“Sau sự việc xảy ra ở một tỉnh, nhiều ý kiến đề nghị Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch tỉnh là đối tượng cảnh vệ”, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm UB Quốc phòng – an ninh của Quốc hội chia sẻ.

Nhiều ý kiến đề nghị Bí thư, Chủ tịch tỉnh được cảnh vệ

Trí Lâm | 06/06/2017, 19:23

“Sau sự việc xảy ra ở một tỉnh, nhiều ý kiến đề nghị Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch tỉnh là đối tượng cảnh vệ”, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm UB Quốc phòng – an ninh của Quốc hội chia sẻ.

Chiều 6.6, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh vệ do Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành.

Có nên bổ sung Chánh án TANDTC vào đối tượng cảnh vệ?

Theo quy định tại dự thảo, đối tượng cảnh vệ là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Uỷ viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc ViệtNam, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng nên bổ sung Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao vào đối tượng cảnh vệ. Đại biểu Trịnh Ngọc Thúy (TP.HCM) cho rằng “Dù tình hình an ninh nước ta tương đối ổn định nhưng việc quy định này là cần thiết”.

Vị này phân tích, Hiến pháp đã quy định rõ địa vị pháp lý của tòa án nhân dân và nguyên tắc phân công phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Chánh án TANDTC cũng là 1 trong 4 lãnh đạo cấp cao tuyên thệ khi nhậm chức. Việc Chán án TANDTC thuộc đối tượng cảnh vệ thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với tòa án.

“Việc bổ sung này không làm tăng thêm biên chế cảnh vệ vì Chánh án là Bí thư Trung ương Đảng, đã thuộc diện được cảnh vệ. Điều này cũng góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ thẩm phán, tự hoàn thiện bản thân, xứng đáng với nhiệm vụ mà Nhà nước giao phó”, bà Thúy nói.

Đồng tình với ý kiến của bà Thúy, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chia sẻ: “Một số cán bộ ngành tòa án có chia sẻ với tôi họ khá tâm tư khi Việt Nam có lập pháp, hành pháp và tư pháp,họ thuộc tư pháp nhưng vẫn cảm thấy lép vế. Lý do là Chánh án là chức danh to nhất trong hệ thống tư pháp thì lại không được quy định đối tượng cảnh vệ”.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng nên bổ sung Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao vào đối tượng cảnh vệ

Do đó, vị này đề nghị bổ sung chức danh Chánh án TANDTC vào đối tượng cảnh vệ để thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước vào cơ quan tư pháp để họ yên tâm và tận tụy thực hiện chức năng hộ pháp của nhân dân.

Nói về điều này, ĐB Vũ Trọng Việt cho biết, cơ quan soạn thảo và thẩm tra đã tổ chức nhiều hội thảo, khuynh hướng chung là giữ nguyên. Nếu bổ sung thì không chỉ Chánh án mà còn phải bổ sung cả Tổng kiểm toán Nhà nước vì Tổng kiểm toán đụng độ đế nhiều lợi ích nhóm khi chống tham nhũng, tiêu cực; rồi Viện trưởng Viện Kiểm sát, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng... cũng cần cảnh vệ.

“Sau sự việc xảy ra ở 1 tỉnh, ý kiến đề nghị Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch tỉnh là đối tượng cảnh vệ. Tuy nhiên, giữa cảnh vệ và bảo vệ là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Cảnh vệ tập trung vào các yếu nhân, những người đặc biệt quan trọng”, ông Việt nói.

Vị này cho rằng 18 đối tượng cảnh vệ là phù hợp thực tiễn, do đó xin giữ nguyên như hiện nay.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Thái Bình) cũng góp ý, dự thảo luật chưa phân định rành rọt trách nhiệm đối tượng cảnh vệnào thuộc Bộ Công an, đối tượng nào thuộc Bô Quốc phòng. Do đó, cần phải quy định rõ điều này.

Cảnh vệ được nổ súng trong trường hợp nào?

Theo đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình), việc sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ đối với lực lượng cảnh vệ cần có sự tương thích với Luật sử dụng vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bởi điều này có quan hệ đến tính mạng, sức khỏe con người, Do đó, ban soạnthảo cần xem xét và quy định rõ hơn đối với hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ.

“Quy định rõ điều này cũng tránh việc làm dụng khi sử dụng súng, đồng thời tránh tình trạng cảnh vệ chần chừ khi bảo vệ yếu nhân khi gặp đối tượng tấn công”, đại biểu này nói.

Còn theo Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội), việc nổ súng phải tuân thủ các nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng. Cần quy định thêm, khi nổ súng cần phải tuân theo Bộ luật Hình sự về phòng vệ chính đáng hay tình thế cấp thiết.

Về quyết định nổ súng cảnh báo đối tượng có hành vi đột nhập vào khu vực có đối tượng cảnh vệ, vị này cho rằng nếu đối tượng mới chỉ đột nhập mà chưa gây nguy hiểm thì không cần phải nổ súng. Thậm chí, khi đối tượng đã đột nhập vào khu vưc có đối tượng cảnh vệ, đã được cảnh vệ cảnh báo nhưng hành vi của đối tượng cũng mới chỉ dừng lại ở việc đột nhập, chưa có hành vi tấn công, đe dọa đối tượng cảnh vệ nên nếu nổ súng sẽ vi phạm Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ.

Trình bày về điều này, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm UB Quốc phòng – an ninh cho rằng “khi chưa có luật, anh em cảnh vệ hay công an sử dụng vũ khí rất lúng túng. Do đó, cần xác định rõ nổ súng có cảnh báo và nổ súng không cảnh báo”.

Theo vị này, nổ súng cảnh báo khi có đối tượng đột nhập vào nơi cấm, nếu có hành động chống đối, có hành động nguy hiểm thì phải vô hiệu hoá. Còn lại, nổ súng không cảnh báo trong những trường hợp nào thì đã quy định rõ rồi, lực lượng công an, quận đội cần huấn luyện sao cho những cán bộ tinh luyện sử dụng cái này.

Bên cạnh đó, đề cập đến việc huy động người, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ, có ý kiến đề nghị quy định rõ “trường hợp cấp bách” và quy trình huy động người, phương tiện; có ý kiến đề nghị cân nhắc về thẩm quyền “huy động”.

UBTVQH cho rằng, dự thảo luật quy định “Trong trường hợp cấp bách, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ” thì cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ được quyền huy động người, phương tiện… là cần thiết, để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ; còn “Trường hợp cấp bách” không thể quy định cụ thể. Tuy nhiên, UBTVQH đã chỉnh lý lại điều này như dự thảo luật trình Quốc hội.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều ý kiến đề nghị Bí thư, Chủ tịch tỉnh được cảnh vệ