỗ, nhưng phải đổi tên thành Jetstar Pacific Airlines.

Dù được đầu tư mạnh tay, hãng bay mất nhiều thời gian và tài chính khắc phục hậu quả của nhiều năm lỗ liên tiếp, hãng phải tái cơ cấu sở hữu và rà soát lại toàn bộ hoạt động. Đến cuối năm 2011, Jetstar Pacific chỉ chiếm khoảng 17% thị phần hàng không nội địa tại Việt Nam.

Cũng trong năm 2011, Vietnam Airlines đã nhận quyền đại diện phần vốn Nhà nước của Jetstar Pacific từ SCIC với gần 69% cổ phần và một lần nữa trở thành công ty mẹ của hãng hàng không này.

Sau quá trình tái cơ cấu của Vietnam Airlines, Jetstar Pacific có lãi 2 năm liên tiếp vào 2018 và 2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, Pacific Airlines lại trở về đà thua lỗ của mình.

Tháng 10.2020, Qantas Group thực hiện các thủ tục rút khỏi Pacific Airlines và chuyển giao lại 30% cổ phần cho Vietnam Airlines theo hình thức tặng lại.

Theo báo cáo thường niên của Vietnam Airlines, trong năm 2022, Pacific Airlines ghi nhận tổng doanh thu năm 2022 gần 3.487 tỉ đồng, lỗ trước thuế 2.096 tỉ đồng, giảm lỗ 212 tỉ đồng so với năm 2021.

Giai đoạn 2009-2022, Pacific Airlines chỉ có lãi 3 năm trong khi 11 năm còn lại thua lỗ. Từ giai đoạn sau COVID-19, hãng này lỗ 3 năm ở mức trên 2.000 tỉ đồng/năm. Ước tính hiện lỗ lũy kế của Pacific Airlines đến cuối năm 2022 đã lên hơn 10.700 tỉ và vốn chủ âm 6.700 tỉ đồng.

Với việc kinh doanh không hiệu quả, kể từ đầu năm 2022 Vietnam Airlines đã thông báo rộng rãi về việc tìm kiếm nhà đầu tư quan tâm đến quá trình tái cơ cấu cổ đông Pacific Airlines. Tuy nhiên quy trình lựa chọn nhà đầu tư gặp rất nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách theo các quy định hiện hành đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Phải trả lại toàn bộ tàu bay để xóa nợ

Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng trao đổi với báo chí cho biết, hãng hàng không Pacific Airlines thuộc Vietnam Airlines Group đã phải trả toàn bộ tàu bay để tái cơ cấu các khoản nợ. Tuy nhiên, hãng vẫn sẽ hoạt động dưới tình trạng thuê máy bay để bay chứ không ngừng hoạt động hay phá sản.

"Trước mắt, toàn bộ khách của Pacific Airlines sẽ bay chung với Vietnam Airlines. Sau đó, hãng sẽ thuê khô (chỉ thuê máy bay) của Vietnam Airlines để sử dụng tạm. Việc trả máy bay đã nằm trong dự liệu của hãng, mọi quyền lợi của khách hàng vẫn được đảm bảo", ông Đinh Việt Thắng cho hay.

Đại diện Pacific Airlines cho biết hãng đang tiến hành tái cấu trúc đội bay và mạng đường bay để đảm bảo và gia tăng hiệu quả hoạt động. Trong thời gian này, một số đường bay có thể thay đổi kế hoạch hoặc tạm dừng khai thác. Lịch bay của hãng sẽ được phục hồi và sớm trở lại ổn định trong thời gian tới.

Thời gian qua, lãnh đạo Pacific Airlines liên tiếp đàm phán để giãn, hoãn nợ với chủ tàu bay, cơ bản đã đạt nhiều thỏa thuận quan trọng, giảm áp lực nợ. Dù rất cố gắng duy trì, song hoạt động kinh doanh không khởi sắc nên hãng rơi vào thua lỗ nặng.

Do tình hình tài chính rất nghiêm trọng, dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán nên Vietnam Airlines cùng các cổ đông đã đi tới quyết định trả hết toàn bộ đội tàu bay của Pacific Airlines để xóa nợ. Ngày 18.3 cũng là ngày chiếc máy bay cuối cùng của hãng rời khỏi Việt Nam.

Đại diện Pacific Airlines cho biết thời gian qua, hãng đã có lộ trình giảm máy bay để tái cấu trúc đội bay và mạng đường bay, tăng hiệu quả hoạt động. Về lý do hãng ngưng khai thác là do thiếu hụt dòng tiền, bên cho thuê máy bay gây áp lực đòi trả nợ nên hãng trả máy bay để cắt lỗ.

Khi số lượng đội bay giảm, lượng vé bán ra không nhiều trên các chặng bay. Vé của hãng bán trên hệ thống của Vietnam Airlines nên việc xử lý các chuyến bay thuận lợi do đội ngũ nhân viên, phương tiện, dịch vụ mặt đất có sẵn. Đội bay của Vietnam Airlines với gần 100 chiếc, đường phủ khắp cả nước nên hành khách hoàn toàn yên tâm về hành trình và lịch trình đi lại.

"Hãng đã xây dựng và triển khai phương án đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho hành khách. Những hành khách bị ảnh hưởng sẽ được thông báo lịch bay mới hoặc chuyển sang các chuyến bay của Vietnam Airlines", vị đại diện thông tin

Bài liên quan
Hãng bay Pacific Airlines trước nguy cơ dừng hoạt động
Hiện tình hình tài chính của hãng Pacific Airlines đang rất nghiêm trọng, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán và có nguy cơ chấm dứt hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liên tục thua lỗ, Pacific Airlines trả toàn bộ tàu bay để xóa nợ