TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu thuộc Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi nhưng còn đối diện 4 khó khăn, thách thức.

Kinh tế phục hồi và 4 thách thức lớn phải vượt qua

Lam Thanh | 13/04/2022, 15:19

TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu thuộc Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi nhưng còn đối diện 4 khó khăn, thách thức.

TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu (Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV) vừa công bố Báo cáo về tình hình kinh tế quý 1 và dự báo cả năm 2022.

Kinh tế phục hồi rõ nét

Bản báo cáo đánh giá, trong quý 1/2022, kinh tế Việt Nam phục hồi ngày càng rõ nét hơn, với gam màu sáng hơn nhờ Chính phủ quyết liệt khôi phục và mở cửa các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội.

Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 1/2022 khả quan, ước đạt 5,03%, cao hơn mức tăng 4,72% và 3,66% của quý 1 hai năm trước. Đây là mức tăng trưởng khá, trong bối cảnh còn dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị và áp lực lạm phát, giá cả tăng; đạt mục tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết 01 (từ 4,9 - 5,4%).

Động lực tăng trưởng chính là khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38% (đóng góp 51,08% vào mức tăng trưởng chung) và khu vực dịch vụ tăng 4,58% (đóng góp 43,16%).

Tuy nhiên, đây vẫn là mức thấp hơn mức tăng 6,85% của quý 1/2019, cho thấy cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong 3 quý tiếp theo mới có thể đạt mức tăng trưởng 6 - 6,5% cả năm 2022 như đã đề ra.

Ngoài ra, xuất nhập khẩu (XNK) tăng trưởng tích cực, cán cân thương mại thặng dư. Trong quý 1, tổng kim ngạch XNK đạt 176,4 tỉ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước; đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng tích cực, giải ngân vốn FDI đạt 4,42 tỉ USD, tăng 7,8% - là mức cao nhất của quý 1 trong 5 năm qua.

Theo nhóm nghiên cứu, thu ngân sách nhà nước duy trì đà tích cực nhưng thiếu bền vững và chi đầu tư phát triển còn chậm. Tổng thu quý 1 đạt gần 360 nghìn tỉ đồng, bằng 25,5% dự toán năm và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, một số nguồn thu từ dầu thô, XNK, tiền sử dụng đất còn thiếu bền vững vì phụ thuộc khá nhiều khách quan bên ngoài và đất đai.

san-xuat.jpg
Kinh tế Việt Nam đang phục hồi sau cơn đại dịch

Tổng chi ngân sách nhà nước 3 tháng đầu năm ước đạt 278,8 nghìn tỉ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021, mới đạt 15,6% dự toán năm; trong đó chi đầu tư phát triển mới đạt 9% dự toán năm, chủ yếu do giải ngân đầu tư công còn chậm.

Mặt bằng lãi suất cho vay trong quý 1 duy trì xu hướng ổn định, song lãi suất huy động có dấu hiệu tăng tại một số ngân hàng từ đầu tháng 3 (mức tăng khoảng 0,2 - 0,4%). Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất có xu hướng tăng nhẹ dù vẫn duy trì ở mức thấp trong bối cảnh thanh khoản không còn quá dồi dào.

Phục hồi du lịch khó đạt mục tiêu

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu cho rằng hoạt động doanh nghiệp khởi sắc. Trong quý 1, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng mạnh nhất trong 5 năm qua và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng 73,6% so với cùng kỳ cho thấy doanh nghiệp đang phục hồi.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đối mặt nhiều khó khăn như dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; rủi ro bên ngoài gia tăng; giá nguyên vật liệu (xăng, dầu, sắt thép, vật liệu xây dựng, nhân công…) đều tăng, dẫn đến lợi nhuận biên bị thu hẹp; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn vẫn tăng 49,7% so với cùng kỳ.

Trong quý 1, Việt Nam đã mở cửa du lịch hoàn toàn từ ngày 15.3 trong điều kiện bình thường mới, khách quốc tế đến Việt Nam ước tăng 89% so với cùng kỳ năm trước và lĩnh vực du lịch được dự báo sẽ tiếp tục hồi phục mạnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, du lịch đang phải đối mặt với rủi ro tình hình dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và tác động tiêu cực do xung đột Nga - Ukraine, làm giảm hẳn lượng khách Nga đến Việt Nam (khoảng gần 700.000 khách Nga đến Việt Nam năm 2019)…

Do đó, kế hoạch phục hồi ngành này dự báo sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều và cần nhiều nỗ lực mới có thể đạt mục tiêu 8 - 9 triệu khách quốc tế và 65 - 70 triệu lượt khách nội địa trong giai đoạn 2022-2023.

4 thách thức chính

Báo cáo cho hay trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát, rủi ro từ bên ngoài (đặc biệt là xung đột Nga - Ukraine và biện pháp trừng phạt của phương tây và trả đũa của Nga còn phức tạp, khó đoán định); nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với ít nhất là 4 khó khăn, thách thức.

Thứ nhất, dịch COVID-19 trên thế giới và Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, với sự xuất hiện của biến thể mới có ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch mở cửa và phục hồi kinh tế - xã hội; đòi hỏi cần tiếp tục theo dõi sát sao, đẩy nhanh tiến trình tiêm vắc xin và có phương án, kịch bản ứng phó phù hợp.

Thứ hai, áp lực lạm phát đang gia tăng khi chỉ số CPI tháng 3.2022 tăng 0,7% so với tháng trước (cao nhất trong vòng 11 năm) với hầu hết các nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá.

luc.jpg
TS Cấn Văn Lực chỉ ra 4 thách thức chính của phục hồi kinh tế

Thứ ba, giải ngân đầu tư công chậm, chưa đạt như kỳ vọng. Mặc dù vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tăng 10,6% so với cùng kỳ 2021, nhưng là mức thấp hơn so với cùng kỳ 2 năm trước, mới đạt 14,4% so với kế hoạch năm, chưa đạt kỳ vọng của Chính phủ dù đã có nhiều đôn đốc và biện pháp thời gian qua, cho thấy đây vẫn là thách thức lớn.

Thứ tư, nợ xấu vẫn là thách thức. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn có thể tiếp diễn trong năm 2022, doanh nghiệp dù hồi phục song vẫn còn nhiều khó khăn, một số lĩnh vực dịch vụ phục hồi chậm, khiến nợ xấu có xu hướng gia tăng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến hết năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,5%, nhưng nếu tính cả nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản nợ được cơ cấu lại thì tỷ lệ nợ xấu gộp có thể khoảng 6,3% (so với mức 5,1% cuối năm 2020).

Theo báo cáo, với đà này, dự báo nợ xấu nội bảng có thể lên mức 2% và nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% năm 2022 và sẽ là thách thức khi các chính sách giãn hoãn nợ, cơ cấu lại nợ và Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu hết hiệu lực.

Điều này đặt ra yêu cầu gia hạn, điều chỉnh Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu (sẽ hết hiệu lực từ ngày 15.8.2022) cùng với nỗ lực của các tổ chức tín dụng trong việc tăng dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế phục hồi và 4 thách thức lớn phải vượt qua