Với việc sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu, nhiều ý kiến cho rằng việc siết chặt các quy định có thể khiến thị trường bị “bóp nghẹt” cả về phía cung và phía cầu.

Sửa đổi Nghị định 153 về trái phiếu: Siết chặt quá có thể khiến thị trường bị “bóp nghẹt”

Hoài Lam | 17/09/2022, 19:02

Với việc sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu, nhiều ý kiến cho rằng việc siết chặt các quy định có thể khiến thị trường bị “bóp nghẹt” cả về phía cung và phía cầu.

Dự thảo Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ với hơn 10 nội dung sửa đổi theo hướng siết các quy định về mục đích và điều kiện phát hành, nâng cao tiêu chí nhà đầu tư… có thể sớm được ban hành.

Việc này thể hiện quyết tâm của cơ quan quản lý nhằm ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tồn tại nhiều rủi ro, bất cập, dẫn đến những trường hợp sai phạm trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại việc siết chặt các quy định có thể khiến thị trường bị “bóp nghẹt”. 

tp.jpg
Nghị định 153/2020/NĐ-CP Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang được xây dựng

Trao đổi với phóng viên bên lề Hội thảo “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: "Niềm tin và trách nhiệm”, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cho biết dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường nước ngoài được sửa đổi theo hướng an toàn hơn, chuyên nghiệp hơn.

Ngoài ra, ban soạn thảo muốn chuyển hướng trái phiếu phát hành riêng lẻ thành trái phiếu phát hành ra công chúng, giảm tối thiểu trái phiếu riêng lẻ.

“Điều này phù hợp với xu hướng chung trên thị trường thế giới và chuyên nghiệp hóa thị trường trái phiếu Việt Nam. Vì chỉ có phát hành ra công chúng mới làm được hai việc quan trọng là xếp hạng và giám sát. Mà không có xếp hạng thì không có thị trường trái phiếu và hai là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới giám sát được, để thị trường hoạt động bình thường”, ông Nghĩa nói.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng thời gian xét duyệt thủ tục phát hành ra công chúng quá lâu khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà.

Bình luận về điều này, ông Nghĩa cũng cho rằng đây là vấn đề đáng lo. Khi khảo sát công suất xử lý hồ sơ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, họ có cả núi hồ sơ nhưng chỉ do Vụ Phát hành phụ trách. Do đó, với công suất hiện tại không có khả năng làm nhanh được. Hồ sơ từ khi trình duyệt đến phát hành chỉ nên 1 tuần, chậm lắm 2 tuần thôi nhưng với công suất hiện nay của Vụ Phát hành phải mất 6 tháng đến 1 năm mới xong 1 bộ hồ sơ.

tp-2.jpg
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia - Ảnh: Báo Đầu tư

“Trong cuộc họp với Thủ tướng hôm qua, Bộ Tài chính cũng đồng tình và cho rằng cần có bước chuẩn bị đó là nâng xếp hạng và nâng công suất xử lý hồ sơ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo tôi, cần cải tiến thủ thuật xét duyệt hồ sơ và cần liên kết với tổ chức nước ngoài để chuẩn hóa quy trình xếp hạng. Nếu ta tự làm thì lâu hơn và không chuẩn. Nhưng điều quan trọng hơn là người xem xét xếp hạng phải khách quan, minh bạch”, ông Nghĩa nêu.

Ông Nghĩa cũng cho rằng cần phát hành trái phiếu dài hạn hơn 5 năm, 10 năm thậm chí 15 năm, nếu không doanh nghiệp buộc phải đảo nợ, phải phát hành mới để trả nợ cũ.

“Sắp tới, các nhà chuyên môn và cơ quan quản lý cần tạo lòng tin vững chắc hơn cho nhà đầu tư, cần đẩy nhanh tiến độ xếp hạng và xử lý hồ sơ phát hành, thanh tra giám sát để thị trường ổn định. Khi nhà đầu tư có lòng tin, doanh nghiệp phát hành được kỳ hạn 5 năm, 10 năm, thậm chí 15 năm mới là thành công của thị trường trái phiếu. Vì đây là thị trường vốn dài hạn, chủ chốt của doanh nghiệp”, ông Nghĩa nêu.

Nói với phóng viên Một Thế Giới về Nghị định 153, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho hay nghị định này còn tồn tại một số điểm bất cập cần sửa đổi.

Cụ thể, Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, theo hướng siết các quy định về mục đích và điều kiện phát hành, nâng cao tiêu chí nhà đầu tư… Việc này thể hiện quyết tâm của cơ quan quản lý nhằm ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tồn tại nhiều rủi ro, bất cập, dẫn đến những trường hợp sai phạm trong thời gian qua. Tuy vậy, việc siết chặt các quy định khiến không ít ý kiến quan ngại rằng, thị trường có thể bị “bóp nghẹt” cả về phía cung và phía cầu.

Chẳng hạn, nhằm hạn chế nguồn vốn chạy “lòng vòng”, dự thảo quy định, doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu riêng lẻ để đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn.

“Việc cấm doanh nghiệp phát hành trái phiếu để góp vốn dưới hình thức góp vốn hoặc mua cổ phần tại doanh nghiệp khác trong Nghị định 153/2020/NĐ-CP nhằm hạn chế tình trạng công ty mẹ, công ty trong cùng tập đoàn huy động để chuyển vốn cho nhau. Tuy nhiên, quy định này không phù hợp với nguyên tắc quản trị của các tập đoàn bởi lẽ đã ngăn cản quyền tự do huy động vốn của doanh nghiệp”, ông Hà nêu.

tp-3.jpg
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw

Ngoài ra, Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định yêu cầu "kết quả xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và trái phiếu phát hành trong trường hợp phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm, không có bảo lãnh thanh toán, doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh của năm liền trước phát hành lỗ hoặc có lỗ lũy kế tính đến năm phát hành".

“Đây là điểm hạn chế lớn vì Việt Nam có ít doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm và đơn vị nào sẽ xem xét chất lượng của đơn vị xếp hạng tín nhiệm”, ông Hà nói và cho biết cộng đồng doanh nghiệp mong muốn nghị định về trái phiếu ngoài mục tiêu quản lý nhà nước còn có mục tiêu thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, bền vững, là một kênh dẫn vốn cho nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản nói riêng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sửa đổi Nghị định 153 về trái phiếu: Siết chặt quá có thể khiến thị trường bị “bóp nghẹt”