Theo ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM, mục tiêu của việc kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm chấn chỉnh, nhắc nhở các cơ sở làm tốt hơn chứ không phải cố gắng phát hiện để xử phạt. Nhiều trường hợp cán bộ xông vào kiểm tra, phát hiện sai phạm rồi nhận phong bì đi về.
Chiều 7.6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã chủ trì buổi làm việc với Ban An toàn thực phẩm TP (Ban Quản lý ATTP) và lãnh đạo 24 quận huyện về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cấp giấy phép đại trà
Báo cáo tại buổi họp, đại diện Ban Quản lý ATTP TP cho biết trong thời gian qua, công tác quản lý ATTP của TP đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại chưa khắc phục được.
Đơn cử như việc thiếu lực lượng làm công tác quản lý ATTP. Hiện tại, lực lượng phụ trách tuyến quận huyện chỉ có từ 1-2 người. Riêng cấp phường xã không có cán bộ chuyên trách ATTP.
“Trong khi tại các tuyến này quản lý số lượng rất lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống, điểm kinh doanh tự phát với nhiều mối nguy gây mất ATTP nên việc kiểm soát chưa đạt hiệu quả”, đại diện Ban Quản lý ATTP nói.
Ban Quản lý ATTP cũng nói rằng các cơ quan ATTP hiện nay còn thiếu rất nhiều thiết bị kiểm tra nhanh, trong khi số lượng hàng hoá, thực phẩm cần kiểm tra, kiểm soát có số lượng rất lớn. Hoạt động giết mổ trái phép gia súc, gia cầm sản xuất hàng giả, hàng gian, hàng lậu còn diễn biến phức tạp…
Ngoài ra, nhận thức và hành động của nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh về ATTP còn hạn chế. Việc chấp hành các quy định, điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao.
Trong khi đó, ông Trần Vĩnh Tuyến lại cho rằng thời gian qua, việc truy xuất nguồn gốc thịt heo còn nhiều bất cập. Nhiều con heo đeo vòng nhận diện theo kiểu đối phó, số khác lại có vòng nhưng không có thông tin truy xuất. Những chiến dịch “giải cứu thịt heo” thời gian gần đây cũng khiến mục tiêu truy xuất nguồn càng trở nên khó hơn.
Đề cập đến vấn đề cấp giấy phép, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nói rằng cơ quan chức năng thay vì cấp giấy phép cho các cửa hàng sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì phải kiểm tra các cửa hàng đã có giấy phép chưa. Nếu cửa hàng nào không đảm bảo an toàn thực phẩm thì tước giấy phép. Bởi lẽ, ngày nay, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đã quá đại trà, gần như người dân không còn quan tâm.
Đặc biệt, khi các ngành chức năng kiểm tra một cửa hàng thực phẩm thì phải công khai trước cho cửa hàng đó biết chứ không kiểm tra đột xuất nữa. Mục tiêu kiểm tra không phải là cần tiền phạt hay xử phạt mà để người vi phạm biết mà sửa sai, chấn chỉnh.
“Đi kiểm tra không phải lúc người ta kinh doanh, buôn bán mà là lúc chế biến thực phẩm. Trước khi kiểm tra phải thông báo công khai. Mục tiêu của mình là chấn chỉnh, nhắc nhở các cơ sở làm tốt hơn chứ không phải cố gắng phát hiện để xử phạt. Nhiều trường hợp cán bộ xông vào kiểm tra, phát hiện sai phạm và nhận phong bì rồi đi về. Kiểm tra kiểu này không đem lại kết quả gì, thậm chí còn làm hư cán bộ”, ông Tuyến thẳng thắn nói.
Tất cả mặt hàng đều phải có truy xuất nguồn gốc
Ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh việc kiểm tra an toàn thực phẩm trong thời gian tới phải phù hợp với chỉ thị của Thủ tướng về việc không kiểm tra doanh nghiệp 1 năm quá 1 lần. Nếu kiểm tra công khai thì doanh nghiệp làm ăn chân chính họ sẽ rất hoan nghênh, còn những doanh nghiệp làm ăn gian dối phải khắc phục sửa chữa ngay. Do đó, việc kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải minh bạch, công khai.
Ông Tuyến cũng yêu cầu UBND các quận huyện phân công chủ tịch hoặc một phó chủ tịch và một phòng chức năng phụ trách công tác ATTP. Cấp phường xã, thị trấn sẽ do chủ tịch UBND phụ trách. Danh sách cụ thể phải gửi UBND TP để thuận tiện trong công tác chỉ đạo điều hành và xử lý trách nhiệm.
“Đối với những cơ sở sản xuất mất vệ sinh ATTP, nếu phường không phát hiện được mà để quận phát hiện thì kiểm tra trách nhiệm của phường. Nếu quận không phát hiện được mà để TP phát hiện thì kiểm điểm trách nhiệm của quận”, ông Tuyến nhấn mạnh.
Lãnh đạo UBND TP cũng giao đến tháng 7 năm nay, các chợ đầu mối, trung tâm, siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống… phải có thông tin truy xuất tất cả các mặt hàng. Sản phẩm nào không có nguồn gốc đều không được lưu hành. Cũng trong tháng 7, UBND 24 quận huyện phải có kế hoạch giải tỏa các chợ tự phát, lấn chiếm lòng lề đường.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, mục tiêu quản lý về ATTP của TP.HCM là từng bước và về lâu dài phải chấm dứt tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc nhập vào TP. Đồng thời, việc này còn xử lý các cửa hàng thiếu ý thức về đảm bảo ATTP; không để xảy ra tình trạng xin xỏ trong cấp giấy chứng nhận đảm bảo ATTP. TP.HCM quyết tâm chấm dứt tình trạng giết mổ lậu, nơi sản xuất hàng gian, hàng giả.
UBND TP đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Đoàn kiểm tra liên ngành có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát,nhận xét, đánh giá việctriển khai công tác quản lý nhà nước về đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đồng thời, đoàn kiểm tra cũng có nhiệm vụ đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với rượu, thực phẩm tươi sốngtại UBND các quận huyện; kiểm tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP.
Đặc biệt, trưởng đoàn sẽ phải chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo kết quả việc kiểm tra, giám sát công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cho UBND TP theo quy định.