Lệnh cấm Huawei mua bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ sẽ có hiệu lực kể từ hôm nay 15.9. Động thái trừng phạt của Mỹ lên Huawei không chỉ tác động đến các công ty công nghệ Trung Quốc mà còn kéo theo nhiều hệ lụy tới ngành công nghiệp toàn cầu.

Lệnh cấm Huawei của Mỹ ảnh hưởng thế nào đến ngành công nghệ toàn cầu

15/09/2020, 14:09

Lệnh cấm Huawei mua bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ sẽ có hiệu lực kể từ hôm nay 15.9. Động thái trừng phạt của Mỹ lên Huawei không chỉ tác động đến các công ty công nghệ Trung Quốc mà còn kéo theo nhiều hệ lụy tới ngành công nghiệp toàn cầu.

Huawei đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trước sự kìm kẹp của Mỹ - Ảnh: Reuters

Từ hôm nay 15.9, tất cả nhà cung cấp của Huawei trên khắp thế giới sẽ phải dừng bán hàng cho Huawei nếu sản phẩm của họ chứa công nghệ Mỹ. Đây là lệnh thực thi theo thông báo đã được Bộ Thương mại Mỹ nêu ra từ hôm 17.8 khi Washington siết chặt các hạn chế đối với việc Huawei tiếp cận công nghệ của nước này. Theo Bộ Thương mại Mỹ, các nhà cung cấp của Huawei trên khắp thế giới nếu muốn tiếp tục làm ăn với công ty công nghệ của Trung Quốc, cần xin được giấy phép từ Bộ.

Sự vươn lên mạnh mẽ của Huawei với tư cách nhà sản xuất thiết bị viễn thông và điện thoại thông minh (smartphone) lớn nhất thế giới trong suốt thập niên qua đang đứng trước nguy cơ đứng chững lại. Các linh kiện quan trọng với Huawei từ vật liệu bán dẫn chủ chốt, màn hình, ống kính máy ảnh đến bảng mạch in đều rơi vào thế khó. Huawei đã dự trữ các loại chip cần thiết từ cuối năm 2018, nhưng chưa rõ liệu hãng đã trữ đủ linh kiện điện tử, như màn hình tiên tiến hay ống kính máy ảnh cho điện thoại hay không.

Trong nội bộ gã khổng lồ công nghệ lớn nhất Trung Quốc - với đội ngũ hơn 190.000 nhân viên và doanh thu trên 850 tỉ nhân dân tệ (124 tỉ USD) - có nguy cơ mất nhân tài. Huawei đã bị mất hàng trăm nhân viên giỏi vào tay các đối thủ.

"Đội ngũ phát triển chip của Huawei, những người từng làm việc quên ngày đêm, giờ đột nhiên có cường độ làm việc dễ thở. Các nhân viên đang chờ đợi công ty giao xuống những nhiệm vụ quan trọng tiếp theo, nhưng họ cũng nhận thấy nhiều điều bất ổn phía trước”, một quan chức điều hành ngành sản xuất chip tiết lộ.

Số phận của Huawei không chỉ ảnh hưởng tới riêng bản thân công ty này mà còn tác động tới cả ngành công nghiệp công nghệ nói chung. Các nhà cung cấp phải điều chỉnh trước việc mất một khách hàng lớn. Trong khi các đối thủ về thiết bị viễn thông và điện tử tiêu dùng, như Apple, Samsung Electronics, Xiaomi, Oppo, Vivo, Ericsson và Nokia, đã sẵn sàng giành giật thị phần. Ngoài ra, những công ty mua thiết bị 5G từ Huawei phải tìm kiếm giải pháp thay thế. Do đó, chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu trở nên bị xáo trộn.

Làm thế nào và tại sao Mỹ lại trừng phạt Huawei?

Sự phát triển mạnh mẽ của Huawei và mối liên hệ “mập mờ” với chính phủ Trung Quốc từ lâu đã trở thành mối quan ngại của Mỹ. Nhưng căng thẳng chỉ thực leo thang đáng kể dưới thời Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là kể từ khi Giám đốc tài chính của Huawei Mạnh Vãn Châu - ái nữ của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi - bị bắt tại Canada theo đề nghị của Mỹ, với cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran vào cuối năm 2018.

Đáng chú ý, chính phủ Mỹ tháng 5 năm ngoái đã chính thức liệt Huawei vào danh sách đen thương mại nhằm hạn chế việc hãng này sử dụng các công nghệ của Mỹ, đồng thời yêu cầu những nhà cung cấp là doanh nghiệp Mỹ chỉ được phép bán hàng cho Huawei khi được chính phủ chấp thuận.

Tháng 5 năm nay, Washington siết chặt thêm lệnh trừng phạt, yêu cầu tất cả các nhà sản xuất không phải doanh nghiệp Mỹ không được sản xuất bất kỳ linh kiện nào cho cả Huawei nếu linh kiện đó sử dụng thiết bị và công nghệ Mỹ. Mỹ cũng đã phát động làn sóng đàn áp thứ 3 đối với Huawei vào tháng trước. Theo đó, tất cả các nhà cung cấp sử dụng công nghệ của Mỹ sẽ bị cấm bán linh kiện cho Huawei khi chưa được cấp giấy phép.

Đã có công ty nào xin giấy phép chưa và khả năng được chấp thuận như thế nào?

Dù một số công ty tiết lộ họ mong muốn có được giấy phép từ Mỹ để kinh doanh với Huawei nhưng cho đến nay đây vẫn là câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp.

Sau khi Huawei bị liệt vào danh sách đen thương mại, hầu hết nhà sản xuất chip của Mỹ đã dừng các lô hàng, nhưng một số khác, trong đó có Qualcomm và Intel, đã thông báo nối lại giao thương sau khi được Chính phủ Mỹ cấp giấy phép cho một số sản phẩm nhất định.

Khi mọi chuyện ổn thỏa, MediaTek của Đài Loan, nhà phát triển chip di động lớn thứ hai thế giới sau Qualcomm, cũng đã xác nhận rằng đơn vị này đã nộp hồ sơ xin cấp giấy phép để nối lại một số hoạt động kinh doanh với Huawei. Trong khi đó, Samsung Electronics, Samsung Display và SK Hynix cũng được cho là đã nộp đơn xin cấp giấy phép. Thế nhưng TSMC - công ty chế tạo chất bán dẫn Đài Loan - vẫn chưa tiết lộ liệu hãng có ý định tìm kiếm sự đồng thuận của Washington hay không.

Theo giới chuyên gia về luật, do Mỹ đã sửa đổi quy tắc kiểm soát xuất khẩu của mình, do đó những công ty từng được cấp giấy phép bán hàng cho Huawei cần làm thủ tục xin cấp lại.

Mảng smartphone của Huawei sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

Trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại thông minh, Huawei cho đến nay đã phần nào khẳng định được khả năng phục hồi trước các chế tài của Mỹ. Trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, Huawei thậm chí đã vượt mặt Samsung để trở thành hãng bán điện thoại thông minh lớn nhất thế giới. Nhưng các vấn đề đang ngày càng chồng chất.

Loạt chip Kirin của Huawei được lắp đặt bên trong các chiếc điện thoại thông minh hàng đầu và được coi là biểu tượng cho năng lực đổi mới của hãng, có khả năng bị xóa sổ do lệnh cấm của Mỹ. Huawei tuần này cho biết họ sẽ bắt đầu sử dụng hệ điều hành HarmonyOS 2.0 của riêng mình cho dòng điện thoại thông minh từ năm sau. Điều này cho thấy Huawei không còn tiếp tục nung nấu hy vọng hợp tác lại với Google về hệ điều hành Anroid cũng như ngầm thừa nhận tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp chip sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán điện thoại thông minh của hãng.

Huawei đã gặp khó tại thị trường châu Âu, nơi doanh số bán hàng của hãng giảm 16% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, trong khi Samsung và Xiaomi lần lượt đạt mức tăng trưởng 20 và 48% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu thống kê của công ty nghiên cứu Canalays.

"Samsung đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ khi Huawei bị Mỹ kìm kẹp, họ đã ngầm xây dựng vị thế như một phương án thay thế ổn định trong những hoạt động giao thương với các nhà bán lẻ và đơn vị kinh doanh quan trọng", một nhà phân tích của Canalays nhận định.

Một số chuyên gia khác cũng dự đoán Huawei sẽ dần mất đi thị phần, ngay cả ở Trung Quốc... sau ngày 15.9. Dự báo doanh số smartphone của hãng này thậm chí có thể giảm sâu từ con số 195 triệu máy trong năm nay và 240 triệu máy trong năm 2019, xuống còn vẻn vẹn 50 triệu vào năm tới, nếu Mỹ không có động thái nới lỏng lệnh trừng phạt.

Mả​ng kinh doanh của Huawei bị ảnh hưởng thế nào?

Mảng kinh doanh thiết bị viễn thông vốn được coi là trụ cột của Huawei, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các nhà mạng lớn của Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng 5G trong thời gian qua. Huawei đã đã chuẩn bị các linh kiện cần thiết trước ít nhất một năm trời. Tuy nhiên, tốc độ lắp đặt 5G ở Trung Quốc đã chậm lại khi Huawei đẩy nhanh tái thiết kế và loại bỏ càng nhiều linh kiện Mỹ khỏi các sản phẩm của mình càng tốt. Tuy nhiêu nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Anh, đã hạn chế sử dụng thiết bị của hãng này.

"Tính đến nay, Huawei là nhà cung cấp thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới và do đó công ty cũng là khách hàng tiêu thụ linh kiện lớn nhất của bất kỳ nhà cung cấp nào trong hệ sinh thái... Dự kiến Huawei sẽ hứng chịu thiệt hại tài sản thế chấp rất lớn", Stephane Teral, nhà phân tích viễn thông kỳ cựu tại LightCounting Market Research, dự báo.

Huawei hiện đang chiếm khoảng 28% thị trường thiết bị viễn thông. Nếu tập đoàn không thể duy trì doanh số bán hàng hay tiếp tục cung ứng, rõ ràng bên hưởng lợi có thể là Samsung, Ericsson và Nokia, cũng như một số nhà cung cấp đến từ Nhật Bản như NEC và Fujitsu.

Theo ông Teral, dù Samsung là một cái tên mới trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị mạng và viễn thông nhưng hãng này được đáng giá là đầy năng nổ và sẽ là bên được hưởng lợi nhiều nhất do đã giành được thị phần ở các thị trường quan trọng như Nhật Bản và Mỹ, đồng thời có được sức hút ở nhiều thị trường khác.

Cơ hội nào cho các đối thủ của Huawei?

Samsung - đối thủ lớn nhất của Huawei trong lĩnh vực điện thoại thông minh - đã rất tích cực ra mắt thêm nhiều sản phẩm mới. Hãng đã mở bán Galaxy Z Fold2 (smartphone màn hình gập thế hệ thứ 2) tại nhiều nơi, trong đó có Đài Loan, trong khi điện thooại màn hình gập của Huawei vẫn chỉ được bày bán tại Trung Quốc. Trong khi đó, những thương hiệu đến từ Trung Quốc như Xiaomi, Oppo và Realme cũng đang dần mở rộng thị phần của mình tại thị trường châu Âu.

"Xiaomi hoạt động vô cùng tích cực ở nước ngoài kể từ khi Huawei thống trị thị trường trong nước. Nhưng Xiaomi có tiềm năng giành lại thị phần ở Trung Quốc khi Huawei không thể tung ra nhiều mẫu điện thoại thông minh như trước đây", Chiu Shih-fang, một nhà phân tích đến từ Viện Nghiên cứu kinh tế Đài Loan nhận định.

Tập đoàng công nghệ Apple của Mỹ cũng không để tuột mất cơ hội này. Mặc dù việc sản xuất iPhone 5G bị trì hoãn, Apple dự kiến ra mắt một loạt sản phẩm mới vào ngày 15.9, đồng thời yêu cầu các bên cung cấp chuẩn bị đầy đủ linh kiện cho 80 triệu iPhone thế hệ tiếp theo. Đây được đánh giá là một tín hiệu dự báo tương lai vô cùng lạc quan của hãng.

Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, tất cả đối thủ của Huawei - từ Samsung, Oppo, Vivo và Xiaomi cho đến Apple - đều hy vọng mỗi bên sẽ giành được "20 đến 30 triệu khách hàng" từ tay Huawei. Samsung và Xiaomi đang tỏ ra tích cực hơn những đối thủ khác khi đặt nhiều đơn hàng với chuỗi cung ứng hơn.

Số phận Huawei có thể thay đổi ra sao sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ?

Dù ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden hay Tổng thống đương nhiệm Donald Trunp chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng vào ngày 3.11 tới, nhiều người vẫn tin rằng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn khi 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới cạnh tranh để giành vị trí “bá chủ” về lĩnh vực công nghệ.

Joe Biden đã đưa ra lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc thể hiện qua trọng tâm của chiến dịch tranh cử của mình, trong đó nêu bật các chính sách kiềm chế sức mạnh và ảnh hưởng kinh tế Trung Quốc, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ bao gồm cả 5G và trí tuệ nhân tạo.

Nếu đắc cử, Biden cho biết ông sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh trong việc xây dựng mặt trận thống nhất, nhằm gây áp lực với Trung Quốc trong các vấn đề khác nhau, nhưng sẵn sàng ngồi vào bàn hợp tác với Bắc Kinh để giải quyết những thách thức toàn cầu.

Nhiều nhà quan sát thị trường và giám đốc điều hành trong ngành tin rằng, chính quyền Mỹ dưới thời ông Biden sẽ có nhiều cơ hội đối thoại hơn với Trung Quốc và thậm chí nới lỏng lệnh cấm đối với một số sản phẩm điện tử tiêu dùng ít liên quan đến an ninh quốc gia và các lĩnh vực quan trọng như mạng lõi 5G và trí tuệ nhân tạo.

Trang Nhung (theo Nikkei)

Bài liên quan
Siêu máy tính Trung Quốc đứng đầu danh sách hiệu suất điện toán AI toàn cầu
Do các nhà khoa học quân sự Trung Quốc chế tạo, siêu máy tính Tianhe một lần nữa đứng đầu trong cuộc thử nghiệm quốc tế về hiệu suất điện toán trí tuệ nhân tạo (AI).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lệnh cấm Huawei của Mỹ ảnh hưởng thế nào đến ngành công nghệ toàn cầu