Sáng 24.10, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Khai mạc hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 50.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề; đóng góp rất lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Có 60 chi nhánh của 42 ngân hàng, 221 phòng giao dịch trực thuộc và 22 chi nhánh ngân hàng cấp 2, 34 quỹ tín dụng nhân dân, 5 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô CEP. Đây là nền tảng tương đối lớn để khai thác kết nối ngân hàng và doanh nghiệp cùng phát triển.
Các đại diện ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai khẳng định đủ vốn để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhưng phải đáp ứng theo các quy định hiện hành và phù hợp với từng đơn vị. Ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc BIDV Đồng Nai cho biết ngoài vốn thông thường tại ngân hàng, các doanh nghiệp còn có thể có nhiều kênh huy động vốn khác cho hoạt động sản xuất, kinh doanh như: tăng vốn chủ sở hữu, vốn góp cổ đông, vốn chiếm dụng thương mại, mở L/C nội địa, bao thanh toán, bảo lãnh, tham gia vào chuỗi phân phối, chuỗi cung ứng, huy động vốn trên thị trường chứng khoán, thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểu, quỹ startup…
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai đề xuất nên hợp nhất và tối ưu hóa tài chính để thúc đẩy cơ chế hợp nhất, và tối ưu tài chính trong hệ thống ngân hàng là một bước quan trọng để tạo ra nền kinh tế mạnh hơn. Đồng thời, ngân hàng nhà nước phải có những gói vay tín chấp lãi suất thấp để doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn, có thể cho vay theo kênh Đoàn, Hội. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới khởi nghiệp không có tài sản để thế chấp để vay làm dự án, dẫn đến doanh nghiệp mất cơ hội phát triển.
Doanh nghiệp bị khủng hoảng kinh tế rất khó tăng trưởng, tăng doanh thu, nhưng khi doanh nghiệp muốn đáo hạn hoặc tăng hạn mức vay thêm, các ngân hàng đều bắt buộc phải tăng doanh số, điều này gây khó khăn và áp lực cho doanh nghiệp muốn hoạt động để tồn tại và phát triển. Bất động sản hiện giờ đang xuống rất thấp, khi cá nhân hoặc doanh nghiệp muốn định giá lại qua ngân hàng khác để vay thêm hoặc đáo hạn hưởng lãi suất thấp hiện nay, thì công ty thẩm định giá lại thẩm định giá thấp hơn ngân hàng đang cho vay nên vấn đề này cần được Ngân hàng nhà nước xem xét lại.
Kết luận tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết tỉnh luôn sẵn sàng tạo điều kiện và đồng hành để các doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi; đồng cảm với những khó khăn của các doanh nghiệp; thành công của các doanh nghiệp là thành công của tỉnh, mất mát, thiệt thòi của các doanh nghiệp cũng là mất mát, thiệt thòi của tỉnh.
UBND tỉnh tiếp tục đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai chủ động triển khai các giải pháp, điều hành tín dụng trọng tâm theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; bám sát mục tiêu tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát nợ xấu; tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu và các khoản vay mới, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.
Đối với các khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động, đề nghị các doanh nghiệp kịp thời phản ánh với UBND tỉnh, lãnh đạo các sở ngành để kịp thời phối hợp xử lý.