Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022.

Kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn dự kiến

Lam Thanh | 21/09/2022, 16:00

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022.

Tại buổi họp báo "Cập nhật tình hình Phát triển Kinh tế Việt Nam" ngày 21.9, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định: “Nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022, và tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức. Kinh tế phục hồi ổn định nhờ các cân đối kinh tế mạnh, được hỗ trợ bởi sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành sản xuất chế biến chế tạo và dịch vụ.”

ADB đánh giá kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại có thể tác động đến sự phục hồi kinh tế của Việt Nam và gây áp lực lên cán cân vãng lai trong ngắn hạn.

Theo báo cáo của ADB, trong 6 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế phục hồi nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Tăng trưởng đạt mức 7,7% trong quý 2 và đạt mức tăng bình quân 6,4% trong 6 tháng đầu năm - cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và 2020, nhưng vẫn thấp hơn mức 6,8% trong năm 2019 trước đại dịch.

Sự chậm trễ mang tính hệ thống trong giải ngân vốn đầu tư công làm giảm tốc độ tăng trưởng xây dựng, từ 6,5% trong 6 tháng đầu năm 2021 xuống mức 3,7%.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm trong 6 tháng đầu năm - ước tính khoảng 6,5 tỉ USD, bằng 27% kế hoạch cả năm của Chính phủ - làm giảm mức tăng tổng đầu tư trong nước, xuống 3,9% so với 5,7% trong 6 tháng đầu năm 2021.

Môi trường kinh doanh được cải thiện và hoạt động kinh tế được phục hồi. Mặc dù nguồn cung lao động trở lại bình thường, các ngành sử dụng nhiều nhân công như dệt may vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động phần lớn là do mức lương kém cạnh tranh. Điều đó phần nào phản ánh thị trường lao động Việt Nam đang dịch chuyển sang các ngành có giá trị gia tăng cao hơn.

kinh-te.jpg
Nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022

Trong báo cáo này, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng là 6,5% cho năm 2022 và 6,7% cho năm 2023.

Cũng theo ADB, tình trạng thiếu lương thực và sự hồi phục của chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu sẽ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trong năm nay. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng nông nghiệp được điều chỉnh xuống 3,0% từ mức dự báo 3,5% trước đó do chi phí đầu vào cao có thể hạn chế tăng trưởng của ngành.

Dự báo tăng trưởng công nghiệp giảm từ 9,5% xuống 8,5%, nhưng triển vọng công nghiệp vẫn có xu hướng đi lên do giải ngân vốn FDI mạnh mẽ trong khu vực này.

Theo ADB, cầu trên thị trường thế giới yếu hơn nên xuất khẩu chậm lại. Tiền đồng giảm giá làm giá trị hàng nhập khẩu đắt hơn hàng xuất khẩu, dự kiến sẽ dẫn đến thâm hụt thương mại trong năm 2022. Lạm phát toàn cầu cao, mặc dù đang dần chậm lại, và các điều kiện tài chính thắt chặt sẽ tiếp tục làm giảm kiều hối.

Do tất cả những nguyên nhân này, cán cân vãng lai dự báo sẽ thâm hụt 1,5% GDP trong năm nay; trong khi Báo cáo ADO 2022 trước đó dự báo thặng dư. Cán cân vãng lai được dự báo thâm hụt ở mức 1,7% GDP trong năm 2023 do kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu yếu đi.

ADB cho hay bội chi ngân sách dự báo sẽ tăng lên mức 4% GDP trong năm nay do tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát giá cả, cắt giảm thuế, hỗ trợ ngân sách theo mục tiêu, chi tiêu cho an sinh xã hội, y tế và tiêm chủng COVID-19. Tuy nhiên, nợ công được kiểm soát tốt nên còn đủ dư địa tài khóa.

Theo ước tính, nợ công ở mức 43,1% GDP trong năm 2021, thấp hơn so với mức luật định 60%. Nợ nước ngoài của quốc gia được dự báo là 38,4% GDP, nằm trong giới hạn luật định là 45,0%. Vị thế tài khóa vững chắc và nợ công thấp đã hỗ trợ đáng kể cho sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu và lãi suất tăng lên.

tien-te.jpg
Chính sách tiền tệ thận trọng của Việt Nam góp phần kiểm soát lạm phát

Chính sách tiền tệ thận trọng của Việt Nam và thực hiện hiệu quả các biện pháp kiểm soát giá xăng dầu, điện, thực phẩm, y tế và giáo dục sẽ góp phần kiềm chế lạm phát ở mức 3,8% trong năm 2022 và 4,0% trong năm 2023.

Mặc dù môi trường kinh doanh được cải thiện trong 8 tháng đầu năm, đà kinh doanh bắt đầu chững lại và số doanh nghiệp đăng ký mới giảm nhẹ trong tháng 8, dù số lũy kế doanh nghiệp mới vẫn tăng lên. Sự suy giảm này phản ánh các thách thức trong quá trình phục hồi kinh doanh; ví dụ như thiếu lao động và giảm đơn đặt hàng mới.

ADB nhận định rủi ro đối với triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn ở mức cao. Suy thoái kinh tế toàn cầu có thể tác động đến xuất khẩu nặng nề hơn so với dự báo, điều này sẽ làm cán cân tài khoản vãng lai xấu đi.

Mặc dù các đợt tăng lãi suất quyết liệt của ngân hàng trung ương các nền kinh tế lớn đã góp phần giảm áp lực tăng giá trên toàn cầu, sự gia tăng bất ổn địa-chính trị toàn cầu lại có thể đẩy giá hàng hóa lên cao, ảnh hưởng đến lạm phát ở Việt Nam.

Ngoài ra, dịch COVID-19 có thể tái bùng phát trong bối cảnh hệ thống y tế chưa đủ sẵn sàng do nhiều nhân viên y tế gần đây xin nghỉ việc và tình trạng thiếu thuốc men, thiết bị y tế. Lao động thiếu hụt sẽ cản trở sự phục hồi nhanh chóng của khu vực dịch vụ và các lĩnh vực xuất khẩu sử dụng nhiều lao động trong năm 2022.

Thêm nữa, việc không thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và chi tiêu xã hội theo đúng kế hoạch có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng trong năm nay và năm sau.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn dự kiến