Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH-CĐ các học sinh luôn được Bộ GD-ĐT cũng như các thầy cô, chuyên gia tư vấn về kỳ thi một cách cặn kẽ.

Kỳ thi THPT 2022: Mỗi thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng ở 1 phương thức

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 11/04/2022, 12:50

Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH-CĐ các học sinh luôn được Bộ GD-ĐT cũng như các thầy cô, chuyên gia tư vấn về kỳ thi một cách cặn kẽ.

Các trường thành lập tổ tư vấn online

Hiện nay đa số trường đã thành lập tổ tư vấn tuyển sinh để hướng dẫn, hỗ trợ học sinh trong suốt quá trình đăng ký nguyện vọng. Các thiết bị và đường truyền internet cũng được chuẩn bị chu đáo, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trong quá trình tham gia đăng ký nguyện vọng. Ngoài việc học sinh luôn tự cập nhật thông tin từ các trường một cách kịp thời thông qua các trang điện tử, báo chí thì chính thầy cô cũng là người trực tiếp tư vấn, hỗ trợ cho học sinh một cách tốt nhất, về giấy tờ, học bạ hay chính những hình ảnh chụp của thí sinh, hỗ trợ đăng ký online...

Năm 2022 có những thay đổi về tuyển sinh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên các chuyên gia giáo dục đều cho rằng học sinh cần lưu ý những nguyện vọng của mình để căn đủ thời gian đăng ký. Cùng với đó, các em cũng cần chủ động tiếp cận thông tin những trường đại học, cao đẳng mà mình dự kiến đăng ký xét tuyển; chuẩn bị các nguyện vọng phù hợp năng lực, nguyện vọng bản thân, điều kiện gia đình và những yếu tố khác theo thứ tự ưu tiên một cách khoa học.

hoc-sinh-12-4.jpg
Học sinh được tư vấn cẩn thận trước khi đăng ký vào các trường ĐH-CĐ

Tại Trường THPT Trần Phú (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), cô Bùi Thu Hiền - giáo viên phụ trách công tác tuyển sinh khẳng định trường luôn hỗ trợ học sinh tối đa để các em đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. "Các em cần xác định và tìm hiểu thật kỹ để có những nguyện vọng phù hợp và chuẩn hóa thông tin để không bị lỡ cơ hội của chính mình. Việc thay đổi cách thức tuyển sinh của các trường ĐH cũng nhằm tránh cho học sinh học tủ, học vẹt. Đây cũng chính là xu hướng tiến bộ, tăng cơ hội trúng tuyển đối với các thí sinh đúng thực lực. Các em học sinh cần tập trung vào đúng ngành học của mình, từ đó tìm ra cách học cụ thể phù hợp với phương thức xét tuyển đã chọn. Quan tâm đến kỳ thi đánh giá năng lực cũng là một cách thức tăng thêm cơ hội trúng tuyển, vì đã có khoảng gần 50 trường ĐH sử dụng kết quả của kỳ thi THPT 2022 để xếp loại đầu vào" - cô Hiền khẳng định.

Các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng hiện nay khi dịch bùng phát, nhu cầu tiếp cận chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh của học sinh và phụ huynh qua mạng xã hội, website ngày càng lớn. Chính vì thế, ngoài các mạng xã hội thông dụng, kênh YouTube, Fanpage, tư vấn qua Zalo, nhà trường còn đầu tư thực hiện nhiều chương trình trực tiếp gần gũi với giới trẻ.

"Hình thức tư vấn tuyển sinh trực tiếp, tư vấn tuyển sinh trực tuyến tận dụng được nền tảng của công nghệ số, giúp phụ huynh và thí sinh dễ dàng tiếp cận thông tin hơn, không phải di chuyển đến địa điểm tư vấn. Đồng thời, đối với tư vấn tuyển sinh trực tuyến, thí sinh cũng mạnh dạn hơn trong việc đặt câu hỏi về ngành học và có thể xem lại video livestream bất cứ lúc nào. Đặc biệt, khi tư vấn tuyển sinh chất lượng, các trường sẽ đảm bảo chỉ tiêu đầu vào, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của trường. Cái hay của tuyển sinh trực tuyến là các trường có thể tương tác, trả lời kỹ cho học sinh sau khi chương trình kết thúc. Mình cũng có thể bổ sung thêm thông tin của trường lên trên đó để học sinh tương tác nhiều hơn", PGS-TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ.

Chấm dứt tình trạng một học sinh trúng tuyển nhiều nguyện vọng

Trao đổi về lý do kỳ thi THPT 2022 các trường đều lọc chung một hệ thống lọc ảo của Bộ GD-ĐT, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết thực tế trên làm ảnh hưởng tới cơ hội trúng tuyển của thí sinh khác và gây khó khăn cho công tác dự báo trong tuyển sinh của cơ sở đào tạo. "Do các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển cho một ngành, nhưng phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, hoặc tuyển sinh không đúng với số lượng đã công bố cho từng phương thức xét tuyển, dẫn đến thiếu công bằng đối với thí sinh và gây một số hệ quả không tốt trong dư luận xã hội. Bên cạnh đó, các trường áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, nhưng chưa có đủ biện pháp bảo đảm công bằng giữa các thí sinh. Có trường tiến hành gọi thí sinh nhập học sớm mà không cập nhật dữ liệu lên hệ thống chung, dẫn tới số lượng thí sinh ảo gia tăng. Cũng có trường chưa thực sự tạo điều kiện cho thí sinh lựa chọn được ngành học theo đúng nguyện vọng ưu tiên và có năng lực nhất", cô Thủy nhận xét.

hoc-sinh-12-2.jpg
Các học sinh lớp 12 đang tăng tốc học ôn để chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi THPT 2022

Một số cơ sở đào tạo khai báo chỉ tiêu còn chưa chính xác, do vậy xảy ra tình trạng nhiều thí sinh không đủ điều kiện vẫn trúng tuyển và phải xử lý các vấn đề nảy sinh sau khi thí sinh tiến hành nhập học. Một số trường nhập thông tin về điểm sàn, các điều kiện sơ tuyển lên hệ thống không đúng với đề án tuyển sinh đã công bố…

Chính vì thế, năm 2022 Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh một số nội dung trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ; trong đó có dự kiến xây dựng phần mềm lọc ảo chung cho tất cả phương thức xét tuyển, bao gồm cả phương thức xét tuyển riêng của các trường ĐH thay vì chỉ lọc ảo theo phương thức xét tuyển dựa trên điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT như trước. Các thí sinh chỉ đỗ 1 nguyện vọng ở phương thức duy nhất. Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thành văn bản chỉ đạo phục vụ công tác tuyển sinh 2022 theo kế hoạch; đồng thời xây dựng, thử nghiệm, hoàn thiện “hệ thống xử lý nguyện vọng và lọc ảo”: hoàn thiện phần mềm đăng ký xét tuyển trực tuyến đối với các phương thức xét tuyển của các cơ sở đào tạo, tổ chức đăng ký xét tuyển và lọc ảo chung toàn hệ thống trong đợt 1.

Bộ GD-ĐT cũng sẽ rà soát nhu cầu của các địa phương, năng lực của cơ sở đào tạo, xác định chỉ tiêu đào tạo giáo viên theo Nghị định 116. Tiếp tục công tác truyền thông, phổ biến văn bản về tuyển sinh và tổ chức kiểm tra, thanh tra điều kiện bảo đảm chất lượng, công tác tuyển sinh của một số trường…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ thi THPT 2022: Mỗi thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng ở 1 phương thức