Nền kinh tế Nga đã vượt qua Đức “nhờ những nỗ lực trừng phạt của Mỹ” nhằm gây ra suy thoái kinh tế ở châu Âu, một nhà kinh tế Mỹ cho biết.
Theo tiến sĩ Jack Rasmus, Giáo sư Kinh tế và Chính trị tại Đại học St Mary ở California (Mỹ), xung đột ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu đối với Nga đã tàn phá các nền kinh tế châu Âu. “Đây là kế hoạch từ lâu của Washington”, ông nói.
Tuần trước, Ngân hàng Thế giới đã báo cáo rằng vào cuối năm 2022, lần đầu tiên tài sản của Nga tính theo sức mua tương đương (PPP) vượt quá 5 nghìn tỉ USD - vượt qua ba nền kinh tế lớn nhất Tây Âu là Pháp, gã khổng lồ tài chính Anh và cường quốc công nghiệp Đức. PPP chỉ tính đến chi phí khác nhau của hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia khác nhau, không chỉ tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Tiến sĩ Jack Rasmus nói với Sputnik rằng sự trỗi dậy của Nga “thực tế đã thể hiện việc châu Âu đang tự làm chững lại nền kinh tế, đặc biệt là Đức”.
“Phần lớn điều đó liên quan đến các chế tài toàn cầu do Mỹ khởi xướng nhằm đẩy Nga ra khỏi nền kinh tế Tây Âu, cung cấp năng lượng rẻ hơn. Và bây giờ họ đang khiến các quốc gia châu Âu như Đức phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa của Mỹ, đặc biệt là năng lượng. Và điều đó đang gây ra hậu quả. Nó đang làm chững nền kinh tế”, ông Rasmus nói.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố vào tháng 3.2022 rằng "đồng rúp của Nga sẽ là đồ đồng nát" bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, đồng tiền Nga sau đó đã tăng lên mức tỷ giá hối đoái kỷ lục trong nhiều năm.
Các học giả lập luận rằng tăng trưởng kinh tế của Nga không đồng nghĩa với việc Mỹ đã thất bại trong các mục tiêu chiến lược của mình đối với cuộc xung đột Ukraine.
"Mỹ thực sự đang đạt được các mục tiêu của mình, đó là đẩy Nga ra khỏi Tây Âu hoàn toàn về năng lượng, kinh tế và khiến châu Âu phụ thuộc kinh tế nhiều hơn vào Washington. Đó là mục tiêu của cuộc chiến này, khiến châu Âu phụ thuộc kinh tế vào Mỹ, cho phép Mỹ thao túng châu Âu theo nhiều cách.
Nếu bạn nhìn vào châu Âu, lục địa này sẽ trở thành một chư hầu kinh tế của Mỹ. Và về mặt chính trị, châu Âu hiện không có chính sách đối ngoại nào đáng chú ý. Chính NATO đang thúc đẩy chính sách đối ngoại của châu Âu”, tiến sĩ Jack Rasmus nói.