Bất chấp COVID-19, Việt Nam duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 và dự báo năm 2021 sẽ có được sự phục hồi mạnh mẽ.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng dù năm qua gặp đại dịch COVID-19 nhưng nhiều DN có nhận định tích cực về tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý 4 và các tháng cuối năm 2020.
Qua kết quả điều tra các DN ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã nhìn thấy sự hồi phục đáng kể các DN làm ăn, kinh doanh có kết quả tốt và ổn định. Số các DN phản ánh gặp khó khăn đã giảm đi đáng kể trong quý 2 và quý 3.
Đặc biệt, số DN dự báo gặp khó khăn trong quý 4 chỉ còn 19% phản ánh tốc độ phục hồi mạnh mẽ của khu vực DN trong những tháng còn lại của năm 2020.
Sau đây, Một Thế Giới sẽ điểm lại một số dấu ấn kinh tế vĩ mô 2020
Bất chấp COVID-19, Việt Nam duy trì đà tăng trưởng kinh tế
Dù gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng GDP 1,8% trong nửa đầu năm nay và là một trong số những quốc gia hiếm hoi trên thế giới duy trì được đà tăng trưởng kinh tế.
Lạm phát bình quân 11 tháng qua tiếp tục được kiểm soát với mức tăng 3,51% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn mục tiêu bình quân dưới 4% mà Quốc hội đề ra.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 là 2,4% và nhận định Việt Nam là một trong 4 nền kinh tế thế giới có chỉ số GDP bình quân đầu người tăng trưởng, bên cạnh Đài Loan - Trung Quốc, Ai Cập và Trung Quốc.
Theo HSBC Việt Nam, trong năm 2020, động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục là khu vực chế biến chế tạo và xuất khẩu cùng với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các chỉ số của tháng 11 cho thấy Việt Nam đang trên đà phục hồi kinh tế vững chắc.
Trong khi đó, Báo cáo triển vọng toàn cầu quý 1/2021 của bộ phận Kinh tế toàn cầu và Nghiên cứu các thị trường thuộc Ngân hàng UOB (Singapore) dự đoán Việt Nam sẽ đạt mức tăng GDP trong quý 4/2020 là 4% so cùng kỳ năm trước. Đồng thời, tăng trưởng GDP cả năm 2020 đạt 2,7% và sẽ đạt tới 7,1% vào năm 2021.
Theo báo cáo khảo sát về Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) của EuroCham, các doanh nghiệp châu Âu đã có những đánh giá tích cực về tiềm năng cũng như môi trường đầu tư và thương mại của Việt Nam. Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công trên thế giới về ứng phó với đại dịch.
Các gói hỗ trợ kinh tế lớn chưa từng có
Do đại dịch COVID-19, Chính phủ nhiều nước trên thế giới tung ra các gói cứu trợ, kích thích kinh tế, Việt Nam cũng không ngoài lệ đó.
Gói hỗ trợ tài khóa ước tính 73,1 nghìn tỉ đồng (1,2% GDP) theo Nghị quyết 41 (tháng 4 năm 2020) gồm các biện pháp cho phép miễn, giảm thuế, phí, lệ phí (khoảng 69,3 nghìn tỉ đồng) và gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (khoảng 180 nghìn tỉ đồng trong 5 tháng).
Gói hỗ trợ tín dụng ước tính 36,6 nghìn tỷ đồng (0,6% GDP), bao gồm: (1) mức lãi suất khi các TCTD cho vay mới với lãi suất ưu đãi (giảm 1 - 2,5%/năm so với thông thường) với quy mô cam kết khoảng 600 nghìn tỷ đồng; (2) các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà vẫn giữ nguyên nhóm nợ (không tính lãi phạt); (3) miễn, giảm lãi (giảm 0,5 - 1,5%/năm cho các khoản vay hiện hữu bị ảnh hưởng); (4) miễn, giảm phí, nhất là phí thanh toán và một số phí dịch vụ khác... .
Song song với đó, NHNN cũng đã hai lần giảm các lãi suất điều hành, giúp các TCTD có điều kiện giảm lãi suất. Theo NHNN, đến ngày 13.7.2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272.000 khách hàng với dư nợ hơn 210 nghìn tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 435.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng…
Gói an sinh xã hội thực tế có giá trị khoảng 45,8 nghìn tỉ đồng (0,8% GDP), chứ không phải là con số 62 nghìn tỉ đồng, đây là con số dự kiến (do chi phí của gói hỗ trợ cho vay trả lương về bản chất chỉ là phần tiền lãi không tính do lãi suất là 0% khoảng 390 tỉ đồng); đến hạn, doanh nghiệp vẫn phải trả lại phần tiền gốc đã vay.
Nhìn chung, công tác chi trả tiến độ còn chậm, đặc biệt là gói 16.000 tỉ cho vay để trả lương.
Các gói hỗ trợ khác ước tính có tổng giá trị 26 nghìn tỉ đồng (0,43% GDP) bao gồm: gói hỗ trợ giảm 10% giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trị giá 10.900 tỉ đồng và gói hỗ trợ giảm giá dịch vụ viễn thông trị giá trị 15.000 tỉ đồng…
Xuất khẩu liên tiếp lập kỷ lục mới
Tính đến hết tháng 11, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỉ USD. Ước tính năm 2020, thặng dư thương mại hàng hóa vào khoảng 7 tỉ USD.
Trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2021.
Điều đáng mừng nữa là cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, công nghiệp.
Chuyển dịch cơ cấu về thành phần xuất khẩu đã có dấu hiệu tích cực, khi xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước có mức tăng trưởng cao vượt khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Năm 2019, khối doanh nghiệp trong nước có trị giá xuất khẩu tăng 19,1% so với năm trước, trong khi khối doanh nghiệp FDI chỉ tăng 4,2%. Số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỉ USD tăng dần, từ 23 mặt hàng năm 2015 lên 32 mặt hàng năm 2019.
Với mặt hàng gạo thì năm 2020 có thể nói là năm “thắng đậm” khi nông dân trúng mùa lớn, trong khi xuất khẩu gạo liên tiếp vượt Thái Lan và Ấn Độ, soán ngôi số 1 thế giới về giá bán. Nông dân trồng lúa còn xuất khẩu dự kiến thu về 3 tỉ USD.
Hiệp định EVFTA có hiệu lực
Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1.8.2020 mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn, đây cũng là thời điểm đặc biệt quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-EU.
EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Khi được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
EVFTA sẽ tiến tới loại bỏ thuế đối với 99% tất cả hàng hóa được giao dịch giữa EU và Việt Nam. Việc kinh doanh tại Việt Nam cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn đối với các công ty châu Âu.
EU hiện là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Mỹ) với kim ngạch hai chiều tăng gần 14 lần từ mức chỉ 4,1 tỉ USD năm 2000 lên 56,45 tỉ USD năm 2019; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng gần 15 lần từ 2,8 tỉ USD lên 41,54 tỉ USD.
Ký Hiệp định RCEP
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức ký kết ngày 15.11 trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, tại Hà Nội.
Đây là hiệp định thương mại tự do được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN và các đối tác đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Khi được đi vào thực thi, RCEP sẽ hình thành khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, với GDP chiếm tới 32% tổng GDP toàn cầu, khoảng 32.000 tỉ USD, chiếm 47,5% dân số thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sau 8 năm đàm phán, ASEAN và các nước đối tác đã hoàn thành thắng lợi việc đàm phán hiệp định RCEP với khối lượng công việc đồ sộ, mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế-thương mại mới đầy hứa hẹn, tốt đẹp.
Bên cạnh đó, khuôn khổ hợp tác mới của Hiệp định RCEP sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN 2025, đưa ASEAN trở thành đối tác năng động, mạnh mẽ, hợp tác vì sự thịnh vượng chung.
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẵn sàng vận hành thương mại
Hiện đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang trong giai đoạn chạy thử 20 ngày để đánh giá an toàn hệ thống, phục vụ công tác nghiệm thu, bàn giao.
Hanoi Metro đã đưa 700 người lên tuyến và các nhân sự hoàn toàn tự chủ vận hành, tuân thủ chạy tàu khai thác thương mại với 287 lượt chạy tàu mỗi ngày. Công tác vận hành diễn ra suôn sẻ theo đúng yêu cầu kỹ thuật.
Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, đơn vị này đã thực hiện xong và cấp kiểm định chính thức cho 13 đoàn tàu, hạng mục liên quan của đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông.
HĐND TP Hà Nội đã phê duyệt phương án giá vé để áp dụng khi được phép khai thác thương mại. Vé được chia thành nhiều loại khác nhau như: Vé tháng, vé ngày, vé lượt.
Cụ thể, vé tháng có giá trị sử dụng 30 ngày kể từ ngày mua với 2 mức là 100.000 đồng/tháng (nhóm hành khách thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định của thành phố) và 200.000 đồng/tháng (nhóm hành khách thông thường); vé ngày (30.000 đồng/vé, loại vé này không hạn chế số lần sử dụng dịch vụ trong một ngày); vé lượt tính theo chặng sử dụng, dao động từ 8.000-15.000 đồng/lượt tùy theo chặng. Trong đó, 7.000 đồng là giá mở cửa cộng thêm 600 đồng cho mỗi km tiếp theo; 15.000 đồng là giá vé toàn tuyến.
Nghị định 126 gây xôn xao
Nghị định 126 hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế có hiệu lực vào ngày 5.12 đã làm dư luận xon xao.
Một trong những quy định được quan tâm nhất là số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập cả năm.
Nếu người nộp thuế nộp ít hơn 75% thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu (tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 3 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước).
Quy định này được cho là “gây khó dễ” cho doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp đối diện rủi ro bị phạt từ cơ quan thuế. Tuy nhiên, Tổng cục Thuế sau đó đã lên tiếng giải thích rằng quy định trên chỉ áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2021, còn năm nay vẫn theo quy định cũ.
Ngoài ra, cũng liên quan đến cách áp dụng nghị định này mà nhiều tài xế Grab đã đình công, đại diện Grab và Tổng cục Thuế cũng đã nhiều lần trái chiều quan điểm khi đối thoại với nhau về vấn đề này.
Chính thức có luật cho PPP
Với kết quả 92,75% đại biểu tán thành, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chính thức được thông qua chiều ngày 18.6.2020 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14.
Về lĩnh vực đầu tư, Luật PPP khu biệt 5 lĩnh vực thiết yếu để đầu tư theo phương thức PPP nhằm tập trung nguồn lực cụ thể bao gồm: (1) Giao thông, (2) Lưới điện, Nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện và trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật điện lực); (3) Thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải; (4) Y tế, giáo dục – đào tạo; (5) Hạ tầng công nghệ thông tin.
Về quy mô đầu tư, Luật PPP quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu để đầu tư theo phương thức PPP là 200 tỉ đồng. Đối với một số dự án ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục – đào tạo, giá trị này là 100 tỉ đồng.
Luật này quy định cụ thể mục đích sử dụng phương thức quản lý vốn nhà nước trong dự án PPP. Trong đó, với phần vốn nhà nước để hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và giải phóng mặt bằng, hạn mức tham gia trong dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư.
Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, Luật quy định cơ chế chia sẻ được áp dụng cho tất cả các dự án PPP với tỷ lệ cố định 50%-50% cho hai bên và trên cơ sở kiểm soát định kỳ doanh thu hàng năm.
Luật PPP cho phép các doanh nghiệp dự án PPP được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn thực hiện dự án PPP. Về Dự án BT, Luật PPP thể chế chủ trương dừng thực hiện các dự án BT trong thời gian tới.