Kyiv đang kêu gọi các nước phương Tây tăng cường đầu tư vào vũ khí, đồng thời cho rằng sản lượng của các nhà máy sản xuất vũ khí trên toàn thế giới đang thiếu hụt nhiều so với mức cần thiết.

Kyiv kêu gọi phương Tây nên đầu tư sản xuất vũ khí tại Ukraine

Hoàng Vũ (theo Politico) | 24/10/2023, 14:00

Kyiv đang kêu gọi các nước phương Tây tăng cường đầu tư vào vũ khí, đồng thời cho rằng sản lượng của các nhà máy sản xuất vũ khí trên toàn thế giới đang thiếu hụt nhiều so với mức cần thiết.

Trong một cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược Ukraine Oleksandr Kamyshin nói với Politico rằng các nước phương Tây cần đẩy nhanh việc sản xuất tên lửa, đạn pháo và máy bay không người lái quân sự.

cac-vo-dan-san-xuat-tai-mot-nha-may-o-phap-anh-afp.png
Các vỏ đạn được sản xuất tại một nhà máy ở Pháp - Ảnh: AFP

“Thế giới tự do nên sản xuất đủ để tự bảo vệ mình. Đó là lý do tại sao chúng ta phải sản xuất nhiều vũ khí tốt hơn và để giữ an toàn”, ông Kamyshin nói trong chuyến công tác tới Berlin, Đức để thuyết phục các nhà sản xuất vũ khí đầu tư vào Ukraine – quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá.

Khi Lực lượng Phòng vệ Israel tiếp tục tấn công Gaza và giao tranh ngày càng gia tăng tại Ukraine, các nhà hoạch định chính sách đang đặt câu hỏi liệu các đồng minh phương Tây có thể hỗ trợ cho cả hai nước hệ thống phòng không và pháo binh cùng một lúc hay không.

“Những gì xảy ra ở Israel cho thấy và chứng minh rằng ngành công nghiệp quốc phòng trên toàn cầu là điểm đến cho các khoản đầu tư trong nhiều thập kỷ. Hãy xây dựng cơ sở sản xuất ngay bây giờ”, Kamyshin cho biết.

Ông nói rằng, kể từ khi cuộc chiến của Nga với Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, các chính phủ phương Tây đã chuyển rất nhiều vũ khí cho Kyiv gồm hàng trăm nghìn viên đạn pháo, xe bọc thép và các thiết bị khác.

Ông Kamyshin nhấn mạnh, Ukraine trước đây là trung tâm quân sự lớn của Liên Xô, hiện đang cố gắng tăng sản lượng xe bọc thép, đạn dược và hệ thống phòng không và mong muốn các đối tác phương Tây đầu tư.

Theo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược Ukraine, một bước quan trọng dự kiến ​​sẽ diễn ra vào hôm 24.10, khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal sẽ công bố liên doanh mới giữa Rheinmetall và Ukroboronprom, một công ty quốc phòng Ukraine.

Vào cuối tháng 9, Văn phòng Cartel Liên bang của Đức đã bật đèn xanh cho thỏa thuận hợp tác trên sau khi xem xét cho thấy liên doanh được đề xuất “không dẫn đến bất kỳ sự chồng chéo nào về mặt cạnh tranh ở Đức”.

Tháng 3 năm ngoái, các nước EU đã cam kết gửi một triệu quả đạn pháo tới Ukraine trong năm sau như một phần của chương trình nâng cao sản xuất. Ukraine có thể cần tới 1,5 triệu quả đạn pháo mỗi năm để duy trì nỗ lực chiến tranh, một nhiệm vụ khó khăn mà Kamyshin hy vọng ông có thể giúp đỡ, ít nhất một phần, bằng sản lượng trong nước.

Tổng cộng, Ukraine đã nhận được hơn 350 hệ thống pháo tự hành và pháo kéo từ các nước NATO và Úc. Kết hợp với các loại pháo thời Liên Xô còn trong kho của Ukraine, Kyiv có khoảng 1.600 khẩu pháo đang được sử dụng - nhưng phải bao phủ một mặt trận rộng lớn.

Khi mối quan hệ quốc phòng Đức - Ukraine ngày càng sâu sắc là một lợi ích cho nỗ lực phòng vệ của Kyiv, Nga cũng có thể tận dụng các mối quan hệ quốc tế của mình để lấy trang thiết bị chiến tranh.

Đầu tháng này, các báo cáo chỉ ra rằng Bình Nhưỡng có thể đã chuyển một lô hàng đạn pháo khá lớn sang Nga. Chi tiết của thỏa thuận này vẫn được giữ kín nhưng chuyến hàng được chuyển đi ngay sau chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lần lượt thực hiện chuyến đi tới Nga bằng đường sắt và gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trước đó, truyền thông phương Tây cũng tiết lộ Nga đã ký một thỏa thuận với Tehran về việc Iran vận chuyển vũ khí tấn công các thành phố trên khắp Ukraine vào mùa đông năm ngoái. Về phần mình, Nga, Iran và Triều Tiên đã lên tiếng phủ nhận các thông tin trên.

Bài liên quan
Điểm qua 3 loại tên lửa làm leo thang cuộc chiến Ukraine
Tuần qua chứng kiến nhiều diễn biến đáng ngại làm leo thang cuộc chiến Ukraine. Tất cả xoay quanh 3 loại tên lửa tiên tiến.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kyiv kêu gọi phương Tây nên đầu tư sản xuất vũ khí tại Ukraine