Sau khi Bình Nhưỡng có sự tiến bộ lớn về vũ khí hạt nhân (VKHN), một cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Bắc Á có thể xảy ra khi các chính khách Nhật Bản và Hàn Quốc đều muốn có vũ khí chết người để đánh phủ đầu CHDCND Triều Tiên.

Nhật Bản muốn có 'vũ khí chết người' để đối phó Triều Tiên

09/08/2017, 16:23

Sau khi Bình Nhưỡng có sự tiến bộ lớn về vũ khí hạt nhân (VKHN), một cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Bắc Á có thể xảy ra khi các chính khách Nhật Bản và Hàn Quốc đều muốn có vũ khí chết người để đánh phủ đầu CHDCND Triều Tiên.

Xe tăng Nhật trong một cuộc tập trận với Mỹ - Ảnh: AP

Ngày 8.8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dọa tung “lửa thịnh nộ” xuống Triều Tiên, nếu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều được dùng để tấn công nước Mỹ.

Đến sáng 9.8, Bình Nhưỡng phản ứng, dọa xem xét mở cuộc tấn công “trùm lửa” xuống đảo Guam, nơi Mỹ có một căn cứ không quân.

Trong Sách Trắng Quốc phòng công bố ngày 8.8, Chính phủ Nhật Bản chú trọng mối đe dọa từ Triều Tiên, khi lãnh đạo Kim Jong-un đã ra lệnh phóng thử hàng chục tên lửa trong năm 2017, vài quả rơi vào lãnh hải Nhật.

Trong tháng 7, Triều Tiên đã hai lần phóng ICBM trong nỗ lực phát triển một quả tên lửa tầm xa có thể tấn công bất kỳ nơi nào thuộc lãnh thổ Mỹ.

Quả ICBM thứ hai phóng ngày 30.7 đã rơi vào khu vực cách đảo Hokkaido của Nhật khoảng 200 km.

Nhật tính chuyện đánh phủ đầu Triều Tiên

Sách Trắng Quốc phòng Nhật 2017 viết: “Sự phát triển của tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân Triều Tiên ngày càng trở thành những vấn nạn cho cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm Nhật và phần còn lại của thế giới. Nhiều khả năng Triều Tiên đã có thể thu nhỏ VKHN để gắn lên đầu đạn hạt nhân”.

Nhận định lạnh lẽo này nhiều khả năng làm tăng một cuộc tranh luận ở Nhật: có nên chuẩn bị khả năng đánh phủ đầu Triều Tiên, với mục tiêu hủy diệt tên lửa có thể gắn đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên ngay từ trước khi chúng bắn qua Nhật hoặc các mục tiêu khác.

Các nghị sĩ đang thúc đẩy thông qua khả năng trên, và việc trang bị những vũ khí hiện đại sẽ là một sự thay đổi sâu sắc ở Nhật, nơi có Hiến pháp yêu chuộng hòa bình (do chính quyền Mỹ chiếm đóng soạn sau khi Nhật đầu hàng hồi Thế chiến 2) cấm Nhật sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết tranh chấp.

Điều 9 trong Hiến pháp nêu rõ rằng người Nhật "vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh" và từ bỏ "sử dụng vũ lực" như một cách để giải quyết những tranh chấp quốc tế.

Nhật lâu nay hạn chế quân đội ở vai trò phòng thủ. Gần đây, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố “không có dự định” cho phép Cục phòng vệ Nhật (SDF) tham gia tấn công các mục tiêu ở nước ngoài.

Nếu Nhật muốn chuyển qua khả năng đánh phủ đầu Triều Tiên, thì sẽ là một sự kiện tranh cãi trong nước, vì nhiều người dân mạnh mẽ ủng hộ Hiến pháp yêu chuộng hòa bình.

Cho đến nay, Nhật tránh tối đa ý định mua máy bay ném bom hoặc vũ khí như tên lửa hành trình có tầm bắn xa qua nước khác, tên lửa không đối đất và máy bay tiếp xăng cho các chiến đấu cơ đang bay.

Nhưng mối đe dọa từ Bình Nhưỡng tạo thêm sức nặng cho ý tưởng “đánh phủ đầu là cách phòng thủ lý tưởng”.

Hàng chục năm qua, các chính phủ Nhật liên tiếp nói Tokyo có quyền tấn công căn cứ địch ở nước ngoài, khi rõ ràng địch thù có ý định tấn công Nhật, mối đe dọa là rõ ràng và không còn giải pháp phòng thủ nào khác.

Nay, nhiều quan chức cấp cao nói Nhật nên có những vũ khí tấn công. Ngày 8.8, tân Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera nói Nhật nên có khả năng tấn công đáp trả nguy cơ Triều Tiên tấn công, để bảo vệ sinh mạng, tài sản của người dân Nhật.

Ông Onodera là thành viên chủ chốt trong Hội đồng an ninh của đảng Dân chủ tự do cầm quyền. Ủy ban này cũng đề xuất việc cho phép SDF phản công trong trường hợp Nhật Bản bị tấn công.

Ngày 4.8, ông nói: “Những vụ phóng ICBM của Triều Tiên đã làm tăng căng thẳng cả về chất lượng và số lượng. Tôi sẽ nghiên cứu liệu khả năng phòng thủ tên lửa hiện nay của ta đã đủ cho khu trục hạm Aegis và tên lửa đất đối không PAC-3 hay chưa”.

Ông Onodera từng chỉ huy một cuộc nghiên cứu hồi tháng 3, trong đó kêu gọi Nhật tăng cường khả năng phản ứng bằng tên lửa hành trình tầm xa, để có thể tấn công các căn cứ của Triều Tiên.

Lúc đó, ông nhấn mạnh: “Nếu máy bay ném bom hoặc tàu chiến địch tấn công chúng ta, chúng ta phải bắn trả. Công nghệ vũ khí Triều Tiên đã tiến bộ và tình hình xung đột cũng đã đổi thay”.

Quan điểm của ông có thể sẽ được phản ánh trong báo cáo chiến lược (5 năm cập nhật một lần) mà Bộ Quốc phòng Nhật sẽ công bố vào năm 2018.

Kế hoạch trang bị vũ khí của Nhật

Nhật đã cam kết mua 42 chiến đấu cơ F-35 của Mỹ, và đang muốn nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa trên bộ, để cải thiện khả năng bắn hạ tên lửa Triều Tiên bay đến.

Nhật cũng có thể sẽ mua thêm tên lửa hành trình, vệ tinh mới để giám sát hoạt động triển khai tên lửa của Triều Tiên, hoặc các loại tên lửa phóng từ trên không đạt độ chính xác cao, như tên lửa Joint Air-to-Surface Standoff Missile, hoặc tên lửa tầm ngắn Joint Strike gắn trên chiến đấu cơ F-35.

Hiện Nhật đã cải thiện hệ thống tên lửa đạn đạo phòng thủ tầm xa, đặt thêm tên lửa phóng trên biển trên các khu trục hạm Agis hoạt động ở Biển Nhật Bản. Từ tháng 4, Nhật cũng sẽ chi 1 tỉ USD để nâng cấp hệ thống tên lửa PAC-3 Patriot.

Nhật cũng tính chuyện trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Hàn Quốc không muốn "ăn xin" hòa bình

THAAD đã được triển khai ở Hàn Quốc, khiến Trung Quốc bực tức, cho rằng radar của THAAD có thể do thám sâu vào lãnh thổ Trung Quốc.

Vấn đề là bất kỳ loại vũ khí nào có thể đánh Triều Tiên cũng đặt một số cơ sở quân sự ở miền đông Trung Quốc nằm trong tầm bắn của Nhật. Điều này chắc chắn khiến Bắc Kinh tức giận, như đã phản đối Mỹ dàn THAAD ở Hàn Quốc.

Ý tưởng của Nhật cũng khiến Hàn Quốc càng không tin tưởng, vì Hàn Quốc sợ Nhật tái vũ trang, kể từ khi Nhật đô hộ bán đảo Triều Tiên hồi đầu thế kỷ 20.

Hàn Quốc đang xây dựng khả năng giám sát và tấn công, gồm radar và máy bay do thám không người lái để truy vết và tấn công phủ đầu vào tên lửa Triều Tiên.

Đảng Hàn Quốc tự do (bảo thủ và đối lập) ra tuyên bố ủng hộ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ tại Hàn, theo hãng tin Yonhap. Thủ lĩnh đảng này là Hong Joon-pyo, nói “Hòa bình sẽ đến khi chúng ta cân bằng sức mạnh, chứ không phải khi chúng ta đi xin hòa bình”.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng ngưng dàn THAAD nhưng ông đã đổi ý sau khi Triều Tiên phóng quả ICBM thứ hai. Ông cũng đề Mỹ cho phép Hàn Quốc có tên lửa đạn đạo mạnh hơn. Nhưng tham vọng này bị một thỏa thuận Mỹ - Hàn hồi những năm 1970 cản trở.

Theo thỏa thuận này, Mỹ giúp Hàn Quốc xây dựng tên lửa đạn đạo có tầm bắn 780 km, nhưng đầu đạn gắn lên chúng không được nặng quá 500 kg, vì Mỹ lo ngại một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Hàn Quốc đã có thể nạp đầu đạn nặng hơn 2 tấn lên tên lửa đạn đạo có tầm bắn ngắn hơn, nhưng các tên lửa này lại không thể bắn tới các căn cứ tên lửa ở Triều Tiên.

Viễn cảnh chạy đua vũ trang hạt nhân ở Đông Bắc Á

Một số thăm dò dư luận cho thấy đa số dân Hàn Quốc ủng hộ ý tưởng nước này tự phát triển VKHN để chống VKHN của Triều Tiên, dù Tổng thống Moon phản đối.

Hideshi Takesada, một chuyên gia quốc phòng ở Viện nghiên cứu thế giới (thuộc đại học Takushoku ở Tokyo) nói nếu Hàn Quốc có VKHN, thì Nhật cũng có thể chạy đua trang bị loại vũ khí này, dù Nhật đã có kỷ niệm đau thương là hai quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống hai thành phố Nhật để kết thúc Thế chiến 2.

Hôm 6.8, tại lễ kỷ niệm 72 năm ngày thành phố Hiroshima bị Mỹ đánh bom nguyên tử, giới báo chí có hỏi Thủ tướng Abe về chuyện phát triển khả năng đánh phủ đầu Triều Tiên. Ông Abe trả lời cẩn trọng: “Lúc này chúng tôi chưa xem xét khả năng sở hữu vũ khí đánh phủ đầu”, nhưng ông nói Nhật cần tăng cường khả năng phòng thủ nói chung, do "tình hình an ninh quanh Nhật ngày càng trở nên nghiêm trọng".

Giáo sư Takesada nói Thủ tướng Abe cần phải cẩn trọng về vấn đề này. Ý tưởng sửa đổi Hiến pháp yêu chuộng hòa bình của ông Abe đã bị phản đối, góp phần khiến ông bị giảm uy tín, buộc phải cải tổ nhân sự chính phụ hồi tuần trước. Và việc Nhật tăng sức mạnh quân sự sẽ khiến cả Hàn Quốc lo ngại.

Nhưng Giáo sư Takesada nói bất chấp những nguy cơ này, Nhật cần có khả năng đánh phủ đầu để phòng thủ. Ông khẳng định việc Tổng thống Mỹ Donald Trump không có chính sách rõ ràng về Triều Tiên, càng khiến Nhật cần khẩn cấp tự phát triển khả năng đánh phủ đầu:

Vĩnh Thụy (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật Bản muốn có 'vũ khí chết người' để đối phó Triều Tiên