Những ngày qua, người dân ở các phường Phú Đông, Phú Thạnh thuộc TP Tuy Hòa (Phú Yên) không ngớt vui mừng khi đón 31 người con của địa phương trở về toàn từ siêu bão Haiyan tại Philippines trở về. Đây là những người được Bộ Ngoại giao hỗ trợ đưa về quê theo nguyện vọng cá nhân, sau khi toàn bộ tài sản đã bị mất sạch theo cơn bão.

Ký ức kinh hoàng của người trở về từ siêu bão Haiyan

Một Thế Giới | 24/12/2013, 11:27

Những ngày qua, người dân ở các phường Phú Đông, Phú Thạnh thuộc TP Tuy Hòa (Phú Yên) không ngớt vui mừng khi đón 31 người con của địa phương trở về toàn từ siêu bão Haiyan tại Philippines trở về. Đây là những người được Bộ Ngoại giao hỗ trợ đưa về quê theo nguyện vọng cá nhân, sau khi toàn bộ tài sản đã bị mất sạch theo cơn bão.

Ký ức kinh hoàng nơi tâm bão
Chuyện qua đã gần 2 tháng nay, thế nhưng ký ức về siêu bão Haiyan vẫn còn đeo bám ông Đinh Văn Gìn (43 tuổi) và con trai là Đinh Văn Dũng (18 tuổi, ngụ khu phố 6, phường Phú Đông) mỗi ngày.
Họ không ngờ mình vẫn còn sống và được trở về quê hương bản quán.
Gặp lại vợ và hai con gái nhỏ, ông Gìn nói trong nước mắt: “Cứ nghĩ cha con tôi đã bỏ mạng ở xứ người. Dù bây giờ không còn thứ gì trong tay nhưng được Đại sứ quán giúp đỡ đưa về nước là may mắn lắm rồi”.
 
Ky uc kinh hoang cua nguoi tro ve tu sieu bao Haiyan
Buổi sum họp của những người vừa trở về từ Philippines.
Cha con ông Gìn đã may mắn sống sót khi siêu bão Haiyan càn quét qua Samar - một trong những nơi bị tàn phá khủng khiếp nhất.
Suốt 6 ngày liền sau bão, cha con ông Gìn tìm một góc vắng vẻ để trú thân, không dám đi đâu, tìm được gì thì thứ ăn nấy bởi toàn bộ tài sản, tiền bạc, áo quần đã mất sạch, phương tiện để liên lạc, cầu cứu cũng không có.
May mắn là sau đó, cha con ông Gìn được người thân tìm thấy và được Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines di tản ra khỏi vùng đất chết.
Giống như trường hợp của ông Gìn, gia đình bà Phạm Thị Ngọc Lưu Ly (47 tuổi, ngụ khu phố 6, phường Phú Đông) gồm bà, vợ chồng con gái là Nguyễn Thị Thu Hương (29 tuổi), con rể Trần Quốc Duy (31 tuổi) và cháu ngoại Trần Nguyễn Gia Bảo (15 tháng tuổi) đến giờ vẫn còn ám ảnh.
Ky uc kinh hoang cua nguoi tro ve tu sieu bao Haiyan
 Bà Phạm Thị Ngọc Lưu Ly cùng cháu ngoại 15 tháng tuổi vẫn chưa hết bàng hoàng sau những ngày bị nạn ở Philippines.
Sang Tacloban để trông cháu cho vợ chồng con gái đi mua bán được khoảng 18 tháng thì cơn bão Haiyan đổ vào, bà Ly ôm cháu trốn trong góc nhà để… chờ chết. “May mà giữ được mạng sống nhưng những ngày sau bão còn khủng khiếp hơn.
Chúng tôi không dám đi đâu vì chỗ nào cũng đầy xác chết. Cả tuần liền, mấy mẹ con tôi chỉ ăn dừa, uống nước mưa, may mà còn ít gạo nấu cháo cho cháu. Bây giờ đêm nào tôi cũng bị ác mộng với những cảnh đổ nát, hỗn loạn, chết chóc, giết nhau để cướp của”.
Ông Nguyễn Duy Đức (60 tuổi, ngụ phường Phú Đông) cùng hai người con là Nguyễn Tiến Phát và Nguyễn Nhật Duy cũng là những người vừa trở về từ vùng đất chết cho biết thêm.
Khi  bão đổ vào Tacloban, hai người con của ông Đức đã bị cuốn bay, song may mắn bám được trên một ngọn cây. Sau khi thoát chết, anh Nguyễn Tấn Hoàng (ngụ phường Phú Đông) đã nhiều ngày đi khắp miền Nam Philipines để tìm đồng hương bị nạn.
Anh Hoàng nói: “Nhiều người sẽ không bao giờ quên những ngày đã sống trong cảnh chết chóc và đói khát ấy”.  
Tình đồng bào nơi đất khách
Hầu hết người dân các phường Phú Đông, Phú Thạnh trở về từ Philippines đều xúc động cho rằng, họ còn sống được cho đến hôm nay là nhờ tình nghĩa đồng bào nơi đất khách.
Sau cơn bão kinh hoàng, nhiều người Việt đã đi bộ nhiều ngày liền, vượt hàng trăm cây số, vào tận các ngõ ngách để tìm những người đồng hương.
Không có điện thoại để liên lạc, nhiều người phải dò hỏi, đến nhiều nơi mới tìm thấy những đồng hương đang lâm nạn, trong cảnh sống dở chết dở.
“Nhờ vậy tất cả những người Việt tưởng như mất tích đều được tìm thấy. Gặp được nhau, năm bảy người chia nhau một gói mì, một chai nước dành dụm uống cả ngày. Nếu không có bà con người Việt, chắc tui đã chết rồi, nếu không chết vì bão thì cũng chết vì đói khát, bệnh tật, cướp bóc”- anh Nguyễn Tấn Hoàng chia sẻ.
Nhiều người trở về đều nhắc đến tấm lòng của vợ chồng ông Trần Văn Mẫn và bà Lương Thị Phấn (quê phường Phú Đông), những người đã sinh sống ở đảo Cebu hơn 11 năm nay.
Sau khi siêu bão Haiyan càn quét miền Nam Philippines, vợ chồng bà Phấn liên lạc với nhiều bà con đồng hương nhưng không được.
Xem cảnh chết chóc trên truyền hình, vợ chồng bà Phấn nghĩ chắc bà con người Việt cũng không sống nổi trong cơn bão nếu không có sự giúp đở.
Liên tục hơn nửa tháng liền, gia đình bà Phấn thay phiên nhau chen lấn mua từng vé tàu thủy để đi đến khắp các vùng ở miền Nam Philippines để tìm đồng hương.
Tìm thấy được người nào, vợ chồng bà Phấn lại phối hợi cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Philipines cứu trợ khẩn cấp rồi đưa đưa về nhà mình trú ngụ.
Trắng tay lại gánh nợ nần
May mắn thoát nạn sau siêu bão, được gặp lại người thân, song phía sau đó những nụ cười hạnh phúc ấy là một nỗi lo âu.
Theo ông anh Nguyễn Tấn Hoàng, hầu hết người dân Phú Yên sang Philippines chủ yếu đi bán hàng rong hoặc mua hàng hóa từ các thành phố đến bán lại ở vùng nông thôn để kiếm lãi. “Mua bán bên đó chủ yếu là ghi sổ nợ.
Sau bão, không ai còn gì cả, những người mua hàng nợ thì đã chết hết. Chính vì thế, ai cũng trắng tay”- bà Phạm Thị Ngọc Lưu Ly nói.
Vừa về quê nhà, nhiều người chạy đi hỏi thăm, tìm kiếm việc làm, không ít người đi hẹn nợ những nơi đã vay mượn trước đây để làm vốn sang Philippines mua bán.
Theo ông Huỳnh Quốc Trí, Phó chủ tịch UBND phường Phú Đông, hầu hết những người trở về đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, trước đây vay mượn nhiều nơi, bán cả tàu thuyền qua Philippines mua bán với hy vọng sẽ có một cuộc sống khá hơn.
Ông Phạm Văn Ngà (47 tuổi, ngụ khu phố 6, Phú Đông), vốn là ngư dân, gia đình từng sắm được tàu câu cá ngừ đại dương.
Bộ Ngoại giao đã lo toàn bộ thủ tục, hỗ trợ tiền vé máy bay, vé xe đưa những người Việt bị nạn trong cơn bão Haiyan ở Philippines về đến quê nhà. Ngoài ra, Tổ chức Di cư quốc tế còn trợ giúp mỗi người 1.000 USD (đã đưa trước 500 USD) để ổn định cuộc sống.
Trong một lần ra khơi, tàu bị nạn, gia đình phải vay mượn khắp nơi hàng trăm triệu đồng để sửa chữa.
Đang chuẩn bị đi biển trở lại thì ông Ngà bị tai nạn, phải cắt mất một chân. Bán tàu vẫn không đủ trả nợ, gia đình ông Ngà vay ít vốn cho con trai là Phạm Ngọc Tý theo người quen qua Philippines mua bán lại hàng tiêu dùng với hy vọng sẽ có tiền gửi về trả nợ.
Khi sức khỏe khá hơn, ông Ngà cũng đi theo con trai để phụ việc.
“Cơn bão đã giết chết hy vọng của gia đình tôi rồi. Bây giờ được trở về là may mắn nhưng không biết lấy gì để trả nợ. Thằng con tôi đang chuẩn bị xin đi biển làm thuê kiếm sống. Còn tôi bị tật thế này chưa biết tính sao”- ông Ngà nói.
Vừa về đến nhà, con rể bà Ly là anh Trần Quốc Duy đã chạy đi hỏi chỗ để học nghề mưu sinh, còn con gái bà thì chưa biết làm gì.
Trước đây, vợ chồng anh Trần Quốc Duy - chị Nguyễn Thị Thu Hương vay mượn hơn 10.000 USD cùng với số vốn gia đình cho gần 10.000 USD sang Tacloban mua hàng từ thành phố lên bán lại ở vùng nông thôn.
Cơn bão vừa qua đã cuốn sạch cả vốn lẫn lãi được tích cóp được trong nhiều năm - hơn 40.000 USD.
Còn bà Ly, nghe buôn bán ở Philippines thuận lợi nên cũng đã vay mượn nhiều nơi làm vốn sang đó cùng vợ chồng con gái làm ăn giờ cũng lâm vào cảnh nợ nần.
“Giờ mấy mẹ con tôi không biết tìm đâu ra tiền để trả nợ” - bà Ly than thở.
Bà Ly cho biết đang chuẩn bị mua dụng cụ về nấu chè bán trước nhà để kiếm sống.
Hoàn cảnh gia đình anh Đinh Văn Gìn còn bi đát hơn bởi trước khi sang Philippines vợ chồng anh đã bán hết bò, vay mượn của nhiều người, giờ đã bị mất sạch, lại gánh một khoản nợ lớn. Vừa về, cha con anh Gìn đã đi hỏi xin mấy chủ tàu cho biển thuê để nuôi cả nhà.
Ông Huỳnh Quốc Trí băn khoăn: “Biết là hoàn cảnh các gia đình lâm nạn rất khó khăn nhưng địa phương cũng chưa có hướng gì cụ thể trợ giúp họ. Chúng tôi dự định sắp tới chính quyền sẽ tạo điều kiện để các gia đình này vay vốn, tạo việc làm để ổn định cuộc sống”.
Miên Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ký ức kinh hoàng của người trở về từ siêu bão Haiyan