Tại hội nghị về thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế năm 2018 diễn ra ngày 30.3, Bộ KH-ĐT đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng chi tiết đến từng quý để làm cơ sở điều hành.

Kịch bản nào cho tăng trưởng năm 2018?

Trí Lâm | 30/03/2018, 17:51

Tại hội nghị về thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế năm 2018 diễn ra ngày 30.3, Bộ KH-ĐT đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng chi tiết đến từng quý để làm cơ sở điều hành.

Kịch bản 1 tương ứng với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 ở mức cao (6,7%) theo Nghị quyết của Quốc hội và mục tiêu phấn đấu của Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1.1.2018.

Với mức tăng trưởng dự báo của quý 1 là 7,47%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 10,83% và khu vực dịch vụ đạt 6,38%, đòi hỏi tất cả các ngành, các cấp đều phải nỗ lực, cố gắng.

Bộ KH-ĐT đánh giá, đây là kịch bản phấn đấu nhưng vẫn có thể đạt được. Theo kịch bản này, các ngành, các cấp cần kiên trì, kiên định thực hiện các mục tiêu, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, đồng thời có sự theo dõi chặt chẽ những diễn biến cụ thể từng tháng, từng quý của ngành, lĩnh vực và từng sản phẩm để có những giải pháp và đối sách phù hợp, tận dụng triệt để những thuận lợi và cơ hội cả ở trong và ngoài nước đem lại để phục vụ cho mục tiêu phát triển của ngành, lĩnh vực.

Kịch bản 2 được xây dựng với mức tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 6,8%. Về cơ bản, kịch bản này được xây dựng bám sát theo kịch bản 1 (6,7%), trong đó chỉ thay đổi tăng trưởng của ngành công nghiệp, do xét thấy xu hướng tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là khá tốt.

Bộ KH-ĐT cho rằngtrong trường hợp không có biến động tiêu cực lớn xảy ra, bối cảnh trong nước và quốc tế thuận lợi, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khởi sắc, đăng ký doanh nghiệp tăng mạnh và đưa vào hoạt động được các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo lớn vào hoạt động thì mức độ đóng góp của ngành này trong tăng trưởng chung GDP của cả nước sẽ được cải thiện vượt bậc.

Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT cũng cho rằng kịch bản tăng trưởng cao hơn (6,8%) được xây dựng với ý nghĩa để so sánh, đối chiếu với kịch bản cao (6,7%) và cũng định hướng mục tiêu phấn đấu của các ngành, các cấp.

Bộ KH-ĐT cũng cảnh báo, do đặc điểm mô hình diễn biến tăng trưởng các quý năm 2018 khác nhiều so với truyền thống, có xu hướng giảm dần, trong đó tốc độ tăng trưởng của quý 1 là cao nhất nên rất dễ dẫn tới tâm lý như sớm hài lòng, thỏa mãn với kết quả đạt được, có thể dẫn tới lơ là, thiếu kiên trì, quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ đã được đề ra.

Bên cạnh đó, việc kỳ vọng quá nhiều vào mô hình truyền thống, quý sau cao hơn quý trước nên dễ bị thất vọng, mất động lực và niềm tin vào việc triển khai các nhiệm vụ khi kết quả thực tiễn không như kỳ vọng.

Cùng với đó, rất dễ có thể có tâm lý hoài nghi về kết quả thống kê, dẫn tới những phân tích sai lệch về tình hình kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến tâm lý chung và niềm tin của xã hội vào công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cũng như tính khoa học của công tác thống kê.

Để khắc phục những yếu tố này, Bộ KH-ĐT đề nghị trong những tháng còn lại, định hướng chỉ đạo, điều hành cần kiên định thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tuyệt đối không hài lòng với những thành công ban đầu, duy trì nỗ lực chung của toàn hệ thống.

“Tổ chức tốt công tác thông tin và truyền thông để xã hội hiểu rõ về kịch bản tăng trưởng, củng cố niềm tin của cả hệ thống, nhân dân và doanh nghiệp vào công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cũng như về tính khoa học của số liệu thống kê”, Bộ này nêu và cho rằng cần tăng cường các buổi làm việc, đối thoại giữa các cơ quan của Chính phủ với các tổ chức quốc tế có uy tín tại Việt Nam, các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế...

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý 2/2018 cũng như các tháng còn lại trong năm 2018, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã nêu hàng loạt nhiệm vụ đối với các bộ, ngành, địa phương.

Bộ Công Thương được giao chỉ tiêu phấn đấu tốc độ tăng GDP trong công nghiệp năm 2018 đạt 7,3 - 7,65%; chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2018 (IIP) đạt mức 9 -10,8%, trong đó, IIP ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12,5 - 14,5%, sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.

Chỉ tiêu tăng GDP ngành dịch vụ năm 2018 đạt mức 7,4%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 10%.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt khoảng 475,5 tỉUSD, tăng 11,8% so với năm 2017. Phấn đấu đạt và vượt mức kế hoạch giao đối với các sản phẩm chủ lực của nền kinh tế, cụ thể kế hoạch giao: Dầu thô 13,23 triệu tấn; khí đốt 9,6 tỉm3; than 41,5 triệu tấn; điện sản xuất 212,7 tỉkWh…

Bộ NN-PTNT được giao đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu năm 2018, có ít nhất 52 huyện và 37% xã đạt chuẩn nông thôn mới; tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt khoảng 3,05%, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 40 tỉ USD.

Bộ Xây dựng được giao phấn đấu tăng GDP xây dựng năm 2018 đạt mức 9,21%. Bộ GTVT phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sớm đưa vào hoạt động một số dự án giao thông trọng điểm và bảo đảm chất lượng đặc biệt là các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành…

Bộ VHTT-DL cần tăng cường và đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đạt khoảng 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Chính phủ giao nhiệm vụ tăng trưởng GDP của khu vực dịch vụ đạt từ 7,4% trở lên…

Hoài Phong
Bài liên quan
Nhu cầu chip AI của Nvidia vẫn bùng nổ nhưng tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm lại khiến nhà đầu tư lo ngại
Nvidia hôm 20.11 dự báo mức tăng trưởng doanh thu chậm nhất trong 7 quý, không đáp ứng được kỳ vọng cao của một số nhà đầu tư đã biến hãng chip trí tuệ nhân tạo (AI) Mỹ này thành công ty có giá trị nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kịch bản nào cho tăng trưởng năm 2018?