Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết, Kyiv sẽ đánh mất lòng tin của Belgrade nếu công nhận nền độc lập của Kosovo.

Tổng thống Serbia cảnh báo Ukraine về vấn đề Kosovo

Hoàng Vũ (theo TASS) | 09/08/2023, 12:41

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết, Kyiv sẽ đánh mất lòng tin của Belgrade nếu công nhận nền độc lập của Kosovo.

"Chúng tôi coi Ukraine là bạn. Chúng tôi chưa bao giờ có xung đột hay vấn đề nào với Ukraine và tôi hy vọng sẽ không bao giờ có vấn đề gì xảy ra”, ông Vucic nói trong cuộc họp báo về khi được hỏi về khả năng Kyiv có công nhận nền độc lập của Kosovo hay không.

tt-serbia.png
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic - Ảnh: AP

Lãnh đạo Serbia nhấn mạnh: “Hãy tưởng tượng rằng Ukraine công nhận Kosovo. Họ sẽ mất tất cả những gì từng có ngay lập tức - niềm tin chính trị, họ sẽ mất tất cả”.

“Sau đó, làm sao Ukraine có thể nói rằng họ tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Tôi chắc chắn rằng ông Zelensky sẽ không từ bỏ con át chủ bài này”, ông Vucic nói.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh Alicia Kearns thu thập chữ ký của 10 người đứng đầu các ủy ban quốc hội và 56 nghị sĩ các nước châu Âu trong một lá thư kêu gọi chính quyền Mỹ, EU và Anh không chấp nhận "coi Belgrade là trung tâm ở Balkan" và ủng hộ "nền dân chủ đã được thiết lập" ở Pristina (Kosovo). Trong số những người tham gia ủng hộ có người đứng đầu Ủy ban Chính sách Đối ngoại của quốc hội Ukraine Alexsander Merezhko và nghị sĩ quốc hội Ukraine Alexei Goncharenko.

Kosovo là vùng lãnh thổ ly khai nằm ở phía tây nam Serbia. Tỉnh tự trị này đơn phương tuyên bố độc lập vào tháng 2.2008 và đang tìm cách gia nhập một số tổ chức quốc tế, bao gồm UNESCO và Interpol. Tuy nhiên, hơn 60 quốc gia, bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và 5 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) kiên quyết phản đối việc công nhận nền độc lập của Kosovo.

Kosovo hiện có 1,8 triệu dân, chủ yếu là người Albania. Khoảng 120.000 người Serbia sống tại miền Bắc Kosovo không công nhận chính quyền ở Pristina. Kosovo hiện vẫn là một điểm nóng tiềm ẩn ở khu vực Balkan nhiều năm sau cuộc chiến 1998 - 1999 kết thúc với sự can thiệp của NATO. Các nỗ lực của phương Tây nhằm dàn xếp một giải pháp cho đến nay đều thất bại.

Những lo ngại về xung đột giữa Serbia và Kosovo đã tăng vọt sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. EU đã làm trung gian đàm phán giữa Serbia và Kosovo kể từ năm 2011, nhưng rất ít trong số thỏa thuận đã được ký kết được thực hiện. EU và Mỹ đã thúc đẩy tiến độ đàm phán nhanh hơn vào năm ngoái.

Đáng chú ý, kể từ cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, giới lãnh đạo Serbia đã lên tiếng ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Kyiv, nhưng từ chối áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Serbia cảnh báo Ukraine về vấn đề Kosovo