Ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch Công ty Tư vấn địa ốc Hoàng Quân kiến nghị, ở một số thành phố lớn, có thể phân cho người nước ngoài, cho Việt kiều sở hữu lên tới 100% căn hộ trong tòa nhà chung cư.

Kiến nghị cho người nước ngoài được phép sở hữu 100% căn hộ trong tòa nhà chung cư

Sơn Lam | 28/09/2022, 17:03

Ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch Công ty Tư vấn địa ốc Hoàng Quân kiến nghị, ở một số thành phố lớn, có thể phân cho người nước ngoài, cho Việt kiều sở hữu lên tới 100% căn hộ trong tòa nhà chung cư.

Cho người nước ngoài sở hữu 100% căn hộ trong tòa nhà chung cư

Tại hội nghị góp ý sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản ngày 28.9, ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ thương mại địa ốc Hoàng Quân cho rằng ở Việt Nam, 63 tỉnh thành đều quy định người nước ngoài không được sở hữu quá 30% tổng số căn hộ của một tòa nhà chung cư.

“Tôi thấy vấn đề này cần xem xét lại, ví dụ ở hải đảo, biên giới thì có thể hạn chế để đảm bảo an ninh - quốc phòng, nhưng còn ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng thì có nên quy định như vậy hay không? Tại sao một khu công nghiệp lớn như vậy, rộng từ hàng trăm đến hàng nghìn hecta, người nước ngoài có quyền sở hữu 50 năm mà nhà ở thì lại không?”, ông Tuấn nói.

chung-cu-copy.jpg
Kiến nghị cho người nước ngoài sở hữu 100% căn hộ trong tòa nhà chung cư

Theo ông Tuấn, nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ bất động sản là một nguồn thu vô cùng quan trọng. Do đó, nên phân lại ở một số thành phố lớn, có thể cho người nước ngoài, Việt kiều sở hữu lên tới 100%.

Doanh nghiệp than khó vì loạt thủ tục nhà ở xã hội

Ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Lan Hưng cho rằng nên gọi chung là nhà ở xã hội, không nên phân chia là nhà ở công nhân. Hiện nay các doanh nghiệp làm hàng nghìn căn hộ, mục đích chỉ là nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, nhưng bán nhà lại bán cho tất cả các đối tượng theo Nghị định 100.

“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị tới các cơ quan chức năng từ địa phương tới trung ương nhưng tới nay chưa được giải quyết”, ông Toàn nói.

Cũng theo ông Toàn, nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội được lợi nhuận 10% nhưng lại bắt bỏ 20% để cho thuê là bất hợp lý, quá lãng phí và làm khó cho doanh nghiệp. Nên sửa đổi điều kiện này chỉ khoảng 3 - 5%.

toan-2-copy.jpg
Ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Lan Hưng

Về thủ tục mua bán nhà ở xã hội, ông Toàn cho biết khi doanh nghiệp muốn bán nhà ở xã hội phải gửi danh sách về sở xây dựng để kiểm tra và phản hồi lại thì doanh nghiệp mới được ký hợp đồng mua bán. Như vậy sẽ rất mất thời gian, vào không biết bao giờ doanh nghiệp mới được bán nhà. Quy định này cần sửa lại, tức là cho doanh nghiệp ký hợp đồng và gửi danh sách hợp đồng lên sở xây dựng hậu kiểm tra.

Tránh xin-cho trong lựa chọn chủ đầu tư nhà ở xã hội

Chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định nhiệm vụ dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội thuộc về chính quyền địa phương (UBND cấp tỉnh), thay vì lệ thuộc vào quỹ đất 20% trong các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại (đẩy trách nhiệm cho chủ đầu tư). Với quỹ đất đã chủ động bố trí ấy, UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn nhà đầu tư triển khai thực hiện để cung cấp quỹ nhà ở cho người dân.

Về lựa chọn nhà đầu tư, dự thảo luật quy định: “Trường hợp nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để xây dựng nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận chủ đầu tư đối với nhà đầu tư đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ”.

Như vậy, khác với luật hiện hành (điều 57 Luật Nhà ở năm 2014 quy định “lựa chọn chủ đầu tư thông qua hình thức đấu thầu nếu có từ hai nhà đầu tư trở lên đăng ký”) thì dự thảo luật sửa đổi cho phép chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Bản chất đây là “chỉ định thầu”.

dinh-copy.jpg
Chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh

Ông Đỉnh cho rằng quy định này tương thích với pháp luật đất đai hiện hành cũng như dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cụ thể, Nghị định số 148/2020/NĐ-CP hiện nay cũng như điều 64 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đều quy định trường hợp được miễn tiền sử dụng đất đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư thì giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Tuy nhiên, dù biên lợi nhuận bị khống chế (hiện là 10%) và không có nhiều chủ đầu tư quan tâm, mặn mà, thì nhà ở xã hội vẫn là dự án đầu tư kinh doanh, có sinh lời. Việc cho phép chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư (với bản chất là chỉ định) sẽ làm giảm tính cạnh tranh giữa các nhà đầu tư, làm phát sinh cơ chế xin - cho, tiềm ẩn tiêu cực.

Bởi vậy, dự thảo luật cần đề xuất phương án cho trường hợp có từ 2 nhà đầu tư trở lên có đủ điều kiện năng lực và cùng có mong muốn triển khai dự án; cần quy định rõ tiêu chí, phương thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp này để đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch.

Bài liên quan
TP.HCM giải quyết khó khăn trong việc sửa chữa phần sở hữu chung tại các chung cư
UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo về giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác sửa chữa phần sở hữu chung tại các chung cư do Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiến nghị cho người nước ngoài được phép sở hữu 100% căn hộ trong tòa nhà chung cư