Ngày anh lính trẻ ra trận, cô gái đã bán đi ổ gà mà mình tự tay chăm được lấy tiền dúi vào tay chàng để chàng. Mấy tháng sau, cô gái cũng tham gia vào đội thanh niên xung phong đầu tiên của tỉnh để làm đường ở Mộc Châu. Tình cờ, hai người gặp nhau giữa trận tiền.

Chuyện tình trên đường ra trận của đôi vợ chồng cựu chiến binh

Một Thế Giới | 22/12/2013, 19:38

Ngày anh lính trẻ ra trận, cô gái đã bán đi ổ gà mà mình tự tay chăm được lấy tiền dúi vào tay chàng để chàng. Mấy tháng sau, cô gái cũng tham gia vào đội thanh niên xung phong đầu tiên của tỉnh để làm đường ở Mộc Châu. Tình cờ, hai người gặp nhau giữa trận tiền.

Chuyện tình đẹp giữa thời đất nước chiến tranh được chàng lính công binh Nguyễn Đức Lộc (SN 1929) và cô nữ thanh niên xung phong Trần Thị Ánh (SN 1932) trú tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An dệt nên như cổ tích ở đời thường.

Đôi dép cao su thành kỷ vật của tình yêu

Ông Nguyễn Đức Lộc sinh ra và lớn lên ở khối Phong Đỉnh, Phường Hưng Dũng, TP. Vinh. Còn bà Trần Thị Ánh sinh ra và lớn lên ở khối Phong Đồng, Phường Hưng Dũng. Sống cùng phường nhưng từ nhỏ hai người không quen biết nhau. Trong một lần giao lưu văn nghệ giữa đoàn thanh niên 2 khối họ mới gặp nhau. Cô gái xinh xắn, ngoan hiền ngày nào đã chiếm trọn tâm trí của chàng trai đất Thành Vinh từ đấy. Tình cảm cứ vậy lớn dần theo năm tháng và hai bên gia đình cũng đã có lời dạm hỏi nhưng đôi trẻ vẫn còn thẹn thùng mỗi lần gặp nhau. Năm 1952, chàng trai có giấy gọi vào bộ đội.
Chuyen tinh tren duong ra tran cua doi vo chong cuu chien binh
 Ông Lộc viết truyện ngắn về chuyện tình đẹp của mình.
Ngày anh Lộc ra đi, đích thân chị Ánh đã mang ổ gà mà chính tay nuôi được ra chợ bán để lấy ít tiền cho anh đi đường uống nước. Những ngày ấy, không ai dám hứa hẹn ngày trở về mà chỉ biết chiến đấu vì quê hương, đất nước và anh Lộc cũng vậy. Mối tình mới chớm nở của đôi trẻ vì chiến tranh nên đã bị dứt quãng giữa chừng.

Thế rồi, đầu năm anh Lộc vào bộ đội thì cuối năm chị Ánh cũng xin gia nhập đội thanh niên xung phong. Là một người thông minh, gan dạ nên Ánh được bầu làm trung đội trưởng của trung đội nữ thuộc đại đội thanh niên xung phong chuyên mở đường ra chiến trận.

Giữa năm 1953, tiểu đội lính công binh của anh Lộc đang trên đường hành quân để tham gia chiến dịch Thượng Lào. Khi đi đến đất Mộc Châu, mọi người nghỉ lại và tại đây họ làm quen được với đơn vị thanh niên xung phong đang gấp rút làm đường.

Ông Lộc nhớ lại thời điểm ông gặp bà trên đường ra trận: “Thấy đơn vị nữ thanh niên xung phong thì anh em đến hỏi thăm và tìm đồng hương. Lúc đó, gặp được người ở quê là quý lắm, khi tôi đang đứng trò chuyện với anh em thì nghe tiếng đồng đội gọi “Lộc ơi, có đồng hương này, lại là người Hưng Dũng đó”. Ngay lập tức tôi chạy đến và bất ngờ khi đó là Ánh”.

Hai người gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, nói với nhau rất nhiều chuyện, từ chuyện bố mẹ ở nhà ra sao, anh em như thế nào. Thời gian nghỉ chân chỉ được 10 phút ngắn ngủi, đến lúc có lệnh hành quân, hai người bịn rịn chia tay nhau. Lúc đó, bà Ánh nhìn thấy ông Lộc đi đôi chân trần thì bất ngờ lắm. Hỏi thì được biết, đôi dẹp cao su đã rơi mất khi ông lội qua suối.

Thương chàng lính trẻ chân trần băng rừng, bà Ánh đã không ngại ngần tháo đôi dép mình đang đi dúi vào tay ông Lộc. “Thấy tôi đi chân đất, bà ấy nhường ngay đôi dép cho tôi, khi đó bà ấy cũng chỉ có một đôi thôi. Thú thực là tôi không dám nhận nhưng bà ấy bắt tôi phải nhận cho bà ấy yên tâm”.

Cảm động trước tấm chân tình của cô “hàng xóm” ông Lộc ra trận với lời hứa nếu còn được ngày về nhất định sẽ cưới bà làm vợ. Và cũng từ đó, mỗi bước chân ra chiến trường của ông đều in hằn bóng dáng của bà qua đôi dép cao su.

Ngậm ngùi chốc lát, ông chia sẻ: “Ngày đó, cho tôi đôi dép thì bà ấy làm gì có mà đi và lâu lâu đơn vị người ta mới cấp nhưng bà ấy trấn an sẽ mượn tạm của mọi người nên tôi đành nhận. Kể ra, thời điểm đó chúng tôi không ai dám hứa hẹn nhưng tôi đã coi đôi dép cao su ấy là kỷ vật, là minh chứng cho tình yêu của chúng tôi”.

Tự hào về mối tình 60 năm

Gặp và chia tay nhưng không ai dám hẹn thề, chỉ hứa với lòng mình sẽ cố gắng nên duyên nếu có cơ hội trở về. Rồi chiến Thượng Lào kết thúc, ông Lộc lại tiếp tục hành quân để tham gia các chiến dịch khác. Mỗi bước chân của chàng lính trẻ ngày đó luôn dõi theo tin tức của người yêu nơi hậu phương. Năm 1955, ông Lộc xin đơn vị cho về phép được 2 tuần lễ, khi đó bà Ánh đã trở lại hoạt động ở địa phương.

Từ đơn vị về quê đi mất gần 1 tuần, chỉ con lại 1 tuần nghỉ, ông Lộc cùng gia đình sang hỏi cưới bà Ánh về làm vợ. Một đám cưới nhỏ với vài gói thuốc, đĩa trầu cùng gói kẹo đã được tổ chức. Từ đó hai người trở thành vợ chồng. Cưới xong được ít ngày thì ông Lộc phải trở lại đơn vị, một mình bà Ánh ở nhà chăm sóc bố mẹ đôi bên và tham gia hoạt động phong trào đoàn ở quê nhà.

Những lần nghỉ phép sau đó, hai ngừi luôn tân dụng thời gian để ở bên nhau. Cũng từ đó lần lượt 4 đứa con đã ra đời. Chồng thường xuyên vắng nhà, một mình bà Ánh cáng đáng hết tất cả mọi việc. Năm 1978, ông Lộc về hưu, từ ngày đó, bà Ánh mới có chồng đỡ đần mọi việc lớn nhỏ trong nhà. Giờ đây, các con đã khôn lớn và lập gia đình, còn lại hai ông bà họ vẫn vui vẻ và tình cảm với nhau như ngày nào.

Ánh mắt tươi rói, rạng ngời hạnh phúc, bà Ánh chia sẻ về chuyện tình của mình: “Ngày đó thấy ông ấy hiền lành nên có tình cảm thôi chứ không dám hứa hẹn gì cả. Lúc gặp ông ấy ở Mộc Châu và cả khi đã chia tay mình mới thấy thương ông ấy nhiều lắm. Lúc đó chỉ mong chiến tranh sớm kết thúc để được về bên nhau thôi. Không ngờ, sau này chúng tôi vẫn có cơ hội là vợ chồng và đã ở bên nhau được gần 60 năm rồi”.

Tự hào với hạnh phúc mà mình đang có, ông Lộc đã tự tay mình viết lại chuyện tình của ông và bà với tựa đề “yêu nhau trên đường ra trận” được in trong cuốn Điện Biên Phủ điểm hẹn. Trong truyện ngắn đó, ông Lộc đã dành những lời chứa chan tình cảm để viết về người con gái gan dạ, kiên cường, một người vợ đảm đang chu toàn để ông có thời gian cống hiến cho tổ quốc.

Năm nay đã bước sang tuổi 86, ông vẫn mạnh khỏe, minh mẫn, còn bà vẫn ngày ngày đạp xe đi chợ và giao lưu cùng các đồng đội cũ. Với ông bà giờ đây họ chỉ muốn được quây quần cùng con cháu. Thi thoảng ông bà lại kể cho các con, cháu nghe về chuyện tình đẹp như cổ tích mình. Ông Lộc, bà Ánh muốn con cháu hiểu rằng, đại gia đình mà mình đang sống một phần được tạo nên từ tình yêu tổ quốc.
Vân Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện tình trên đường ra trận của đôi vợ chồng cựu chiến binh