Tổ chức môi trường Carbon Brief (trụ sở tại Anh) tuyên bố các nước thực dân phương Tây phải chịu trách nhiệm lịch sử trong việc làm Trái đất nóng lên.
Kiến thức - Học thuật

Làm rõ trách nhiệm của những nước thực dân trước kia khiến Trái đất nóng lên

Anh Tú 30/11/2023 16:08

Tổ chức môi trường Carbon Brief (trụ sở tại Anh) tuyên bố các nước thực dân phương Tây phải chịu trách nhiệm lịch sử trong việc làm Trái đất nóng lên.

Phân tích đầu tiên mang đến một góc nhìn mới mẻ, kích thích tư duy về các câu hỏi về công lý khí hậu và trách nhiệm lịch sử, vốn là trọng tâm của cuộc tranh luận về khí hậu toàn cầu.

Ước tính tổng cộng, loài người đã bơm khoảng 2.558 tỉ tấn CO2 (GtCO2) vào khí quyển kể từ năm 1850, đủ để làm hành tinh ấm lên 1,15 độ C so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp.

Điều này có nghĩa, đến cuối năm 2023, hơn 92% lượng carbon dự trữ cho mốc không nóng hơn 1,5 độ C sẽ được sử dụng hết. Do vậy, nếu lượng phát thải hằng năm tiếp tục như hiện tại thì 5 năm nữa con người sẽ tiêu hết “ngân sách dự trù” cho việc phát thải carbon.

Tuy nhiên, trách nhiệm sử dụng hết ngân sách toàn cầu này rất bất bình đẳng. Các quốc gia giàu có nhất, và trong mỗi quốc gia là những người giàu có nhất, đã chiếm tỷ trọng thải khí nhà kính cao vượt trội.

Phân tích Carbon Brief trước đây cho thấy nước Mỹ là quốc gia góp phần lớn nhất vào sự nóng lên trên thế giới (20%). Tuy nhiên, phân tích trước đã bỏ qua trách nhiệm phát thải khí nhà kính dưới chế độ thuộc địa vốn thuộc về các nhà cai trị thuộc địa, những người nắm quyền ra quyết định cuối cùng vào thời điểm đó chứ không phải người dân thuộc địa.

Còn phân tích mới gần đây đã kiểm tra ý nghĩa của việc đảo ngược giả định này. Nó cho thấy Mỹ (21%) và Trung Quốc (12%) vẫn đứng đầu, nhưng tỷ trọng "chịu trách nhiệm" của các cường quốc thuộc địa cũ đã tăng lên đáng kể.

Tỷ lệ phát thải trong lịch sử của Pháp tăng 50%, Anh tăng gần gấp đôi, Hà Lan tăng gần gấp 3, và Bồ Đào Nha tăng hơn gấp 3. Trách nhiệm của EU + Vương quốc Anh về việc Trái đất nóng lên cũng tăng gần một phần ba, lên 19%.

Ấn Độ là một trong những thuộc địa cũ của Anh nhờ vậy đã được giảm trách nhiệm xuống 15%, trong đó Indonesia (thuộc địa cũ của Hà Lan) giảm 24%, và phần đóng góp vốn đã nhỏ của châu Phi cũng giảm 24%.

Mặc dù trách nhiệm của các nước từng là thuộc địa cũ như Ấn Độ và Indonesia ít nổi bật hơn theo cách tính mới nhưng họ vẫn có lượng khí thải đáng kể trong thời kỳ hậu thuộc địa, nên hai nước vẫn lọt vào vào Top 10 tính đến năm 2023.

Như trước đây, phân tích mới dựa trên lượng khí thải CO2 từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và sản xuất xi măng, cùng với việc sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF).

Phân tích tiến hành dựa trên dữ liệu trong khoảng thời gian từ năm 1850 (thường được coi là đường cơ sở cho hiện tượng nóng lên hiện nay) cho đến năm 2023, chủ yếu dựa trên tổng hợp ước tính phát thải gần đây.

Việc quy trách nhiệm về phát thải từ thuộc địa về "mẫu quốc" phần lớn dựa trên nghiên cứu về sự xuất hiện của các quốc gia độc lập kể từ đầu thế kỷ 19.

Những phát hiện quan trọng khác của phân tích gồm:

Với tư cách là một nhóm, EU + Anh đứng thứ 2 về lượng khí thải trong biên giới của mình (375GtCO2, 14,7% tổng lượng toàn cầu). Con số này tăng gần một phần ba sau khi cộng thêm lượng khí thải thuộc địa, lên 478GtCO2 và 18,7% tổng lượng toàn cầu, chỉ sau Mỹ.

Vương quốc Anh đứng thứ 4 trên thế giới khi tính gộp thêm lượng khí thải thuộc địa - vượt trên cả Ấn Độ, thuộc địa cũ của Anh. Lượng khí thải mới tính cho Anh gồm luôn lượng khí thải ở 46 thuộc địa cũ dưới sự cai trị của Anh. Do đó, Anh chịu trách nhiệm cho sự nóng lên toàn cầu gần gấp đôi so với tính toán trước đây (130GtCO2, chiếm 5,1% tổng số khí thải toàn cầu, thay vì 76GtCO2 và 3,0%).

Đóng góp lớn nhất vào lượng khí thải từ thuộc địa của Anh là từ Ấn Độ (13GtCO2, cắt giảm tổng lượng khí thải của chính nước này xuống 15%), Myanmar (7GtCO2, giảm 49%) và Nigeria (5GtCO2, giảm 33%).

Hà Lan là nguồn gây ra sự nóng lên gần gấp 3 lần khi tính đến lượng phát thải từ các thuộc địa (35GtCO2 chiếm 1,4% tổng số khí thải toàn cầu, thay vì 13GtCO2 và 0,5%). Điều này phần lớn do lượng phát thải LULUCF ở Indonesia, dưới sự cai trị của Hà Lan, là 22GtCO2.

Châu Phi - phần lớn nằm dưới sự thống trị của thực dân - nhờ cách tính mới mà ​​tỷ lệ phát thải theo tính toán trước đây giảm gần một phần tư, từ 6,9% xuống 5,2%. Mặc dù dân số đông hơn 21 lần nhưng tỷ lệ 5,2% này chỉ cao hơn một chút so với 5,1% của Anh.

Khi tính theo dân số hiện tại, Hà Lan (2.014tCO2 mỗi người) và Anh (1.922tCO2/người) trở thành những quốc gia phát thải hàng đầu thế giới tính trên cơ sở tích lũy bình quân đầu người. Tiếp theo là Nga (1.655tCO2), Mỹ (1.560tCO2) và Canada (1.524tCO2).

Theo thước đo bình quân đầu người này, Trung Quốc (217tCO2 mỗi người), châu Phi (92tCO2) và Ấn Độ (52tCO2) “đóng góp” vào sự nóng lên của Trái đất kém xa các quốc gia phát triển.

Nhiều cường quốc thực dân trước đây cũng là những nhà nhập khẩu ròng CO2 ngày nay. Mặc dù dữ liệu về nhập khẩu và xuất khẩu CO2 còn hạn chế, nhưng số liệu hiện có càng làm tăng tỷ lệ phát thải lịch sử của chúng.

Những phát hiện này củng cố trách nhiệm lịch sử quan trọng của các nước phát triển đối với hiện tượng nóng lên hiện nay, đặc biệt là các cường quốc thực dân ở châu Âu.

Mặc dù ngày nay những nước này chỉ chiếm chưa đến 11% dân số thế giới, nhưng Mỹ, EU, Anh chịu trách nhiệm về 39% lượng khí thải tích lũy trong lịch sử và hiện tượng nóng lên liên quan đến khí CO2 hiện nay.

Nhiều quốc gia trong số này hiện có lượng khí thải nhỏ và đang giảm dần. Tuy nhiên, sự giàu có thịnh vượng của họ ngày nay có được từ "đóng góp" trong lịch sử của họ đối với hiện tượng nóng lên hiện nay, khiến họ phải có trách nhiệm nhiều hơn. Họ không chỉ cần cắt giảm lượng khí thải của chính họ mà còn có trách nhiệm hỗ trợ ứng phó với khí hậu ở các nước kém phát triển hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
một phút trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm rõ trách nhiệm của những nước thực dân trước kia khiến Trái đất nóng lên