Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, quá trình chuyển đổi số, tăng trưởng xanh của Việt Nam phải lấy người dân là trung tâm, chủ thể, động lực và nguồn lực.

Lấy người dân làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi số

Thu Anh | 14/06/2023, 20:10

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, quá trình chuyển đổi số, tăng trưởng xanh của Việt Nam phải lấy người dân là trung tâm, chủ thể, động lực và nguồn lực.

Phát triển KH-CN đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Tại phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0 năm 2023 (Industry 4.0 Summit 2023) diễn ra chiều 14.6 ở Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Đối với Việt Nam, Chính phủ đã chủ động thích ứng, đổi mới để phát triển.

ggl00280.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: BTC

Để đẩy nhanh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị bám sát các yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ sẽ ban hành tới đây để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Giai đoạn 2021-2030 chính phủ tập trung chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ KH-CN, đổi mới sáng tạo, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; thực hiện chuyển đổi số; chuyển đổi xanh. Giai đoạn 2031-2045, tập trung nâng cao chất lượng công nghiệp hóa và đẩy mạnh hiện đại hóa toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội.

Theo Thủ tướng, Việt Nam phải xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường; phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trong đó thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Quá trình chuyển đổi số, tăng trưởng xanh của Việt Nam phải lấy người dân là trung tâm, chủ thể, động lực và nguồn lực và do con người Việt Nam thực hiện là chính". Tuy nhiên, việc phát triển này cũng không thể thiếu sự hợp tác quốc tế, trong đó có kinh nghiệm về xây dựng, hoàn thiện thể chế, nguồn lực tài chính, công nghệ hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực và khoa học quản trị.

ggl00945.jpg
Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 năm 2023 tại Hà Nội - Ảnh: BTC

Thủ tướng đề nghị, sau diễn đàn này, các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực, biến khát vọng thành việc làm, hành động cụ thể để tiếp tục phấn đấu, đạt được những bước tiến mới góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

Triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn

Trong khuôn khổ Industry 4.0 Summit, tại phiên hội thảo chuyên đề “Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng Make in Vietnam”, đại diện Tổng công ty Công nghệ và giải pháp CMC cho biết 5 lĩnh vực trên toàn cầu ứng dụng hiệu quả IoT hàng đầu là: Công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, tài chính, y tế.

Theo chuyên gia CMC, ứng dụng IoT vào sản xuất tại Việt Nam hiện đang ở giai đoạn phát triển nhất khi nguồn nhân lực có trình độ dồi dào, một số mô hình sản xuất đã ứng dụng thành công IoT...

ggl00284.jpg
Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo - Ảnh: BTC

Trong hội thảo chuyên đề “Xu hướng công nghệ và giải pháp phát triển ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết Quy hoạch điện 8 đã xác định mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm (giai đoạn 2021-2030), khoảng 6,5 - 7,5%/năm (giai đoạn 2031-2050)…

Theo ông Hiển, các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến ngành công nghiệp năng lượng đã được Quy hoạch điện 8 đề ra. Cụ thể là hình thành các trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo, tạo lập hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo hoàn chỉnh, gắn với sản xuất chế tạo, dịch vụ phụ trợ, các khu công nghiệp tập trung.

Tập trung phát triển ngành công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ điện năng, công nghệ thu hồi, hấp thụ, lưu trữ và sử dụng carbon... trong nước để chủ động khai thác tiềm năng của nước ta, tăng tính độc lập tự chủ, giảm giá thành sản xuất điện từ năng lượng tái tạo…

ggl00177.jpg
Quang cảnh triển lãm quốc tế tại diễn đàn 

Để đạt được mục tiêu của ngành năng lượng vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ông Hiển cho rằng cần thiết phải sớm có những cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam trong bối cảnh mới.

Đặc biệt, cần nâng cao năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp năng lượng thuộc mọi thành phần kinh tế; từ đó tạo ra sự chủ động về năng lượng cho Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ngoài ra, ông Hiển cũng nhắc tới nội dung triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ để đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Bài liên quan
Industry 4.0 Summit 2023: Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
Industry 4.0 Summit 2023 có chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục
6 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng đồng ý với phương án Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 9 ngày liên tục.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lấy người dân làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi số