Không có gì thực sự bị phá vỡ - đó là triết lý đằng sau nghệ thuật Kintsugi của Nhật Bản, một nghề thủ công hàn gắn đồ gốm bị vỡ bằng cách sử dụng các đường nối từ vàng tuyệt hảo.

Kintsugi: Nghệ thuật dùng vàng ròng hàn gắn gốm vỡ và triết lý sống của người Nhật

15/06/2019, 14:50

Không có gì thực sự bị phá vỡ - đó là triết lý đằng sau nghệ thuật Kintsugi của Nhật Bản, một nghề thủ công hàn gắn đồ gốm bị vỡ bằng cách sử dụng các đường nối từ vàng tuyệt hảo.

Trong tiếng Nhật, từ Kintsugi có nghĩa là "dùng vàng để hàn gắn", đây là một nghề thủ công xuất hiện từ thế kỷ 15 dành riêng cho việc phục hồi gốm. Kintsugi là một loại hình nghệ thuật cổ xưa có thể biến gốm vỡ thành những kiệt tác hồi sinh từ vàng. Bên cạnh đó, kintsugi cũng mang một ý nghĩa triết học sâu sắc về việc tập trung vào vẻ đẹp và sức mạnh tiềm ẩn trong cuộc sống.

Câu chuyện về Kintsugi bắt nguồn từ thế kỉ 15, khi tướng quân Nhật Bản Ashikaga Yoshimasa làm vỡ một trong những chiếc bát trà Trung Quốc yêu quý nhất của mình, ông đã cho người mang chiếc cốc sang Trung Quốc để họ hàn gắn lại. Tuy nhiên, khi nhận về chiếc bát trà, ông đã vô cùng thất vọng về những vết hàn thô kệch xấu xí đó nên ông đã giao cho các thợ thủ công Nhật Bản tìm cách hàn gắn lại nó theo phương pháp mới và kết quả khiến ông vô cùng hài lòng.

Từ đó, Kintsugi trở thành một loại hình nghệ thuật và đã tồn tại được hơn 500 năm. Với ý nghĩa "kết hợp với vàng", đồ gốm sứ bị vỡ sẽ được hàn lại bằng một đường sơn mài và kim loại quý, cụ thể là vàng, bạc, bạch kim. Nhìn vào nghệ thuật của Kintsugi, người ta có thể thấy ngay sức mạnh biến đổi của nó. Các mảnh vỡ của một chiếc bình sẽ được nối lại một cách điêu nghệ với viền vàng ánh sang trọng.

Mặc dù hình dạng ban đầu của chiếc bình đã bị biến mất mãi mãi, thông qua thuật giả kim của Kintsugi, bản chất vẻ đẹp của chiếc bình không chỉ tiếp tục tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Nghệ thuật này cũng mang trong mình một triết lý phương Đông pha lẫn phương Tây: Nếu vẻ đẹp đáng kinh ngạc như vậy có thể xuất hiện từ các mảnh vỡ của chiếc bình, thì một sự biến đổi tương tự cũng có thể xảy ra với chính con người chúng ta.

Nói theo cách khác, sự biến đổi không chỉ là việc đưa các mảnh vỡ của cuộc sống trở lại với nhau, mà còn là sự tái tạo lại toàn bộ bản thân trong đó các mảnh vỡ của chúng ta được ghép thành một kiệt tác đẹp đẽ, hoàn hảo.

Kintsugi thuộc một trong những tư tưởng Thiền tông của người Nhật: tôn trọng những thứ đơn giản, cũ kĩ và đi tìm vẻ đẹp trong sự thiếu hoàn hảo. Bởi vậy, người Nhật thường có câu "cuộc đời ta giống như một chiếc chén đã vỡ". Từ những vấp ngã, tổn thương, thất bại mà chúng ta phải trải qua sẽ trở thành những vết sẹo đi mãi theo chúng ta suốt cuộc đời, nhưng nếu chúng ta biết hàn gắn nó, tô vẽ cho nó thoát khỏi sự đau buồn, rạn nứt, thì những vết sẹo đó chính là một trong những điều khiến ta trở nên hoàn hảo và mạnh mẽ hơn trước.

Nghệ thuật Kintsugi cũng cho chúng ta thấy rằng chẳng có ai là hoàn hảo trên cuộc đời này, nhưng những vết sẹo cuộc đời có thể khiến chúng ta tỏa sáng như những chiếc bát được hàn gắn lại từ bột vàng.

Phương pháp phục hồi trong Kintsugi

Kintsugi thường có 3 phương pháp. Phương pháp đầu tiên là phương pháp phục hồi. Đây là phương pháp cơ bản nhất, bằng cách dùng hỗn hợp có thành phần chính là vàng để nối lại những mảnh vỡ.

Phương pháp thay thế trong Kintsugi

Phương pháp thứ hai là thay thế, đây là phương pháp dùng khi sản phẩm gốm sứ bị thiếu đi một miếng. Lúc này, nghệ nhân sẽ dùng "nhựa" vàng hoặc hợp chất vàng để hoàn thiện lại.

Phương pháp ghép lai trong Kintsugi.

Và phương pháp cuối cùng là phương pháp ghép lai, là việc dùng những mảnh vỡ có cùng chất liệu nhưng hoa văn lại khác với sản phẩm gốm sứ ban đầu. Đây là phương pháp khó nhất bởi nó đòi hỏi sự tinh tế và tỉ mẩn của người nghệ nhân vì phải lựa chọn những mảnh vỡ phù hợp và tương đồng, không chỉ về màu sắc mà còn cả bố cục, họa tiết...

Những món đồ bị vỡ sau khi được hàn lại bằng sự kết hợp giữa sơn mài và vàng thường đẹp hơn và bền hơn lúc đầu. Nó trở thành những tác phẩm đầy chất nghệ thuật, mang biểu tượng của sức mạnh, sự mong manh và cái đẹp trong sự thiếu hoàn hảo. Đồng thời, giá trị nghệ thuật và giá trị vật chất của món đồ không hề bị giảm đi sau khi mang lên mình những vết hàn gắn đó.

Nghệ thuật Kintsugi mang ý nghĩa lớn lao trong đời sống rằng những vết sẹo, những tổn thương, những vỡ vụn là thứ không cần phải giấu đi, bởi chẳng có ai trên đời này không phải chịu đựng những điều đó. Kintsugi thể hiện triết lý trân trọng những sai lầm và những điều không hoàn hảo, không tròn vẹn trong cuộc đời này.

Mỗi vết nứt trên món đồ gốm cũng giống như đời mỗi người, đều mang trong mình một câu chuyện khác nhau. Món đồ gốm càng trở nên đẹp đẽ hơn, xinh đẹp hơn và đáng quý hơn là bởi từ chính những mảnh vỡ đã được hàn gắn lại. Và cuộc đời mỗi chúng ta sẽ trở nên ý nghĩa hơn sau những trải nghiệm đầy cảm xúc.

Mặc dù chúng ta thường có xu hướng trốn tránh việc nhìn lại những tổn thương, nỗi đau mà chúng ta đã trải qua, nhưng nếu can đảm đối mặt với những "vết nứt cuộc đời" đó, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng qua nó chúng ta đã trở nên trưởng thành hơn, hoàn hảo hơn và xinh đẹp hơn.

Theo CafeF

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kintsugi: Nghệ thuật dùng vàng ròng hàn gắn gốm vỡ và triết lý sống của người Nhật