Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump mắng nhau là “nguyên thủ mất trí và hiếu chiến”, nhưng các nhà phân tích nói hai vị lãnh đạo Mỹ - Triều ưng "diễn kịch" hơn là hành động quân sự.

Lãnh đạo Mỹ - Triều ưng ‘diễn kịch’ hơn hành động quân sự thật

11/08/2017, 17:40

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump mắng nhau là “nguyên thủ mất trí và hiếu chiến”, nhưng các nhà phân tích nói hai vị lãnh đạo Mỹ - Triều ưng "diễn kịch" hơn là hành động quân sự.

Dân Triều Tiên biểu tình chống Mỹ - Ảnh: Reuters

Sau nhiều tháng phô trương lực lượng, cả ông Kim Jong-un lẫn ông Donald Trump đều chưa ngưng nói mạnh về vụ căng thẳng hạt nhân, nhưng người theo dõi kỹ cuộc khủng hoảng nhận định nhiều khả năng hai lãnh đạo sẽ phải miễn cưỡng tìm tiếng nói chung thay vì gây chiến tranh tổng lực.

Dù Triều Tiên tuyên bố sẽ tấn công “trùm lửa” đảo Guam, nhà phân tích tình báo Joseph Bermudez hôm 10.8 nhấn mạnh: vị lãnh đạo trẻ tuổi nhất thế giới, ông Kim Jong-un đang cố gắng lãnh đạo Triều Tiên trong khi đối phó một chính phủ Mỹ cực kỳ thù địch.

Trong một cuộc hội thảo qua điện thoại của tổ chức 38 Vĩ độ Bắc (theo dõi tình hình Triều Tiên) mà ông là một cộng tác viên thường trực, Bermudez nói: “Kim Jong-un không phải người ngốc. Ông rất thông minh. Ông ấy có nét riêng. Ông ấy có thể không có kinh nghiệm quốc tế. Nhưng chúng ta phải nhớ ông ta là lãnh đạo một quốc gia mạnh về quân sự, làm việc theo nhiều yêu cầu khác nhau hơn cả các nước khác, các lãnh đạo khác. Ông ấy và các cố vấn hành động theo những gì họ tin là tốt nhất cho đất nước của họ”.

Đã hơn 6 năm từ khi ông Kim Jong-un lãnh đạo Triều Tiên, và các nhà phân tích ghi nhận đã có những thay đổi nhỏ trong nền kinh tế, và có dấu hiệu vị lãnh đạo trẻ muốn nghe ý kiến của nhiều chuyên gia Triều Tiên.

Robert Carlin, nhà nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu hợp tác - an ninh quốc tế (thuộc Đại học Stanford) và từng là một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách Đông Bắc Á, nói: Sự thay đổi thái độ xem ra giúp ông Kim có những thành tựu về quân sự, khi các nhà khoa học Triều Tiên không còn sợ “bị xử tử vì thất bại trong nghiên cứu theo chỉ đạo của lãnh đạo”.

Cố Chủ tịch Kim Jong-il là người chỉ đạo vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên hồi năm 2006, nhưng người con út Kim Jong-un đã cho thử thành công hai quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong tháng 7, lần đầu tiên đặt nước Mỹ vào tầm bắn.

Các phân tích sâu cho thấy Triều Tiên nỗ lực thu nhỏ khoảng 60 đầu đạn hạt nhân để ráp lên các quả ICBM.

Sự phát triển vũ khí hạt nhân và đạn đạo của Triều Tiên khiến Mỹ khó chịu, xem các tên lửa ICBM là mối đe dọa toàn cầu.

Khi có tin Triều Tiên chuẩn bị thử vũ khí hạt nhân lần thứ 6 hồi tháng 5, Tổng thống Trump cử hạm đội hải quân đến bán đảo Triều Tiên để tập trận chung với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Dù không phô trương khả năng hạt nhân, việc Triều Tiên liên tục phóng tên lửa đạn đạo tầm trung bình và hai quả ICBM đã khiến tăng căng thẳng giữa hai ông Kim Jong-un và Trump.

Vài giờ sau khi ông Trump dọa trút "lửa thịnh nộ" đe dọa Triều Tiên hôm 8.8, quân đội Triều Tiên công khai kế hoạch tấn công đảo Guam.

Nhà phân tích Carlin nói đó là một động thái nhằm “bi kịch hóa”, thay vì phát động chiến tranh.

Các ông Carlin, Bermudez và Joel Wit (người lập 38 Vĩ độ Bắc) đều lưu ý: theo phân tích của họ, Bình Nhưỡng không tổng động viên dân Triều Tiên, dù đó là điều họ cho là sẽ xảy ra nếu sắp có chiến tranh.

Như thế ngược với hồi tháng 8.2015, khi ông Kim Jong-un đặt Triều Tiên trong "tình trạng nửa chiến tranh", lúc xảy ra vụ đấu pháo giữa hai miền Triều - Hàn.

Hiện xem ra cuộc sống ở Triều Tiên vẫn bình thường, dù ông Kim Jong-un liên tục dọa nạt vị lãnh đạo Mỹ.

Và xem ra Mỹ cũng hoạt động ngược với những tuyên bố hung hăng. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 9.8 nói tuyên bố của ông Trump là “thông điệp mạnh mẽ đến Triều Tiên, với một ngôn ngữ để Kim Jong-un có thể hiểu được, vì xem ra ông ta không hiểu ngôn ngữ ngoại giao”.

Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry dự báo: cuộc khẩu chiến Mỹ - Triều ngày càng hung hăng, Mỹ - Triều đang hướng đến một cuộc chiến tranh, khiến hàng triệu người chết.

Ông Perry từng đến Bình Nhưỡng để đàm phán với chính phủ Triều Tiên suốt nhiều năm, sau khi được Tổng thống Bill Clinton giao nhiệm vụ đặc sứ Mỹ năm 1999.

Đấy là một chuyến đi hiếm có đối với một quan chức Mỹ, với nhiệm vụ đạt được một thỏa thuận để Triều Tiên ngưng phát triển vũ khí hạt nhân, đổi lại là nhận những lợi ích kinh tế hoặc không bị cấm vận kinh tế.

Ông Perry từng tin tưởng sẽ hoàn thành việc được giao, nhưng rồi ông George Bush trúng cử Tổng thống Mỹ năm 2000, kế hoạch đàm phán bị kết thúc.

Ngày nay, ông Perry nói vị thế của ông Kim Jong-un đã lớn hơn, khi Triều Tiên đã có vũ khí hạt nhân, nên rất có nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Mỹ với Triều Tiên.

Ông nói: “Ngay cả một cuộc xung đột quân sự nhỏ cũng gây thiệt hại lớn cho Triều Tiên, và một cuộc Chiến tranh Triều Tiên thứ hai, dù là chiến tranh quy ước, cũng sẽ khiến chúng ta dễ dàng chứng kiến hàng triệu người chết. Tệ hơn nữa, là khi Triều Tiên bắt đầu thua chiến tranh quy ước, họ sẽ dùng đến vũ khí hạt nhân. Cuối cùng là xảy ra Ngày Tận Thế, có thể nói như vậy”.

Trung Trực (theo Newsweek, Independent)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãnh đạo Mỹ - Triều ưng ‘diễn kịch’ hơn hành động quân sự thật