Châu Á vài tuần qua hứng chịu làn sóng COVID-19 do biến thể Delta gây ra, khiến các quốc gia trong khu vực phải áp đặt nhiều biện pháp phòng chống dịch cả mới lẫn cũ.
Loạt biện pháp phòng chống tại đợt dịch này có trọng điểm hơn thay vì bao trùm trên quy mô toàn quốc như vài đợt dịch trước. Nhưng ngay cả khi chính phủ các nước rất cố gắng cân bằng giữa bảo vệ tính mạng người dân với duy trì sinh kế, một số ngành vẫn không tránh khỏi bị COVID-19 ảnh hưởng.
Làn sóng mới tấn công vào nhiều trung tâm sản xuất ở châu Á, với tác động lan tỏa đến không ít chuỗi cung ứng chẳng hạn như sản phẩm điện tử hay hàng dệt may.
Nhà phân tích Goh Puay Guan thuộc Trường Kinh doanh (đại học quốc gia Singapore) cho biết: “Vấn đề là tình hình quá khó đoán. Tại mỗi thời điểm khác nhau lại có quốc gia, khu vực, công ty khác nhạu bị ảnh hưởng. Như vậy rất khó lập kế hoạch. Việc đóng hoặc mở lại các phần của chuỗi cung ứng rất tốn thời gian”.
Gián đoạn chuỗi cung ứng làm giá cả tăng là lo ngại lớn nhất. Theo nhà phân tích Guan: “Lạm phát chắc chắn không thể tránh khỏi, câu hỏi đặt ra là chi phí đẩy cho người tiêu dùng vào khoảng bao nhiêu? Đôi lúc doanh nghiệp lựa chọn gánh chịu một phần, nhưng chúng ta hiện vẫn chưa biết được. Đã có vài đợt tăng giá sản phẩm, chi phí vận chuyển cũng tăng, đến một lúc nào đó thì một phần chi phí phải đẩy cho người tiêu dùng”.
Về lâu dài, đại dịch sẽ thúc đẩy tái cơ cấu chuỗi cung ứng và đẩy giá cả hàng hóa tăng cao hơn nữa.
Giáo sư Shantanu Bhattacharya thuộc đại học Quản trị Singapore nhận định: “Chuỗi cung ứng nội địa hóa đáng tin hơn. Còn chuỗi cung ứng toàn cầu sở hữu lợi thế lớn là giảm giá liên tục. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng ngày càng mở rộng trên toàn cầu, liệu các chính phủ, tổ chức, cá nhân có sẵn sàng chuyển sang mô hình giá cả cao hơn không? Tôi nghĩ người tiêu dùng sẽ chấp nhận mức lạm phát cao vì họ muốn mức độ đáng tin cao trong cung ứng hàng hóa hơn”.
Với cuộc sống bình thường mới sau đại dịch, châu Á nhiều khả năng vẫn giữ vị trí quan trọng trong chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu. Nhà kinh tế Sanjay Mathur làm việc cho ngân hàng ANZ dự báo ngoài Trung Quốc, vai trò của Hàn Quốc, Đài Loan, Đông Nam Á cũng ngày càng tăng – không chỉ ở chuỗi cung ứng sản phẩm điện tử mà còn ở ngành công nghiệp ô tô hay hàng may mặc.
Về phía doanh nghiệp đang đối mặt tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, họ hiểu ra khả năng phục hồi và sự nhanh nhẹn là “chìa khóa” thành công.
“Nhiều công ty học được rằng phải đa dạng hóa. Họ phải xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro, trữ hàng và linh hoạt nguồn cung tại chỗ”, nhà phân tích Guan cho biết.
Bên cạnh COVID-19, một số yếu tố khác khiến các công ty quyết định tái cơ cấu chuỗi cung ứng là đối đầu thương mại Mỹ - Trung, áp lực đào tạo lại lao động cho phù hợp bối cảnh tự động hóa, nhu cầu ở từng quốc gia thay đổi.